Nhiều rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp
Ngày 29/10, Tổng hội NN&PTNT Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang tổ chức “Tọa đàm tham vấn giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật”.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, thiên tai đang ngày càng gia tăng về quy mô, tần suất và diễn biến bất thường; vì vậy, thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn. Ước tính mỗi năm cả nước có trên 400 người thiệt mạng do thiên tai, thiệt hại vật chất chiếm 1,5% GDP.
Chia sẻ về vị trí của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh đây là một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp nông nghiệp góp phần gia tăng sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông - lâm - thủy sản; đồng thời tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách địa phương...
Theo quy định pháp luật, các chủ thể kinh tế là bình đẳng. Do đó, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông - lâm - thủy sản thì doanh nghiệp cũng là đối tượng cần được quan tâm, hỗ trợ.
TS Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nhấn mạnh tình hình thiên tai, dịch bệnh gần đây diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật. Gần đây nhất là cơn bão số 3 (Yagi), bão số 6 (Trami) với sức mạnh chưa từng có đã gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế của nước ta; trong đó ngành nông nghiệp chịu tổn thất nặng nề nhất.
Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam cần sớm có giải pháp căn cơ, nhất là giải pháp về chính sách nhằm chủ động hơn trong công tác ứng phó; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất nông nghiệp tại vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Cần gì để tái khởi động sản xuất?
Từ phía doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp luôn gặp khó khăn bởi tác động của thiên tai và dịch bệnh thực vật.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất. Các hiện tượng này không chỉ gây thiệt hại lớn đến hạ tầng nông nghiệp của doanh nghiệp như giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, kho bãi… mà còn làm mất trắng mùa màng. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, chi phí sản xuất gia tăng…
Bên cạnh đó, dịch bệnh thực vật cũng là một yếu tố làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Các loại sâu bệnh trên cây trồng đã và đang lan rộng gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng nông sản.
Để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật, ông Trần Mạnh Báo cho rằng cần có các chính sách miễn, giảm nghĩa vụ của doanh nghiệp với nhà nước như miễn giảm thuế, tiền thuê đất. Thậm chí có thể xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho doanh nghiệp bị thiệt hại đã tham gia hỗ trợ người dân vùng thiệt hại.
Chính phủ cũng cần xây dựng các gói hỗ trợ tài chính đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, dịch bệnh. Các gói hỗ trợ này có thể bao gồm việc giảm lãi suất vay vốn, gia hạn thời gian trả nợ và cung cấp các khoản vay ưu đãi để giúp họ tái đầu tư sản xuất.
Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai các chương trình bảo hiểm nông nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro tài chính trong trường hợp xảy ra thiên tai và dịch bệnh. Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho doanh nghiệp; mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với nhiều loại hình nông sản và cây trồng khác nhau.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nông nghiệp cần được hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ để tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai và dịch bệnh. Chẳng hạn như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng có khả năng kháng bệnh tốt; ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại giúp giám sát và dự báo sớm các nguy cơ.
Sau bão, nhiều sản phẩm nông nghiệp có nguy cơ không tiêu thụ được do chất lượng giảm sút hoặc khó khăn trong vận chuyển. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; bằng cách kết nối doanh nghiệp với các thị trường tiêu thụ, giảm phí vận chuyển, cung cấp kho lưu trữ tạm thời…
Về lâu dài, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp tái cơ cấu mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; áp dụng các giải pháp canh tác thông minh, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
Hỗ trợ nâng cao năng lực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là vấn đề cần được quan tâm. Điều này sẽ giúp tăng cường hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó khôi phục nhanh chóng hơn sau thiên tai và dịch bệnh.
“Những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái khởi động sản xuất; đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước ta” - ông Báo nhấn mạnh.