“Vì một nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững” là chủ đề chính của chuỗi tọa đàm bàn tròn xuất hiện hằng kỳ trên tạp chí Nông thôn Việt. Tại đây, những đau đáu dành cho hạt gạo, con cá, cây trái... nước mình làm sao được vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu, hằng mong một “cánh đồng” an vui, no đủ như giấc mơ bao đời của nhà nông, sẽ được các nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia, Việt kiều... cũng như ai tâm huyết với nền kinh tế nông nghiệp cùng nhau chia sẻ Bên tách trà. Không phải là chuyện “bão trong tách trà”, càng không phải câu chuyện trà dư tửu hậu, tất cả cùng nhìn về một đường đi mới cho bản sắc nông nghiệp Việt mà ở đó người nông dân một nắng hai sương không bị bỏ lại trên bước đường đi tới của đất nước, của văn minh...

Tìm giải pháp giúp gia tăng giá trị bền vững cho nông sản Việt là câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Thế nhưng, nếu không nói đến cùng, tìm ra các giải pháp khả thi thì sẽ lãng phí rất nhiều giá trị nông sản. Ngành nông nghiệp vẫn luôn là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam từ bao năm nay. Vì vậy, nâng cao giá trị và sản lượng nông sản bền vững chính là làm vững thêm cho trụ cột của nền kinh tế cũng như nâng cao chất lượng đời sống nông thôn.
Buổi tọa đàm hướng đến các giải pháp giúp gia tăng giá trị bền vững cho nông sản Việt có sự góp mặt của ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group, ông Lê Bá Linh - Giám đốc Công ty Pacific Foods và ông Võ Quan Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty Huy Long An. Người mời trà là ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Nông thôn Việt.

Ông Nguyễn Đức Quang: Như chúng ta đã biết, nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông, lâm thủy sản thu về 36,3 tỉ USD, trong đó có 7 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỉ USD trong năm nay.
Nông nghiệp là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào giá trị xuất khẩu chung của cả nước, nhưng giá trị xuất khẩu nông sản lại chưa được tận dụng. Nguyên nhân là do: Thứ nhất, nông sản nước ta xuất khẩu thô là chủ yếu, do đó giá bán rất thấp. Thứ hai, chúng ta chưa tận dụng hết giá trị nông sản. Nguồn phế phụ phẩm nếu được tận dụng không chỉ giúp gia tăng giá trị nông sản lên gấp nhiều lần mà còn giúp bảo vệ môi trường. Thứ ba, tình trạng được mùa mất giá, do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Mặt khác, việc quy hoạch vùng trồng chưa nghiêm túc, lại thiếu thông tin dự báo thị trường nên hầu hết nông dân đều nuôi trồng theo cảm tính, “thấy người ăn khoai thì vác mai đi đào”. Thứ tư, nông nghiệp chưa có nguồn giống tốt, những giống sử dụng phổ biến hiện nay đa số là ngoại nhập. Thứ năm, nông sản Việt có chất lượng tốt nhưng do khâu bảo quản, chế biến chưa đạt chuẩn dẫn tới giảm giá trị cạnh tranh thị trường. Thiếu hụt khâu bảo quản chế biến nên xảy ra hiện tượng nông sản đổ bỏ khi mất giá, phải “giải cứu” hằng năm.
Nguyên nhân có lẽ chúng ta đã nói nhiều, nhưng giải pháp cho các thực trạng này rất cần được bàn thật sâu sắc, thấu đáo để có hướng đi thiết thực và mang lại hiệu quả.


Ông Võ Quan Huy: Tôi khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, sử dụng vốn của nhà máy đường để đi khai hoang trồng mía. Giá cả lúc lên cao lúc xuống thấp, tôi và phía nhà máy đều chấp nhận và giữ sự tôn trọng trong mối quan hệ hợp tác. Nhờ vậy mà làm ăn với nhau lâu bền.
Qua đó có thể thấy, doanh nghiệp muốn có năng lực xuất khẩu bền vững phải hợp tác với nông dân xây dựng vùng trồng. Đối với nông dân, doanh nghiệp phải có tâm có tầm, thị trường khó khăn hay thuận lợi đều phải đồng hành với nông dân. Giữa doanh nghiệp với nông dân có sự cảm thông, chia sẻ thì dễ tìm được cách tăng giá trị cho nông sản.

Ông Nguyễn Đình Tùng: Tôi đồng ý với ý kiến của ông Huy. Trong 4 năm qua, Vina T&T Group đã hợp tác với hợp tác xã và nhà vườn trồng vú sữa ở Sóc Trăng rất chặt chẽ và bài bản. Nhờ đó mà chúng tôi có nguồn hàng ổn định để xuất khẩu. Chúng tôi cũng tôn trọng và giữ chữ tín khi hợp tác với nông dân ở nông trường sông Hậu. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, trái cây không xuất khẩu được, nhưng chúng tôi vẫn thu mua nhãn cho nông dân. Đến tỉnh, chúng tôi đi vào vườn bằng xe quân đội, rồi chương trình “ba tại chỗ” tại các nhà máy ở nhiều địa phương cũng được chính quyền ủng hộ, tạo điều kiện tối đa. Đến nay, Vina T&T đã có được tình cảm của bà con nông trường. Họ “để dành” nhãn để bán cho chúng tôi trước. Tôi trân trọng tình cảm “có qua có lại” đó.
Thực tế, doanh nghiệp ai cũng muốn hỗ trợ, đồng hành với nông dân. Nhưng chúng tôi phải có thị trường thì mới sẵn sàng trả giá cao để mua nông sản. Bản thân doanh nghiệp phải tự làm thương hiệu, tự đi tìm thị trường chứ không ai giúp sức cả. Làm thương hiệu ở nước ngoài cũng không dễ dàng gì, đó là chưa nói đến việc chúng tôi còn phải cạnh tranh với chính thương hiệu Việt ở nước ngoài.


Ông Lê Bá Linh: Tôi cũng có kinh nghiệm nhiều năm làm thương hiệu và tìm thị trường xuất khẩu. Mỗi doanh nghiệp Việt tự làm thương hiệu rất khó. Thứ nhất là do rào cản ngôn ngữ. Thứ hai là chưa hiểu về thị trường cũng như chưa có kinh nghiệm làm ăn ở nước ngoài. Việc tự làm thương hiệu cũng giống như khởi nghiệp, mất nhiều thời gian, công sức và tỷ lệ thành công rất hiếm. Hướng đi tốt hơn là chúng ta cùng nhau làm thương hiệu cho quốc gia. Vì khi xuất khẩu, người ta chỉ biết đến gạo Việt Nam, cà phê Việt Nam hay nước mắm Việt Nam, nhãn hiệu từng sản phẩm thường không quá quan trọng. Làm thương hiệu cho nông sản quốc gia là bài toán đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng không thể thiếu sự điều phối của nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Tùng: Nông sản của chúng ta sở dĩ phụ thuộc thị trường Trung Quốc vì, trước hết, đó là thị trường gần (sát nách chúng ta) và rất lớn, lại khá “dễ tính”. Mặt khác, chúng ta thiếu công nghệ bảo quản nên nông sản thu hoạch xong là xuất tươi, bán tươi. Nông sản, từ khi thu hoạch, vô container chở ra cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 5 - 6 ngày nên không cần đến công nghệ bảo quản. Chính vì sự “dễ dãi’ này mà nông sản xuất tiểu ngạch, khi thị trường Trung Quốc “trở chứng” thì từ người sản xuất đến các doanh nghiệp xuất khẩu chúng ta “lãnh đủ”. Nhưng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường xa thì trước hết, chúng ta phải có công nghệ bảo quản tốt hơn…

Ông Nguyễn Quốc Toản: Việc phát triển thị trường nước ngoài có hai vấn đề. Thứ nhất là lực lượng ở đâu? Chúng ta có các tham tán thương mại và cơ quan thương vụ ở các nước, nhưng lực lượng rất ít, khó hỗ trợ đầy đủ cho doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp muốn tìm kiếm thị trường phải có cánh tay nối dài ở nước sở tại. Hiện nay, nhãn hiệu nông sản Việt Nam ở nước ngoài chưa được bảo hộ, chỉ dẫn đăng ký. Còn các thiết chế bảo hộ đăng ký nhãn hiệu là việc mà nhà nước không thể can thiệp. Các đại diện hay hội ngành hàng sẽ giúp doanh nghiệp xâm nhập thị trường, tìm đầu ra cho nông sản. Vấn đề thứ hai là khi đã có liên minh ngành hàng và hợp tác quốc tế, thì phải có vùng nguyên liệu ổn định. Trong khi nhiều loại rau trái chỉ có tính mùa vụ, không đủ số lượng xuất khẩu.
Việt Nam có quá nhiều loại nông sản, đó là lợi thế cũng là điểm bất lợi. Vì nó tạo ra sự chồng lấn sản phẩm giữa các tỉnh. Giải pháp đặt ra là chúng ta phải xác định các vùng nguyên liệu chuyên canh, có tính chất đặc thù, tổ chức sản xuất thành ngành hàng. Phải phân định rõ đâu là vùng nguyên liệu chuyên canh hoa quả tươi phục vụ trong nước và xuất khẩu, đâu là vùng phục vụ đầu vào cho chế biến.
Việc sản xuất cũng phải được tổ chức bài bản trong điều kiện không gian thể chế không phát huy nhiều, trong đó có vấn đề đất đai. Luật đất đai sẽ còn mất nhiều thời gian để điều chỉnh, giải pháp quy hoạch rau quả cũng không dễ dàng. Đó phải là sự quyết tâm của chính quyền địa phương. Chẳng hạn như trước năm 2015, Sơn La chỉ là một vùng nông nghiệp nghèo, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là ngô (bắp). Chính quyền tỉnh này đã xây dựng đề án “Phát triển cây ăn quả trên đất dốc” trong 5 năm. Kết quả, đến nay tỉnh Sơn La đã cải tạo, trồng mới hàng trăm nghìn ha cây ăn quả, đưa Sơn La vươn lên trở thành vựa trái cây lớn thứ hai của cả nước, chỉ sau Tiền Giang.
Từ sau năm 2017, Sơn La tập trung phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Tỉnh này đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Nafoods... Vấn đề còn lại phục vụ cho nông nghiệp chỉ còn logictics. Và trong năm 2022, Sơn La đã trình Thủ tướng cho phép đưa việc xây dựng sân bay Nà Sản và sân bay Mộc Châu vào quy hoạch, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế.
Qua đó cho thấy, động lực phát triển kinh tế nông nghiệp không chỉ từ trung ương, mà chính quyền địa phương có vai trò rất lớn. Trung ương chỉ đạo, định hướng phát triển ngành hàng, còn “trồng cây gì, nuôi con gì” thì địa phương phải cùng nông dân thực hiện. Về thị trường cũng vậy, Chính phủ chỉ hỗ trợ xúc tiến thương mại, còn doanh nghiệp phải chủ động tận dụng và phát triển thị trường. Chọn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hay Nhật Bản, châu Âu, đó là do sự chủ động của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Tùng: Việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tôi thấy hiệp hội ngành hàng ở các nước làm rất tốt. Ví dụ như trái táo, cherry Mỹ trước khi vào thị trường Việt Nam, họ đã có chuyên viên hiệp hội “nằm vùng” ở nước ta để tìm hiểu thị trường. Khi có cửa hàng mở bán sản phẩm của họ, họ giúp thiết trí cửa hàng… và báo cáo về hiệp hội. Tất cả chi phí này đều do hiệp hội ngành hàng của họ tài trợ. Do vậy, sản lượng trái cây ngoại, đặc biệt là táo và cherry chỉ trong mấy năm đã phủ kín thị trường bán lẻ Việt Nam, từ thành thị tới thôn quê. Còn chúng ta, hầu như ngành hàng nào cũng có hiệp hội nhưng hầu như không quan tâm tới chức năng tìm kiếm thị trường.
Hoạt động xúc tiến thương mại tốt sẽ tạo nhiều lợi thế trong phát triển thị trường cho nông sản. Nhưng cũng cần tính toán kỹ hơn trong việc lựa chọn lợi thế của nông sản Việt. Nhà đàm phán cần phải xem xét các yếu tố: sản lượng nông sản bao nhiêu, công nghệ bảo quản tốt không, thị trường có cạnh tranh với ai hay không? Tránh trường hợp sau khi đàm phán thành công thì hết mùa, không đủ sản lượng xuất khẩu.
Ông Lê Bá Linh: Theo tôi việc xúc tiến thương mại cần có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn đại diện cho ngành. Đoàn xúc tiến sẽ chọn làm việc với các đối tác lớn như Cosco, Tradeford… để ký hợp đồng lớn. Sau đó sẽ tập hợp nông dân từng khu vực, điều phối từng vùng trồng để chia sẻ cơ hội cho các vùng trồng khác nhau.


Ông Nguyễn Đức Quang: Việc xúc tiến thương mại có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp như ông Linh nói, phải chăng là trách nhiệm của các hiệp hội ngành nghề? Hiện nay, chức năng của các hiệp hội ngành nghề như thế nào? Bảo vệ quyền lợi hội viên như thế nào? Có góp phần tìm kiếm thị trường, quản lý sản lượng, chất lượng nông sản phẩm và quota xuất khẩu không? Nay việc quản lý quota vẫn là của nhà nước, tìm thị trường thì qua Bộ Công thương và các tham tán…
Ông Lê Bá Linh: Hiệp hội ngành hàng cũng cần bổ sung chức năng kiểm duyệt chất lượng nông sản, loại trừ những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn hoặc có dư lượng chất kích thích, thuốc trừ sâu…
Mới đây, tôi nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu chả cá, cá viên, tôm viên từ Nhật. Khi tôi mua hàng ở các nhà máy tại Đồng bằng sông Cửu Long, họ nói “xuất khẩu sang Nhật cần làm sản phẩm chất lượng khác”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao chúng ta không làm sản phẩm chất lượng đồng đều cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu?”, họ trả lời rằng thị trường Việt Nam và Trung Quốc “dễ” hơn!
Tôi không chấp nhận tư duy như vậy. Người tiêu dùng nội địa cũng có quyền được sử dụng nông sản chất lượng cao. Trước đây, thị trường Trung Quốc khá “dễ tính” nhưng nay đã nâng các rào cản kỹ thuật tương đương với Mỹ, Nhật. Chúng ta không thể giữ tư duy làm ăn như vậy. Nhất thiết phải có một cơ quan kiểm soát về chất lượng sản phẩm đầu ra, để nông sản trong nước an toàn với người dùng, nông sản xuất khẩu không bị trả về làm ảnh hưởng uy tín ngành hàng quốc gia. Tôi nhấn mạnh vai trò của hiệp hội, có sự điều phối của nhà nước. Nếu nhà nước không có định chế thì hiệp hội không thể thực hiện được các chức năng của mình.
Ông Nguyễn Đình Tùng: Đồng quan điểm với ông Linh. Tôi hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Phí hội là 6 triệu/đồng năm nhưng cũng chỉ có khoảng 20 hội viên đóng. Thế nên hội còn không có chi phí vận hành, lấy đâu chi phí cho những việc khác như lập đoàn kiểm tra, mời chuyên gia đào tạo... Hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quyết, nhà nước không can thiệp nên rất khó cho chúng tôi khi muốn hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.

Ông Nguyễn Đức Quang: Rõ ràng các chức năng của hiệp hội cần được đưa vào Luật. Nếu không, hiệp hội sẽ không có tiếng nói với hội viên cũng như với nhà nước. Thưa ông Nguyễn Quốc Toản, như trên ông có đề cập đến giải pháp logictics của Sơn La. Ông có thể nói thêm về các định hướng phát triển logictics nhằm hỗ trợ cho nông nghiệp không?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Về logictics, chúng ta phải có hệ thống toàn diện cả về logictics cứng (đường sá, sân bay…) và logictics mềm (thương mại điện tử, platform…). Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình báo cáo Chính phủ dự án về các trung tâm logictics ở biên giới với Trung Quốc. Các trục lớn như Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai, chúng ta đang có các trung tâm logictics nhưng quy mô chưa rõ ràng, hiện nay có dạng như các chợ đầu mối. Ở các cảng nước sâu cũng hình thành các platform logictics tập trung vào kho hải quan, kho mát, kho lạnh, kho khô, các dịch vụ giao nhận, sàn thương mại điện tử để minh bạch hóa thông tin.
Ở khu vực nông thôn, chúng ta cũng phải có các điểm logictics cộng đồng tại các hợp tác xã vừa và nhỏ. Các điểm logictics này tuy quy mô nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, cung cấp dịch vụ cung ứng, sơ chế đóng gói bao bì và giúp giảm tối đa thời gian vận chuyển. Tại các điểm logictics này có tư vấn dịch vụ bảo hiểm,môi giới cho nông sản. Tại đây cũng tổ chức các tour tham quan vùng nguyên liệu, vận tải và chế biến tại chỗ, giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển…
Những điều chúng ta nói đến trên đây là hành trình và đích đến của nền kinh tế nông nghiệp. Định hướng đã có rất đầy đủ, nghị quyết rất nhiều, vấn đề là thể chế hóa thực hiện như thế nào. Về thành phần kinh tế nông nghiệp thì vô cùng đa dạng, có doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, nông dân chuyên nghiệp, hệ thống viện nghiên cứu nông nghiệp, nhà buôn lớn, lực lượng lao động chuyên nghiệp... Từng thành phần này sẽ được tạo điều kiện ra sao? Chúng ta phải xác định về động lực của nền kinh tế nông nghiệp. Nó là ước mơ làm giàu chính đáng của người nông dân. Hay động lực đến từ quyết tâm phát triển của chính quyền cơ sở, từng địa phương?
Như vậy, có thể thấy, câu chuyện phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều điều phải bàn, mỗi lát cắt là một câu chuyện bàn tròn cần sự góp sức của đa dạng các thành phần. Chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện này ở những bàn tròn sau.
_high.jpg)
Bài: XUÂN LỘC; Ảnh: TUẤN ANH