, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 29/04/2024, 16:32
 

Người thực hiện bài trò chuyện này mạo muội gọi “ông trùm”, mới nghe tưởng Lê Ngọc Huê già lắm. Nhưng thực ra, CEO của trà Thái Hưng chỉ mới 38 tuổi. 38 tuổi, lại có hồ sơ khởi nghiệp… cũng chẳng phải dạng vừa đâu. Từ vỡ mộng với cây đinh lăng đến mang những hộp trà thảo dược túi lọc đầu tiên của miền Bắc đi khắp nơi, Lê Ngọc Huê bắt đầu từ những bài học marketing cơ bản nhất để có được thương hiệu trà Thái Hưng như hiện tại. Trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, anh chàng nông doanh này không ngại ngần tâm sự về một dự định lớn: Tại sao tất cả các quán trà đá không thay trà bẩn bằng trà dược liệu nhỉ? 

“Trà cà gai leo đấy, mời bạn”, Huê nói. Cà phê cùng Nông thôn Việt tự nhiên biến thành một cuộc trà chiều thú vị. Chủ đề xoay quanh trà thảo dược và dư địa của nền kinh tế dược liệu, xoay quanh những năm tháng khởi nghiệp để định vị con đường đi của một thương hiệu trà Việt, do người Việt làm, dành cho người Việt.

 
 
 
 

Anh nói vậy mà không sợ mình đang “tuyên chiến” với một lực lượng xã hội lớn đang hành nghề bán trà đá và mê uống trà đá ư? Lực lượng này hùng hậu lắm đấy. Có khi nào anh làm trà thảo dược nên bài xích trà đá vỉa hè không?

CEO Lê Ngọc Huê: Thực ra, uống trà (mạn) là một thói quen lâu đời của người Việt. Tôi không nói trà mạn không tốt nhưng phải là trà sạch nhé. Tại sao các nước Châu Âu cũng dùng trà mạn nhưng họ lại thêm một quy trình lên men và gọi trà đó là “black tea” (trà đen)? Trà đen đó đã xử lý được chất tanin. Trong lá trà xanh có chất chống oxy hóa và tanin. Chất oxi hóa rất tốt nhưng chỉ được uống một lượng vừa phải và với điều kiện nguồn gốc trà thật sạch. Còn chất tanin, uống ít thì tốt nhưng uống nhiều rất hại. Nó phá hủy các cấu trúc enzyme, vitamin, làm não thức tỉnh quá. Tôi mới chỉ nói tới khía cạnh những tác động từ bản thân lá trà. Ngoài ra, còn những tác động thuộc về bên ngoài như con người phun thuốc trừ cỏ, các chất kích thích làm cho lá trà phát triển nhanh, xanh và đẹp nước. Kinh khủng lắm. Tại sao ở nước ta, tỉ lệ ung thư ngày càng trẻ hóa? Tất nhiên có nhiều nguyên nhân và cần một cuộc nghiên cứu toàn diện, nhưng chúng ta không thể loại trừ nguồn thức uống chúng ta nạp vào hằng ngày. 

Nghe anh nói, tôi giật mình đấy. Tôi là một “con nghiện” trà đá vỉa hè chính hiệu. Một cốc chưa đủ, uống hai, ba cốc mới thỏa…

Có những người nghiện thuốc lào, điếu cày đã chôn xuống còn đào lên. Người nghiện trà cũng vậy. Tôi có những ông bạn bằng tuổi tôi, những quán sang trọng thì không thích, cứ thích ngồi lê la trà đá vỉa hè. Tôi từ rất lâu rồi không còn đụng tới một cốc trà đá nào. 

Ở Hà Nội, nếu mà khảo sát, chắc phải lên đến hàng chục nghìn quán trà đá. Hầu như chân chung cư nào cũng có, hầu như ngã tư nào cũng có. Thậm chí một góc phố có mấy quán trà đá. Chưa kể hệ thống hàng quán, quán nào cũng bán thêm trà đá. Một cốc trà đá có 3 ngàn đồng. Làm gì có trà sạch? Một lần, tôi lên Yên Bái công tác, có nghỉ tại một gia đình – chỗ mà trước đây chúng tôi từng cấp giống cây chùm ngây. Chủ nhà thú thật: “Một ngày tao phun 30 bình thuốc trừ cỏ bên dưới, phun thuốc kích thích bên trên”. Tôi nghe mà hãi hùng. Dư lượng thuốc trừ sâu trong trà nhiều là vì vậy. Dân mình thì ngày nào cũng trà đá… 

 
 

Không nhắc tới những loại trà thượng hạng, đa số người Việt dùng trà loại bình dân. Loại này thì rẻ, ai cũng có thể mua được. Bỏ qua thói quen và văn hóa thì không ít người vẫn cho rằng, trà dược liệu… thì đắt hơn trà mạn.

Tưởng vậy mà không phải vậy. Tôi làm một phép tính nhẩm nhé. Trung bình 1kg trà mạn có giá 200 ngàn đồng, pha được 20 ấm, một ấm giá 10 ngàn đồng. Trà dược liệu mua 200 ngàn đồng, có khi pha được 60 ấm. Làm trà mạn thì trải qua nhiều quy trình, sản lượng lại ít, chỉ thu được nõn (búp); trong khi đó trà thảo dược, từ trồng trọt, sơ chế, ra thành phẩm đơn giản, lại thu được toàn thân, từ lá, thân cho tới rễ, sản lượng lại lớn. Lại tốt cho sức khỏe. Nói cho sòng phẳng thì trà dược liệu rẻ hơn trà mạn nhiều chứ.

Tôi đang nghĩ, nếu mà tất cả các quán trà đá sử dụng trà bẩn thay bằng trà thảo dược thì sao nhỉ?

Được vậy thì quá tốt. Nhưng vấn đề không phải là mình bán cái mình có; mà bán cái mà thị trường cần. Giờ thói quen, văn hóa của người Việt Nam là uống trà mạn; để thay đổi, không phải là một điều dễ dàng, phải làm giáo dục thị trường để cho người dân hiểu.

Bản thân anh có khát vọng đó không?

Tôi đang lên kế hoạch để cho ra đời chuỗi 100 quán trà đá thảo dược ở Hà Nội. Sẽ sớm thôi, bạn sẽ được uống những cốc trà đá dược liệu ở vỉa hè. 

Ý tưởng hay quá. Tôi có thể đưa điều này vào bài viết này không? Anh có ngại khi phải chia sẻ ý tưởng?

Thoải mái. Nhiều người tìm đến trà dược liệu, trà thảo mộc tôi càng vui. Tôi không biết những địa phương khác thế nào nhưng ở tỉnh Thái Bình từng thực hiện một cuộc khảo sát, cho thấy, một năm toàn tỉnh chi ra khoảng 220 tỷ đồng cho việc uống trà (trà mạn). Một tỉnh như Thái Bình đã thế, không biết những địa phương khác, đặc biệt là Hà Nội – “thủ phủ” của trà đá vỉa hè, nơi trà đá được nhắc đến như một nét văn hóa phố phường – thì thế nào. Yên Bái là tỉnh có sản lượng trà xanh ở mức trung bình (trồng khoảng 13.500 hec-ta); mà Hà Giang – được biết đến là tỉnh trồng cây thảo dược lớn nhất cũng chưa đến 1.000 hec-ta. Nhìn các số liệu chắc hẳn bạn cũng biết được thị phần trà thảo dược, trà dược liệu hiện nay đang còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với thổ nhưỡng, khí hậu… mà chúng ta đang có.

 
 
 
 
 
 

An Thái Hưng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển vùng trồng dược liệu tạo thành chuỗi liên kết trồng - sản xuất - thương mại dược liệu. Năm ngoái, anh có đại diện đơn vị tham gia và phát biểu tại một hội nghị quốc tế về y học cổ truyền được tổ chức tại thành phố Goa (Ấn Độ). Có điều gì thú vị?

Đợt đó, tôi sang Ấn theo chương trình xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ về y học cổ truyền. Hiện, trên thế giới, khi nói về quy mô cây dược liệu thì Ấn Độ đứng đầu. Họ có một lịch sử y học cổ truyền dày dặn. Việt Nam thì đi sau. Chúng ta có những công ty, doanh nghiệp làm về y học cổ truyền - lớn về quy mô và có lịch sử nhất, có thể kể ra ở đây là Traphaco, cũng chỉ khoảng lịch sử 60 năm trở lại. Sang đó, tôi được học hỏi rất nhiều. Ấn Độ có dãy Himalaya với thảm thực vật đa dạng và phong phú, tạo ra một vùng cho sản lượng dược liệu quý, tốt, rộng khắp. Có những cây dược liệu Việt Nam có, Ấn Độ chắc chắn có. Nhưng ngược lại, có những cây mà họ có, chưa chắc ta có.

Hệ sinh thái thảo mộc của nước ta có đủ dư địa để khởi đi và phát triển một nền kinh tế dược liệu nói chung và trà thảo mộc nói riêng không? 

Việt Nam có lợi thế về khí hậu cũng như thổ nhưỡng, địa hình phù hợp với việc phát triển các cây thảo dược. Để quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho trà thảo dược cũng rất dễ, dư sức đáp ứng quy mô và nhu cầu của những đơn hàng lớn, có điều đòi hỏi những nghiên cứu để quy hoạch vùng trồng cho phù hợp với đặc điểm từng loại. Chẳng hạn, cây đinh lăng thì trồng ở Thái Bình, Nam Định. Nhưng nếu phát triển giảo cổ lam thì phải lên Bắc Kạn, quế thì lên Yên Bái, hồi thì đi Lạng Sơn. Lạng Sơn rất rộng, vùng hợp nhất để trồng hồi chỉ có huyện Chi Lăng. Tôi cho rằng, Việt Nam mình thừa sức phát triển nền kinh tế dược liệu và có thể trở thành một cường quốc về thảo dược để xuất khẩu. 

Trong quan sát của anh, nền kinh tế dược liệu của Việt Nam hiện đang phát triển như thế nào?

Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch. Về cây dược liệu của Việt Nam, phân bổ chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên, song tập trung nhiều nhất ở miền Bắc. Như tôi có nhắc qua ở trên, hiện nay, tỉnh trồng cây dược liệu nhiều nhất là Hà Giang, cũng chỉ có chưa đến 1.000 hec-ta; các địa phương còn lại rơi vào mấy trăm hec-ta. Xét giữa cung và cầu, vừa có nơi thừa vừa có nơi thiếu. 

Việt Nam mới bắt đầu quan tâm tới kinh tế dược liệu vài năm trở lại đây. Hiện, ta mới dừng lại ở dược liệu thô là chủ yếu; về dược liệu tinh chế, chiết xuất thì mới một số ít doanh nghiệp lớn làm được. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm gì đủ điều kiện để đầu tư công nghệ 50 hay 100 tỉ đồng? Đó là một trong những hạn chế của nền kinh tế dược liệu của ta. Ngành này vẫn cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của nhà nước.

Ngoài 100 quán trà đá thảo dược, tôi cũng có một mong muốn nữa, đó là cửa hàng tạp hóa nào cũng bán trà thảo dược. Không cứ là trà Thái Hưng đâu (Cười lớn!). Tôi thử làm thêm một phép tính nhé. Trong những năm gần đây, doanh thu hằng năm của riêng cà phê Trung Nguyên đạt mức hơn 5.000 tỷ đồng; cộng doanh số của tất cả các công ty làm trà thảo dược, trà dược liệu ở nước ta còn chưa đến 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, theo thống kê, chỉ 13% dân số uống cà phê, mỗi người trung bình uống 100ml, nhiều hơn thì 200ml, có những người không uống được một giọt cà phê nào. Còn trà dược liệu, thì ai cũng có thể uống được, không hạn chế số lượng. Vậy trà dược liệu kinh tế hơn cà phê nhiều chứ. Nếu người Việt thay đổi thói quen, tôi cho rằng, 5 - 10 năm nữa, sức khỏe của người Việt sẽ được cải thiện hơn nhiều. Tôi nói cụ thể như vậy, để ta thấy rằng có một “mỏ quặng” kinh tế dược liệu mà nước ta vẫn chưa phát huy hết. 

 
 
 
 

Tôi từng đọc cuốn “Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, mới biết, hóa ra, Việt Nam cũng có một văn hóa trà lâu đời như vậy. Có điều, ta làm marketing cho loại thức uống này chưa tốt nên khi nhắc đến trà, người ta hay nhắc đến Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Thậm chí ở Nhật Bản, trà còn được nâng lên thành trà đạo. Bây giờ, Việt Nam muốn “chạy theo” hai nước về trà mạn, e rằng khó. Nhưng định vị bằng trà dược liệu thì sao nhỉ? Có khả quan không, thưa anh?

Hoàn toàn có thể được nhưng cần thời gian. Chúng ta cũng cần một cộng đồng ủng hộ trà thảo dược, trà dược liệu và biết cách nâng vị thế của nó lên.

Hiện công suất và sản lượng trà của An Thái Hưng ra sao?

Ngoài một nhà máy tại Khu công nghiệp Quỳnh Giao, cuối năm nay, chúng tôi sẽ xây xong nhà máy thứ hai rộng 3 hec-ta, có công suất gấp 5 lần nhà máy hiện tại. Hiện, sản lượng trà trung bình hằng năm là 5 triệu gói. Sau khi nhà máy thứ hai đi vào hoạt động, dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi. Ngoài làm trà cho mình, An Thái Hưng còn nhận gia công cho khoảng 80 doanh nghiệp lớn nhỏ khác về trà.

Đến nay diện tích đất trồng cây dược liệu của công ty đã lên đến 50ha và đang mở rộng ra các tỉnh trên toàn quốc. Hiện tại công ty đã có đại lý phân phối ở hầu hết 63 tỉnh thành trên cả nước và đã xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Mỹ, Lào, Campuchia.

 
 
 
 

Gọi Lê Ngọc Huê là “ông trùm”, anh có dám nhận không?

Tôi không biết mình có phải “ông trùm” như bạn nói không. Có điều, thời điểm mà tôi làm trà thảo dược dạng túi lọc (năm 2013), ở miền Bắc này, cũng chỉ có công ty của tôi làm.

Tôi muốn nghe về lịch sử của gói trà thảo dược túi lọc này… Không biết đắng cay, bầm dập ra sao nhưng chắc anh phải trở về hồi ức khởi nghiệp một phen rồi… 

Cũng dài dòng và phiêu lưu phết đấy. Tôi có hai bằng Đại học trong tay: Triết học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) và Luật nhưng khởi nghiệp bằng một công ty xây dựng và cung ứng nguyên vật liệu ở TP.HCM, hoạt động ngon lành cành đào. Cứ tưởng cuộc đời mình sẽ trôi thẳng băng như thế. Nhưng năm 2012, trong một lần về thăm quê để làm thủ tục đi Cameroon theo một dự án hợp tác với Viettel, tôi thấy bố đang đào cây đinh lăng để bán. Cây đinh lăng hồi đó giá trị lắm. Nếu trồng hàng nghìn cây, thu về bạc tỷ như chơi. Tôi quyết định bỏ TP.HCM về Thái Bình khởi nghiệp. Lúc đó chữ “trà túi lọc” chưa xuất hiện trong đầu tôi. Chỉ đơn thuần nghĩ đi bán cây giống đinh lăng lấy lời. 

Tôi gom tiền và vay mượn thêm tiền đi mua cây giống, thuê 2 hec-ta đất của dân rồi căng lưới, đóng cọc tre, dựng những lán nhỏ làm vườn, rồi nhân giống. Vì chưa có kinh nghiệm, cỏ mọc nhanh hơn đinh lăng, kết quả: cây bị chết rất nhiều, có lần đổ đi cả 2 vạn cây. Trồng đi rồi đổ bỏ, câu chuyện cứ lặp đi lặp lại tới 4, 5 lần. Hồi đó tôi cũng hoang mang không biết con đường mình đi có đúng không. Nhưng suy nghĩ đó chỉ thoáng qua bởi nói cho cùng, tôi vẫn yêu nông nghiệp, vẫn thích làm nông nghiệp… Sau đó, từ kinh nghiệm xương máu lẫn học hỏi kinh nghiệm chỗ khác, tới lần thứ 6 mới hình thành một cái vườn đinh lăng đúng nghĩa. Cả gia đình gần như dồn sức vào làm. Tới bây giờ, lúc cầm gói trà đinh lăng trên tay, nhiều cảm xúc lẫn lộn lắm. Đó vẫn là loại cây khởi nghiệp, chứa đựng mồ hôi, nước mắt những ngày đầu không quên nổi đó. Hiện, đây cũng là sản phẩm mà An Thái Hưng thực hiện theo dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.

Hồi đó, trong một lần lên mạng, tôi vô tình thấy cây chùm ngây. Lúc đó, tôi không nghĩ mình bắt được vàng nhưng ở trong tình thế chẳng còn cách nào khác, cứ nhắm mắt mà làm. Không ngờ cây chùm ngây lại phù hợp và thành công đến vậy. Tôi mua một con xe tải cũ có trọng tải 500kg, lúc đó giá hơn 27 triệu đồng và bắt đầu công cuộc lái xe đi bán cây. Tôi lên mạng tìm các tài liệu (nước ngoài lẫn trong nước) về cây chùm ngây, in ra, phát ở các chợ. Bà con mua rất nhiều. Cứ 10 ngàn đồng/ 1cây. Tôi bỏ mối cây ở Đại học Nông nghiệp, rồi mở rộng bán ở các tỉnh khác… Thời điểm năm 2013 đó, có lẽ, tôi là người đầu tiên đưa cây chùm ngây về miền Bắc theo mô hình công nghiệp và nhân giống rất lớn. Sau đó, mô hình của tôi báo chí đưa tin, nhiều người càng biết đến hơn. Lúc đó, trà túi lọc thảo dược vẫn chưa xuất hiện trong đầu tôi.

 
 
 
 

Nghe anh Lê Ngọc Huê kể chuyện, thấy hành trình khởi nghiệp cũng “phiêu lưu ký” quá. Rồi khi nào gói trà thảo dược túi lọc mới ra đời?

Trước đây, bà nội, bà ngoại thường gánh thảo dược ra chợ bán. Cây thảo dược phơi khô, chặt ra đóng túi thô sơ, hàn lại và bán. Có một lần về quê, tôi leo lên gác xép nhỏ xíu nhưng đựng hàng trăm bịch thảo dược khô lớn nhỏ của bà. Bà tôi lúc đó sắp mất rồi. Tôi nhìn những gói hàng của bà mà chảy nước mắt. Trong đầu tôi khi ấy bắt đầu manh nha một thương hiệu gì đó liên quan đến trà thảo dược; nhưng tới năm 2013, khi xây nhà máy đầu tiên, hình dung về trà túi lọc mới rõ ràng hơn. Tôi bắt đầu mua máy, mua giấy về để đóng. Lúc đầu cũng chỉ có một chiếc máy sao trà thôi. Máy cũng do mình tự làm từ sắt. Cái gì cũng tự làm. Sáng dậy hái lá chùm ngây đi chợ bán, chiều ra vườn nhặt cỏ, tối chặt cây sao trà… Càng làm thì càng hoàn thiện công thức sao cho hợp với vị của người Việt. 

Người Việt chuộng vị nào?

Người Việt mình thích uống trà hơi ngọt một chút. Có điều, khi tìm hiểu, tôi thấy, chúng ta dùng đường quá nhiều, từ đường hóa học cho tới đường mía, đường cho người ăn kiêng… đều không tốt cho sức khỏe. Vì thế, trong các loại trà của Thái Hưng, chúng tôi đã chọn cỏ ngọt để tạo ngọt, không sinh ra calo, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra người Việt Nam cũng thích hơi đắng ở hậu vị, cộng với mùi thơm. Ví dụ, khi làm trà, có thể thêm mùi thơm từ hoa nhài, hoa ngâu vào…

Tôi muốn nghe về lô trà thảo dược túi lọc đầu tiên…

Năm 2015, chúng tôi đăng ký giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho lô trà thảo dược túi lọc đầu tiên của miền Bắc với 600 hộp. Không phải là các bịch thô sơ như các bà các mẹ ngày xưa, trà thảo mộc lúc này là một sản phẩm đóng hộp tử tế, cầm tay, có tem, có nhãn, có thông tin đầy đủ trên bao bì. 

Tôi cầm hộp trà thảo dược túi lọc đi chào hàng. Lúc đó, chưa biết cách làm truyền thông, marketing thương hiệu, cứ cửa hàng tạp hóa to to là vào. Nhưng thời ấy, trà thảo dược túi lọc là một điều gì đó quá mới mẻ. Hàng xuất ra, tới 80% quay đầu, không bán được. Có tạp hóa bán được thì gửi lại tiền, có nơi không, mình cũng đành chịu. Chính điều đó đã dạy tôi một trong những bài học đầu tiên về marketing: làm sao để bán được hàng. 

 
 
 
 

Bây giờ, trà Thái Hưng đã có một chỗ đứng trên thị trường. Anh có hay hoài niệm về những ngày khởi nghiệp với trà thảo dược đó không?

Ký ức hiện về thường trực chứ. Zalo, Facebook năm nào chả nhắc ngày này năm xưa mình ra sao (Cười!). Nhờ những ngày gian khó, lận đận thân ái đó, mới có Thái Hưng ngày hôm nay. Ai khởi nghiệp cũng có những cái thuận lợi và khó khăn; nhưng đa số khởi nghiệp đều khó khăn. Tuy vậy tôi nghĩ, những người trẻ đừng bao giờ đánh mất giấc mơ ban đầu, kiên trì, nhẫn nại, làm bằng tất cả tấm lòng của mình, thành công sẽ đến thôi. Như tôi, lúc nào cũng nhớ đến những người bà của tôi, hai người phụ nữ đã dệt nên trong lòng tôi một giấc mơ đẹp về trà thảo dược. Để từ đó, tôi có một giấc mơ khác, tạo nên được một thứ trà thảo dược sạch, thuận tự nhiên của người Việt Nam, mang vị Việt, dành cho người Việt uống. Triết lý kinh doanh của tôi cũng chẳng có gì cao siêu ghê gớm đâu. Bạn không tin dùng sản phẩm do bạn làm ra thì đừng nghĩ tới chuyện bán cho ai cả. 

Cảm ơn anh.