, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 29/04/2024, 11:49
 

Buổi chiều cuối cùng của năm 2023, trên tầng 10 tòa nhà giữa trung tâm quận 1, TP.HCM, chúng tôi đón những người bạn đến từ núi rừng xa xôi. Cơn mưa cuối đông, đầu xuân thoáng qua khiến câu chuyện bên tách trà, dù vội vã, cũng thêm phần thú vị.

 
 
 
 

Họ là ai? Là “ngũ quái” Hảng A Xà, Vàng A Chỉnh, Vàng A Chú, Sùng A Súng, Chang A Hàng - đến từ bản Sìn Suối Hồ, xã Sìn Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - bản được vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Asean năm 2022; Là anh Nguyễn Quang Tuấn, đến từ bản Thái Hải ở xóm Cường, xã Thịnh Đức TP Thái Nguyên - nơi được lọt vào danh sách Top những làng du lịch đẹp nhất thế giới; Là chủ nhân các homestay điển hình ở Mai Châu, Hòa bình gồm anh Mai Văn Minh (chủ homestay Minh Thơ, Mai Hịch), chị Sùng Y Múa (Homestay Y Múa, Hang Kia), Phàng A Páo (Homestay A Páo, Pà Cò); Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty du lịch Lửa Việt; Anh Vì Văn Hưởng - Chủ tịch công ty Tư vấn CBT Việt Nam - những người đầy tâm huyết với mục tiêu phát triển du lịch; Nhà báo Nguyễn Đức Quang - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt. Họ vừa trở về từ chương trình tọa đàm liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp. Và dường như câu chuyện làm du lịch ở những bản làng nghèo khó, xa xôi, những miền biên viễn hay vùng phên dậu của Tổ quốc vẫn đang tiếp tục nối dài và chưa thôi sôi nổi.

 
Người dân Thái Hải tết dây ngũ sắc.
 
 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Theo thống kê, có rất nhiều loại hình du lịch tại Việt Nam hiện phổ biến. Có thể kể đến như: Du lịch tham quan; Du lịch văn hóa; Du lịch ẩm thực; Du lịch nghỉ dưỡng; Du lịch giải trí, Du lịch thể thao; Du lịch khám phá, Du lịch mạo hiểm; Du lịch xanh; Du lịch Mice; Teambuilding… Thế nhưng khi nghe câu chuyện về cách làm du lịch ở bản Sìn Suối Hồ hay Thái Hà, thật sự tôi chưa biết gọi tên đó là mô hình du lịch gì cho chính xác và đúng nhất với bản chất của những điều mà các bạn đang gầy dựng. Khái niệm tiệm cận nhất có lẽ là “Du lịch cộng đồng” - một loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Đây cũng là mô hình du lịch hình thành và phát triển dựa trên cơ sở văn hóa do chính cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức và hưởng lợi. Tuy vậy, có vẻ như ngay từ lúc bắt đầu, các bạn không đặt ra cho mình một mục tiêu cụ thể là “làm du lịch” hay “xây dựng Nông thôn mới”. Thay vào đó, chúng tôi có cảm giác các bạn đang giải một bài toán khác, với một đáp số khác - mà vô tình khi giải được đầu đề này - các bạn cũng giải luôn được bài toán về khai hoang lập làng và xây dựng Nông thôn mới? 

Anh Hảng A Xà: Vâng, chia sẻ luôn với các anh là năm 1995, Sìn Suối Hồ bắt tay vào cai nghiện ma túy cho cả bản. 10 năm cai nghiện; 5 năm thay đổi tư duy; 5 năm cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, mặt bằng. Đến năm 2015, đại diện chính quyền tỉnh về trao cho chúng tôi chứng nhận bản “Nông thôn mới” và khuyến khích làm du lịch cộng đồng - đến tận lúc đó, cả bản chúng tôi vẫn không biết du lịch là cái gì. Ai cũng nói chúng tôi cai nghiện được cho cả bản là một kỳ tích, khi trong tay không có bất cứ thuốc men, phương pháp khoa học nào để hỗ trợ mà chỉ đơn giản là anh em, già trẻ, gái trai dắt nhau lên rừng, cùng cầu nguyện, cùng hát thánh ca, ai đau đớn, khó chịu thì xoa bóp, động viên nhau, dìu đỡ nhau vượt qua từng cơn vật vã. Nhìn lại gần 30 năm qua, từng việc mà chúng tôi làm không vì chạy theo một chủ trương, một chính sách hay một lời kêu gọi nào - chúng tôi làm vì chính cuộc sống của chúng tôi. Cũng như khi cả bản quyết tâm cai nghiện vì hiểu rằng nếu còn tiếp tục nghiện - chúng tôi sẽ còn đói, còn nghèo. Các anh thử hình dung một gia đình 8 người thì hết 7 - 8 người nghiện, mà cả bản nhà nào cũng vậy; khói thuốc phiện nghi ngút quanh năm đến nỗi con bò, con dơi trong nhà cũng nghiện - ngày nào người đi làm về muộn chưa nhả khói thuốc thì súc vật cũng bồn chồn không yên. Cứ như thế mãi thì một năm 12 tháng chỉ biết ăn củ mài, củ rừng mà sống. Thay đổi hay là đói, thay đổi hay là chết? - chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế thôi. 

Anh Nguyễn Quang Tuấn: Ở Thái Hải, để có được như ngày hôm nay là cả một câu chuyện dài đi từ quyết tâm của trưởng bản và sự chung sức đồng lòng của cả bản. Nhớ những năm 2002, trưởng bản của chúng tôi thế chấp nhà cửa, tài sản để về bản mua đất trồng rừng và bảo tồn nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Không cam lòng nhìn “nhà sàn chảy máu”, chúng tôi đi mua, rồi thuê thợ vận chuyển về dựng lại theo nguyên bản. Trong vòng 1 năm từ 2002 - 2003 đã mua và phục dựng hoàn chỉnh 28 nhà sàn cổ. Có những giai đoạn khó khăn không vay được vốn ngân hàng, phải vay bên ngoài lãi suất rất cao. Để cải thiện đời sống của dân bản, chúng tôi nuôi thật nhiều gà vịt, gà, lợn, làm thực phẩm sạch đem bán ở chợ Thái Nguyên. Bắt đầu có vài khách mua thịt sạch ngỏ ý muốn chúng tôi nấu cho họ ăn. Thấy bản làng nguyên sơ, họ lại bảo dọn chỗ cho họ nghỉ. Ban đầu, nấu nướng chúng tôi cũng không rành, chỉ biết nấu vài món đơn giản phổ biến trong mâm cơm gia đình. Còn chỗ ngủ thì cũng chỉ có cái chăn bông in hình con công, không đủ giữ ấm. Từ chỗ không hề có khái niệm gì về làm du lịch, chúng tôi vừa làm, vừa học, vừa bổ sung cái còn thiếu. Đến năm 2011, bản bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Năm 2014, chúng tôi được công nhận là điểm du lịch ở địa phương. Nhớ lại giai đoạn đầu, khi bổ nhát cuốc đầu tiên trồng cây, xây bản, thật sự chúng tôi chỉ mong muốn cho đời sống người dân bản tốt lên chứ không hình dung và cũng không nghĩ mình làm những điều này để đón khách hay làm du lịch.

 
Nơi cư trú cho khách du lịch tại Sìn Suối Hồ.
 
 
 

Ông Nguyễn Văn Mỹ: Công việc làm du lịch cho tôi cơ hội đi nhiều nơi. Tôi đến Sìn Suối Hồ mấy lần, cũng đã từng đặt chân đến không ít bản du lịch cộng đồng khác. Lần nào cũng ngỡ ngàng với bao cảm xúc. Tôi học từ dân bản biết bao điều không có trong sách vở, trên giảng đường đại học hay trong những chuyến vi vu nước ngoài. Bởi người dân tự lực và sáng tạo trên cả tuyệt vời. Người ta thường nói muốn làm du lịch thành công phải có giao thông thuận lợi - vậy nhưng đường vào Sìn Suối Hồ lại vô cùng quanh co, không dễ đi. Nếu nói đội ngũ tham gia vào du lịch phải có trình độ, học thức - vậy nhưng nhóm tiên phong ưu tú nhất ở Sìn Suối Hồ ngày ấy học vấn cao nhất chưa vượt quá lớp 5. Nếu nói muốn làm du lịch phải đổ vào rất nhiều tiền - thì ở Sìn Suối Hồ, họ không có bất kỳ đại gia hay nhà tài trợ nào. Đi lên từ một bản có phần đông người nghiện, đời sống bà con không ai khá giả - vậy mà họ vẫn có thể làm du lịch và làm du lịch thành công. Có thể nói, thực tế sinh động ở Sìn Suối Hồ đã phá vỡ những định kiến, nguyên tắc đóng khung bấy lâu nay. Họ đã làm được những điều phi thường từ xuất phát điểm dưới mức bình thường. 

Ông Nguyễn Đức Quang: Nghe chuyện ở Sìn Suối Hồ, tôi vô cùng tò mò không biết ở Sìn Suối Hồ, dân bản lấy đâu ra tiền để đầu tư làm đường, chăn nuôi, trồng địa lan, làm homestay, lập chợ… trong khi trước đó, họ chỉ là những người nghiện và quanh năm đói ăn, thiếu mặc? 

Anh Hảng A Xà: Sau thời kỳ cai nghiện, giai đoạn 2010 - 2015 là giai đoạn chúng tôi tạo công ăn việc làm cho bà con. Để biết ai có thể làm công việc gì, chúng tôi gọi cả bản ra để mọi người cùng cho ý kiến về từng trường hợp. Ví dụ anh A - anh này bà con nhận xét là có thể nuôi gà - bởi vì khi anh xuất hiện giữa bầy gà thì gà chạy tới quấn quýt. Anh B thì lại không thể nuôi gà, vì thấy anh ở đâu là gà sợ hãi như thấy hổ thấy báo. Bằng cách đó, chúng tôi phân công người nào việc nấy: chọn ra người nuôi gà, người nuôi lợn, người trồng hoa, người nấu ăn, người dọn phòng, người lái xe, người ca hát… Chọn được người nuôi gà rồi thì lại đến khâu làm sao để có gà. Chúng tôi bảo anh A viết ra danh sách tất cả họ hàng, bạn bè, người thân. Từ danh sách đó, bản sẽ cử người đến gõ cửa từng nhà “vận động tài trợ gà” cho anh A: người cho 1 con, người góp 2 con… Cứ thế mà anh A có được bầy gà đầu tiên để chăm nuôi. 

Rồi đến chuyện làm đường. Muốn người dân khắp nơi đến với Sìn Suối Hồ thì phải có đường. Muốn làm đường bê tông thì phải có cát, đá, xi-măng. Đi nói với chính quyền xin xi-măng, ban đầu cán bộ trả lời: “Các anh không làm được đâu, phải doanh nghiệp mới làm nổi”. Thuyết phục mãi, cán bộ bảo nếu bà con tìm được đủ cát, đá - cứ 5m đổ một đống cát, đá - cán bộ về kiểm đủ số lượng thì sẽ cấp xi-măng cho. Vậy là anh em dân bản ra suối tìm cát. Ra suối rồi thì ai nấy thất vọng vì suối ở đây dốc đứng, cát không “đậu” lại hạt nào. Men theo con suối tầm 70km thì mới thấy đống cát to. Thế nhưng cát ở đây đã có chủ, bán giá 350.000 đồng/ khối. Thế là hết cách, anh em chán nản, thất vọng. Tôi hỏi: “Thế anh em có làm nữa không? Làm, nhưng mà làm thế nào? Bây giờ hết cách rồi, chỉ còn cách tất cả các hộ gia đình đến đây chúng ta sàng lọc tài sản: ai có bánh trái, có quả bí, con cá, con gà… đem hết ra đây đem bán lấy tiền mua cát. Rồi tiền nhà nước cấp cho để bảo vệ rừng cũng đem ra mua cát. Hết tiền, anh em dân bản đi làm thuê làm mướn lấy tiền mua cát. Cứ thế chưa đầy 1 năm, chúng tôi kiếm đủ cát. Chính quyền cấp xi-măng, dân bản lại bỏ sức ra làm. Làm đường bằng sức người, không có máy móc, không có cả đôi ủng đôi dép để mang, xi-măng ăn chân lột hết da, đêm vào rừng lấy lá thuốc đắp vào rồi lại đi làm tiếp. Con đường chúng tôi làm đến nay chất lượng vẫn rất tốt.

Có đường rồi, nhưng bản cũng chưa đẹp vì không có một bông hoa nào. Thế là lại lên rừng tìm hoa, tìm được hoa rồi thì về phân công cho người có năng khiếu trồng hoa. Cứ thế 2 năm sau, Sìn Suối Hồ nhà nào cũng nở đầy hoa lan.

 
 
Trẻ em ở Thái Hải.
 
 

Chuyện lập chợ cũng vậy. Ai cũng nói muốn lập chợ thì phải lập ở ngã ba, ngã tư, nơi dân cư đông đúc và được chính quyền cho phép. Nhưng ở nơi bản làng heo hút thì ngã ba ngã tư ở đâu ra? Dân cư đông đúc tìm ở đâu cho có? Tất cả nằm ở ý chí của mình thôi. Chúng tôi chưa có những thứ đó nên chúng tôi lập chợ, có chợ rồi, chợ lại hoạt động tốt thì tự khắc sẽ có người đến đông đúc, sẽ được chính quyền cho phép. Chợ chưa có hàng hóa gì ư? - Vậy thì nhà ai có gì mang ra bán nấy, ai có bí góp bí, ai có gà góp gà, những đôi hoa tai, những bộ quần áo, những khăn đội đầu của chị em phụ nữ cũng mang hết ra mà bày biện. Về tổ chức, chợ muốn vui thì ngoài hàng hóa độc đáo thì phải có hoạt động mới lạ. Chúng tôi thì chia ra từng nhóm: nhóm chuyên bán hàng, nhóm ca hát, nhóm diễn kịch, nhóm thể thao. Bà con lại hỏi: “Mình không biết diễn kịch thì làm sao?”. Cái này thì dễ thôi, người Mông sống thể nào thì mình diễn như thế ấy. Chẳng hạn như chuyện người Mông không có nhà vệ sinh phải đi vào rừng, người Mông uống rượu, hút thuốc phiện, ăn củ mài, người Mông có nhiều con… Tất cả những hủ tục, những gì còn lạc hậu đều có thể mang ra làm tiểu phẩm hài. Thế là chúng tôi tìm ra rất nhiều thứ để diễn - mỗi phiên chợ có tới 2 - 3 tiểu phẩm. Người xem đến rất đông. Từ thành công ban đầu, chúng tôi dành hẳn mảnh đất thành lập 54 gian hàng tượng trưng cho 54 dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Mỹ: Ở các nơi khác, khi đã làm dịch vụ thì dù lựa chọn hình thức nào cũng đều tính toán đến lợi nhuận. Thế nhưng, tôi có cảm giác câu chuyện lời lỗ, hơn thua, được mất dường như chưa xuất hiện trong tâm thức những người dân Sìn Suối Hồ hay Thái Hải. Họ cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể để du khách hài lòng, và khi làm thật tốt thì khách và tiền cứ thế mà tự đến - như một dòng chảy hợp quy luật mà có lẽ bản thân họ cũng chưa kịp tính toán hay nghĩ đến.

Anh Nguyễn Quang Tuấn: Bản chúng tôi có lẽ là một trong những nơi hiếm hoi mà trong mỗi gia đình có 4 thế hệ cùng ăn một mâm cơm, cùng sống dưới một mái nhà và xài chung một túi tiền. Trẻ con sinh ra là con chung của cả bản làng. Bản có một người quản lý tiền, nhà nào làm được bao nhiêu thì nộp cả vào đấy, đến khi ai có nhu cầu gì thì đến trình bày và lĩnh tiền ra xài thôi. Như  mấy hôm nay tôi đại diện bản đi dự tọa đàm thì cứ đến thủ quỹ xin tiền đi đường, không cần đơn xin hay chứng từ gì cả. Chúng tôi làm du lịch, nhưng trước hết là làm những việc để bản thân mỗi người thấy vui. Chủ nhà có vui vẻ, hạnh phúc thì khách đến với mình mới cảm thấy vui. Chúng tôi mong sao khách đến Thái Hải sẽ vui vẻ, thoải mái như đang ở nhà hoặc vui hơn ở nhà. 

 
 
 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Nghe chuyện của Thái Hải, của Sìn Suối Hồ, trong lòng tôi cứ canh cánh một câu hỏi: Làm sao để trên khắp đất nước này có thêm nhiều nữa những Thái Hải, những Sìn Suối Hồ? Làm sao để những bản làng heo hút, khó nghèo đó có được nội lực và động lực để làm nên những thay đổi ngoạn mục? Chúng ta không thiếu những chương trình  lớn tầm cỡ quốc gia với khát vọng làm thay đổi những vùng quê, đơn cử như Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Thế nhưng, muốn sự thay đổi có gốc rễ, có căn cơ, có sức sống thì có lẽ động lực không đến từ những chủ trương, chính sách khô cứng, mà phải đến từ chính khát vọng của người dân bản địa. 

Anh Hảng A Xà: Nhiều người hỏi tôi vì sao mô hình ở Sìn Suối Hồ thành công? Chúng tôi có bí quyết gì không? Tôi nghĩ đơn giản chúng tôi thành công vì mấy anh em trong nhóm tiên phong chúng tôi không giữ bất kỳ chức vụ gì trong bản. Chúng tôi bình đẳng và giống như mọi người. Chúng tôi đoàn kết, đứng lên chinh phục trái tim của tất cả dân làng bằng những việc làm cụ thể nhất. 

Ông Nguyễn Văn Mỹ: Một điều không thể phủ nhật là Sìn Suối Hồ có được ngày hôm nay là nhờ sự kiên trì quyết tâm kiên định một mục tiêu mà nhóm tiên phong Hảng A Xà, Vàng A Chỉnh, Vàng A Chú, Sùng A Súng, Chang A Hàng. Họ đã dùng cả thanh xuân của mình - từ khi còn là những chàng trai tuổi đôi mươi cho đến tận bây giờ, khi mái đầu mỗi người đã có hai thứ tóc - để dẫn dắt cả bản đi theo con đường từ bóng tối ra ánh sáng. Hay như ở Thái Hải - cả làng đồng tâm, đồng lòng xây dựng bản du lịch vươn lên từ một bản nghèo - cũng nhờ tấm lòng kiên định của trưởng làng và những anh em tâm phúc. Thay đổi nếp nghĩ, nếp làm, thay đổi nhận thức của cả một cộng đồng để cùng hướng về một mục tiêu - chuyện này kỳ công lắm. Anh phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng “nằm vùng” như đi làm cách mạng ngày xưa ấy. Chứ thả vài anh chuyên gia, vài ông cán bộ đến nói chuyện nghe hay, nói xong lại ngoảnh mặt, quay lưng ra về thì không ăn thua. 

Mô hình có thể sao chép, cách làm có thể học tập, nhưng tấm lòng, tâm huyết, tình cảm, quyết tâm phải là yếu tố tự thân của mỗi nơi. Nói cách khác, nếu có thể “nhân bản” tấm lòng của Hảng A Xà - để từng bản, từng làng, từng xã, từng huyện có được những con người biết dốc lòng, dốc tâm, dốc sức canh cánh từng ngày cho sự đổi thay của quê hương mình - thì lúc đó mới có thể thành công. 

Ông Nguyễn Đức Quang: Đến đây, có lẽ chúng ta đã tìm ra tên gọi cho mô hình du lịch ở Sìn Suối Hồ và Thái Hải. Đó không đơn thuần chỉ là mô hình du lịch cộng đồng theo hướng nông nghiệp. Đó là mô hình du lịch mà trước hết những người bản địa làm cho cộng đồng mình, mang đến sự ấm no, vui vẻ, hạnh phúc cho người dân trong vùng. Và sau đó, chính sự ấm áp, vui vẻ, đẹp đẽ, hạnh phúc của vùng đất tạo ra sức hấp dẫn tự thân - khi đó, bản làng của họ trở thành điểm du lịch một cách vô cùng tự nhiên. Và sự quyến rũ tự nhiên bao giờ cũng có sức lôi cuốn lâu bền. Có lẽ chúng ta nên gọi đó là mô hình Du lịch Hạnh Phúc - một mô hình hướng đến mục tiêu cả người cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng sử dụng dịch vụ đều cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Có lẽ đó cũng chính là cảnh giới cao nhất của du lịch - khi mà mọi thứ được trả về với sự thuần khiết, giản dị nhất.

 
Nhà tổ chim tại Sìn Suối Hồ. Khách du lịch tham gia Tết Cơm Mới tại bản Thái Hải và trẻ em ở Thái Hải.