
Đã hơn 10 năm trôi qua nhưng mâu thuẫn về quyền lợi giữa một hộ nuôi yến với hàng chục hộ dân sống ở hẻm số 15 đường Phan Văn Đáng, ấp Phước Lương, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa được giải quyết. Đây cũng là xung đột quyền lợi phổ biến giữa người nuôi yến với cộng đồng dân cư.


Theo trình bày của người dân ở hẻm 15, đường Phan Văn Đáng, ấp Phước Lương, khu vực này bao năm vốn yên bình, cho đến khi xuất hiện một hộ dân đến mua đất rồi xây lên một cái nhà nuôi yến to đùng. “Họ mở âm thanh chát chúa bất kể ngày đêm để dẫn dụ chim. Bà con ở đây không thể yên giấc, đặc biệt là những cụ già vốn dĩ đã rất khó ngủ. Tiếng ồn gây căng thẳng cho các cháu nhỏ, làm cho các cháu không thể tập trung học bài, vui chơi… Từ năm 2012 chúng tôi đã làm đơn phản ánh với các cấp chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn vậy”, một người dân sống ở khu vực này bức xúc.
Theo người dân địa phương, không chỉ gây ồn ào mà nhà yến còn có nguy cơ gây dịch bệnh cho cộng đồng dân cư. “Khu vực này có truyền thống dùng nước mưa trong sinh hoạt, ăn uống… Nhưng nay bà con rất lo sợ vì phân chim rơi vãi khắp nơi, có thể gây ra những hệ luỵ khó lường về dịch bệnh”, ông T., một hộ dân đã chuyển nơi khác sống, thỉnh thoảng mới về thăm nhà cũ ngao ngán nói.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng Nai được xem là nơi nuôi chim yến khá lý tưởng nên những năm qua, có rất nhiều người từ nơi khác đến đây mua đất xây nhà yến. Theo đó, các công ty xây dựng nhà yến cũng đua nhau mọc lên và đưa ra những lời mời chào hấp dẫn. Trên thực tế, có rất nhiều người ở TP.HCM đến Đồng Nai để đầu tư nhà yến. Song, đến nay dù đã có hàng trăm nhà yến mọc lên, vẫn chưa có các quy định cụ thể về việc xây nhà nuôi yến trong khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Phải nói thêm rằng, địa bàn huyện Nhơn Trạch - nơi có nhiều nhà yến nhất tỉnh lại đứng đầu trong danh sách đầu tư nhà yến kém hiệu quả. Chưa hết, là tỉnh có nhiều trang trại nuôi gia cầm với tổng đàn gia cầm đứng nhất nhì cả nước, việc nuôi chim yến còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các đàn gia cầm.
Một cựu lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai cho biết những lo ngại về hệ lụy do nuôi chim yến, nhất là xây nhà yến trong khu dân cư, gần trang trại nuôi gia cầm đã từng được đặt ra từ nhiều năm trước. Song đến nay công tác quản lý nhà nước vẫn chưa theo kịp thực tế. Nghề nuôi yến vẫn còn phát triển tự phát, gây ra xung đột quyền lợi giữa các bên liên quan. “Dễ thấy nhất đó là tiếng ồn phát ra từ thiết bị dẫn dụ chim. Nó làm cho những hộ dân sống xung quanh khó chịu. Nhưng nuôi yến mà không có tiếng kêu, không có âm thanh dẫn dụ thì chim không về…”, ông bày tỏ thêm.


Tại thành phố Bạc Liêu - nơi được xem là thủ phủ nuôi yến ở Việt Nam, ngay trên những tuyến đường sầm uất nhất cũng thấy nhà yến mọc lên như nấm. Hầu như lần nào đến đây chúng tôi cũng bị âm thanh dẫn dụ chim yến phiền nhiễu.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu, nghề nuôi chim yến ở tỉnh Bạc Liêu ra đời vào khoảng năm 2004. Khi đó, có nhiều đàn chim yến tự nhiên về làm tổ tại các trụ sở như ở tháp bệnh viện và nóc nhà Trung tâm Hội nghị tỉnh. Sau năm 2004, nghề nuôi yến ở Bạc Liêu phát triển ồ ạt. Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn khoảng 1.500 cơ sở nuôi chim yến. “Dù đứng sau tỉnh Kiên Giang về số lượng đàn yến nhưng mật độ nhà yến trong khu đô thị ở Bạc Liêu lại rất cao. Hiện chưa có thống kê của cả nước nhưng chỉ cần quan sát vài trục đường ở trung tâm thành phố chắc có lẽ không có địa phương nào nhà yến mọc lên ngay trung tâm đô thị như ở Bạc Liêu”, một cán bộ kiểm lâm nhiều lần dẫn chúng tôi đi thực tế tìm hiểu về nghề nuôi yến ở Bạc Liêu nhận định.
Số liệu chúng tôi thu thập được cho thấy, nhà yến ở Bạc Liêu phát triển theo cấp số nhân. Cụ thể, vào năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 11 nhà yến nhưng đến năm 2019, đã lên đến 1.100 nhà yến. Riêng tại Thành phố Bạc Liêu đã có gần 600 nhà yến.
Theo số liệu báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, vào thời điểm cuối năm 2020, số nhà yến ở nội thành, nội thị chiếm hơn 80% số nhà yến của cả tỉnh.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chủ khách sạn ở thành phố Bạc Liêu cho biết, khách thuê phòng ở những tầng cao thường than phiền về âm thanh dẫn dụ chim phát ra từ những tòa nhà nuôi yến. Với những hộ dân sống sát bên nhà yến phải sống chung với tiếng ồn quanh năm thì xung đột càng gay gắt hơn. “Tôi không ủng hộ nghề nuôi chim yến trong khu dân cư. Vì họ nuôi yến làm giàu, tiền bạc thì họ hưởng còn tiếng ồn và nguy cơ dịch bệnh thì cộng đồng dân cư phải gánh chịu”, chị Phượng, sống gần nhiều nhà yến trên đường Trần Phú, thành Phố Bạc Liêu bất bình.

Từ năm 2019 đến nay, trong nhiều báo cáo về tình hình nuôi yến, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, âm thanh từ các thiết bị dụ chim yến phát ra cả ngày lẫn đêm làm cho không khí thêm ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, hầu hết nhà nuôi yến chưa có giấy phép, chủ yếu cơi nới từ nhà đang ở (chiếm tỷ lệ đến 60%).
Dù vậy, việc xử lý nhà yến trong khu dân cư lại rơi vào vòng lẩn quẩn, kéo dài. “Cơ sở nuôi chim yến nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Tuy nhiên, Thông tư số 35/2013 quy định về vùng dẫn dụ, gây nuôi chim yến của Bộ NN&PTNT chưa nêu cụ thể khoảng cách nuôi yến với khu dân cư để có cơ sở quy hoạch, xác định cơ sở nuôi yến an toàn. Thông tư cũng không quy định cụ thể về vị trí xây dựng cơ sở nuôi chim yến gây khó khăn cho các địa phương, đặc biệt là trong công tác quy hoạch”, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu nhiều lần nêu khó khăn.
Đến giữa tháng 7/2022, tỉnh Bạc Liêu quyết định siết chặt tình trạng nuôi yến trong khu dân cư khi Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND quy định cụ thể vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tại thành phố Bạc Liêu có nhiều khu vực cấm nuôi yến. Song trên thực tế, những nhà yến đã hiện hữu trong khu dân cư vẫn chưa thể xóa bỏ được. Trong khi đó, những vùng được “quy hoạch” nuôi chim yến thì người nuôi không mấy mặn mà. “Chỗ nào có yến về thì mới đầu tư nhà yến chứ mình đầu tư xây nhà tốn hàng tỷ đồng mà yến không về thì cũng như không”, một người nuôi yến lâu năm ở thành Phố Bạc Liêu nêu lý do không muốn dời nhà yến ra khỏi nơi đô thị.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ NN&PTNT, hiện nước ta có khoảng 24.000 nhà yến. Với sản lượng từ 120 - 150 tấn yến sào mỗi năm, mang lại doanh thu hơn 500 triệu USD. Năm 2022, khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch tổ yến của Việt Nam, nghề nuôi yến được xem như đang đứng trước cơ hội ngàn vàng để phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, theo báo cáo của nhiều tỉnh thành, nghề nuôi chim yến trong những năm qua lại có dấu hiệu đi xuống vì không giải được bài toán “xung đột quyền lợi”.
Điển hình, Kiên Giang là tỉnh có nhiều nhà yến nhất Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi yến. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, nghề nuôi yến ở địa phương này đã có từ năm 2000. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.000 nhà yến - đứng đầu cả nước về số nhà yến. Nhưng cùng với đó là phản ứng rất mạnh của cộng đồng dân cư về ô nhiễm tiếng ồn và nguy cơ lây lan dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Cũng như tỉnh Bạc Liêu, giữa năm 2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành nghị quyết về quản lý nghề nuôi chim yến, đưa ra danh sách khu vực cấm nuôi và vùng được nuôi. Song việc di dời nhà yến hiện hữu ra khỏi khu dân cư vẫn giậm chân tại chỗ. Tại hội nghị về phát triển nghề nuôi chim yến mới đây, đại diện Chi cục Chăn nuôi tỉnh Kiên Giang bày tỏ rằng, việc di dời nhà yến ra khỏi khu đô thị là gian nan nhất. “Do đó, giải pháp hiện nay chỉ là siết chặt quản lý, không cho cơi nới thêm nhà nuôi yến trong khu dân cư. Điều đó cũng đồng nghĩa với xung đột lợi ích giữa người nuôi yến và cộng đồng dân cư vẫn chưa có lời giải, khiến nghề nuôi yến khó phát triển”, vị này bày tỏ.

Tại TP.HCM, nghề nuôi yến từng được xem là “hái ra tiền”, nhưng đến nay cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là mâu thuẫn lợi ích giữa người nuôi với cộng đồng dân cư cũng như các tác động về môi trường, xã hội chưa được đánh giá đầy đủ.
Theo tài liệu do một nhóm nghiên cứu thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa công bố, nghề nuôi chim yến ở TP.HCM đã được chính quyền thành phố cho thử nghiệm từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn phát triển tự phát, chưa đăng ký với chính quyền địa phương. Mặt khác, việc phát loa dẫn dụ chim tại các nhà yến ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân xung quanh. “Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019, nhà yến ở TP.HCM tăng từ 110 căn lên 596 căn với tổng số chim yến ước tính gần 1,5 triệu con. Đa số nhà yến không được cấp phép xây dựng, nhà nuôi yến cũng không đảm bảo quy trình kỹ thuật…”, báo cáo của nhóm nghiên cứu nêu.
Qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu xác định, số lượng nhà yến nằm trong khu dân cư ở TP.HCM chiếm hơn 42%. Kết quả nghiên cứu cũng xác định, độ ồn ở các nhà yến nằm trong khu dân cư hầu hết vượt ngưỡng cho phép. “Việc phát loa dẫn dụ của các nhà yến tại khu vực đô thị, tập trung đông dân cư gây ảnh hưởng lớn đến người dân xung quanh…”, nhóm nghiên cứu kết luận và kiến nghị cần nghiên cứu thêm đến đánh giá tác động nuôi yến đến môi trường và kinh tế - xã hội, trong đó có tác động đến môi trường đất và nước ở vùng nuôi yến.
Vì thế, các nghiên cứu tiếp theo cần tiếp tục đánh giá những tác động trên, đồng thời nghiên cứu các giải pháp về công nghệ nuôi để giảm thiểu tiếng ồn, giảm thiểu các tác động đến môi trường và xã hội.Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT TP.HCM, TP.HCM hiện có 566 hộ với 735 nhà nuôi yến ở 17 quận, huyện, trong đó 74,15% số nhà yến tập trung tại huyện Cần Giờ.
Tại hội nghị “Đánh giá tình hình chăn nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu” tổ chức tại TP.HCM vào tháng 2/2023, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng phải có ba điều kiện cần và ba điều kiện đủ thì mới phát triển nghề nuôi yến của nước ta hiệu quả.
Cụ thể, ba điều kiện cần gồm: Một là tổ chức sản xuất và quản lý yến theo chuỗi giá trị; hai là gắn mã định danh và mã truy xuất nguồn gốc; cuối cùng là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn đối với cơ sở nuôi yến, đối với sản phẩm tổ yến. Ba điều kiện đủ gồm: xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm tổ yến; cam kết mạnh mẽ và hợp tác với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tổ yến, với người nuôi chim yến; có sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu chính ngạch.