, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 19/03/2021, 08:18

Hồi sinh làng nghề đan lát Bao La: Có thực mới vực được… nghề

ĐĂNG TUYÊN

Làng Bao La thuộc xã Quảng Phú huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là làng quê nổi tiếng với nghề truyền thống đan lát sản phẩm bằng mây, tre, chế tác đồ dân dụng và mỹ nghệ.

Làng nghề xưa trở thành HTX thủ công mỹ nghệ.
Làng nghề xưa trở thành HTX thủ công mỹ nghệ.

Làng Bao La nằm ở bờ Bắc sông Bồ, cách Huế khoảng 30km. Các cụ cao tuổi cho biết, ngày xưa cả làng Bao La đều làm nghề đan, cứ xong mùa vụ, khi gieo cấy hoặc gặt hái xong là nhà nhà mang tre ra để đan. Mọi người trong làng, từ già đến trẻ đều có thể tham gia các khâu trong nghề như chẻ tre, vót, đan, lát, nạp, lận, nứt… Trong giai đoạn được xem là hoàng kim của các làng nghề mây tre đan cách đây hơn nửa thế kỷ, các sản phẩm đan bằng tre ở làng Bao La gồm thúng, mủng, nang, trẹt, rổ rá, dần, sàn, lồng bàn… tỏa đi khắp các tỉnh thành trên đất nước Việt Nam.

Hầu hết người dân trong làng đều biết nghề đan lát.
Hầu hết người dân trong làng đều biết nghề đan lát.

Nhưng khi đồ gia dụng bằng nhựa xuất hiện và ngày càng chiếm lĩnh thị trường với mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lí… sản phẩm mây tre đan thủ công của các làng nghề bị cạnh tranh khốc liệt. Do chậm cải tiến kỹ thuật và nghèo nàn về mẫu mã, sản phẩm mây tre đan của Bao La dần dần không còn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, đời sống người dân làng nghề gặp khó khăn.

Năm 2007, Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Bao La được thành lập nhằm tìm hướng đi mới cho làng nghề. Theo định hướng khôi phục ngành nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đan lát sản phẩm mới nhằm đáp ứng thị hiếu xã hội cho người dân trong làng. Cùng với đó là tìm kiếm mẫu mã sản phẩm mới để người làng nghề thay đổi cách làm…

Từ khi ra đời, HTX Mây tre đan Bao La ngày càng có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang dáng dấp hiện đại và có tính mỹ thuật cao. Sản phẩm nổi trội của HTX có các loại đèn trang trí với nhiều mẫu mã và kích cỡ phong phú như đèn lục bình, đèn lục giác, đèn ống tre, đèn bát, đèn trái lựu; các sản phẩm trang trí lấy ý tưởng từ nghề sông nước của một bộ phận dân cư trong làng như ghe đua, thuyền buồm, nơm cá… Các sản phẩm này được các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê và khách du lịch trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Người làm nghề có thu nhập ổn định. Danh tiếng của làng nghề bắt đầu được khôi phục.

Khâu tạo hình một sản phẩm của Bao La.

Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La, cho biết hiện nay, cán bộ và thành viên HTX hầu hết là con em trong làng. “Từ khi có HTX, có cách làm mới, lối đi mới, bà con có nghề đan lát trong làng đã sống được bằng nghề truyền thống. Vì vậy, họ càng yêu nghề và có ý thức giữ gìn, phát triển các giá trị ngành nghề truyền thống mà ông cha đã gây dựng”.

Sẽ không thể khôi phục, giữ gìn các làng nghề truyền thống chỉ bằng những lời kêu gọi, vận động suông. Cuộc sống đòi hỏi phải thực tế mà kinh nghiệm ở làng nghề mây tre đan Bao La là một ví dụ. Chỉ khi có giải pháp để người làm nghề sống được bằng nghề thì khi đó, việc giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống mới có thể trở thành hiện thực.

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất