, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 23/02/2023, 06:00

Hơi thở của miền chuyển tiếp giữa biển rừng với biển

NGUYỄN HÀNG TÌNH
Đi khắp giữa lòng Tây Nguyên. Một ngày lạc tới cái sườn của vùng chuyển tiếp, và giáp ranh nữa, nhủ mình cảm nhận cho trọn vẹn cao nguyên đi. “Chuyển tiếp” thì có gì khác những nơi “trong lòng”. Tôi cố “đọc” nó, đọc cho ra một chốn xứ lạ…
Bình minh ở Đạ Mi, vùng rừng núi chuyển tiếp cao nguyên và duyên hải.

Hồ Dà Mi dĩ nhiên là đẹp, bởi long lanh nước, như những vòng cung uốn ôm lấy những lớp đồi. Và núi non cùng rừng lá rộng nữa, càng mênh mông hơn, trùng điệp, bao bọc cả những lớp da thịt thay lông khác là đại ngàn nguyên sinh đã hóa rẫy đó của xứ Dà Mi(*). Đại ngàn đã bóc ra mà vẫn còn chưa hết đẹp. Đang đẹp kiểu hoa hậu khi về già, buổi tàn sắc. Kiểu diễm lệ của vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên và duyên hải, sườn thoải dần về đông, hơi khác những nơi giữa lòng Tây Nguyên.

Xứ này cao trên sáu trăm mét so với mặt biển xa xa dưới kia. Chính độ nghiêng của địa hình tạo nên hình thái núi đồi, thảm thực vật, sinh thái, và các loài có sự dịch chuyển khác đi. Khi đã hóng về phía biển thì địa khí hậu mang hơi thở của cả cao nguyên lẫn biển. Dà Mi là Dà Mi, chẳng giống Bảo Lộc về sự mát lạnh mà cũng chẳng giống Phan Thiết về sự oi nóng. Nó ở khoảng giữa. Thành chốn cõi đặc trưng. Vừa đủ mát vừa đủ ấm. Cứ như miền “Tây Nguyên” đổ đến đây thì bàn giao lại mọi thứ cho miền duyên hải. Tại đây, ranh giới giữa Bình Thuận và Lâm Đồng chỉ cách nhau bởi một cái khe suối nhỏ mà độ rộng khe núi không đầy một mét vật lý.

Lòng hồ thủy điện Đạ Mi.

Đất trời thì thế, phân định hành chính thì thế - thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận, thuộc huyện Hàm Thuận Bắc - nhưng “phẩm chất” xứ sở thì như cố dùng dằng, lùi lại để được nghiên về sơn cước. Như tâm hồn cư dân ở đây ấy mà. Hai mươi lăm năm trước, khi chính quyền hỏi những bòn (làng) người thổ dân Cill ở La Dày rằng muốn sống - tái định cư - ở đâu, họ bảo “đi lên”. “Đi lên” là chọn rừng, ở lại đại ngàn, thay vì xuống phía biển. Rừng núi mới là quê hương.

Vậy là họ định cư lên xã Lộc Nam trên huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), nơi còn có rừng, hình bóng những núi đồi chập chùng thân quen, để nhường không gian lại cho lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đạ Mi hình thành, và mãi sau này một xã mang tên Đa Mi mới được lập ra.

Cây khô và ngọn đồi.

Trong thế gian, người ta hay phân chia lãnh thổ, địa phận, hành chính, kẻ đường biên lên mặt đất, nhưng với cư dân họ chỉ nghĩ về “quê nhà” ở trạng thái không gian. Rằng không gian là “mãi mãi”, không khác, còn chia, tách, nhập hành chánh... thì lúc nhập, lúc chia là vô chừng, tùy lúc khác nhau, theo nhu cầu của chính quyền mỗi thời hoặc sự đưa đẩy của lịch sử.

Quê hương là chuyện từ trời đất với tâm hồn người, còn “địa phận hành chính” là chuyện cõi thế tục nhân gian. Họ không xa rừng được. Là cư dân của núi, họ phải hấp thụ hơi thở của rừng.

Cư dân bản địa K'ho.

Mà không chỉ thổ dân, lưu dân Việt từ mấy chục tỉnh thành trên lãnh thổ Việt Nam cũng tìm vào nơi heo hút này để sống. Dĩ nhiên đi tìm đất, và nghề sống đều là nông.

Nhưng cộng đồng nhập cứ mới, từ các tỉnh phía Bắc vào, hay từ sông nước Nam Bộ lên, sau vài chục năm họ đều hấp thụ chất “sơn nguyên” đó. Họ sống cũng dần mộc mạc kiểu núi, ăn mặc cũng dần hoang sơ kiểu núi. Bao giờ ra khỏi nhà cũng có chiếc áo khoác dày bên ngoài, và mang giày thay vì mang dép. Giọng nói, thì cũng dần đổi giọng, và ăn nói chậm rãi thô mộc kiểu núi, không phải giọng “biển” của người Bình Thuận. 

Giờ họ cũng thích ăn lá bép, măng rừng, đọt mây, bông chuối dại. Cũng mang những bó rau rừng hái được, cùng trái sầu riêng, bơ mít, từ trên rẫy mình xuống bỏ vào cái rổ nhựa đặt trên chiếc ghế con đưa ra gần mặt đường quốc lộ 55 nối biển với rừng kia mà bán cho khách xuôi ngược Biển (đi Phan Thiết) - Rừng (đi Bảo Lộc) thêm được đồng nào hay đồng đó.

Sơn nhân đi hái lá rau rừng.

Sinh hoạt thường nhật của tha nhân ở nơi này hướng về lực hút Bảo Lộc, cái thành phố cách đấy ngót bốn mươi lăm cây số. Mọi sinh hoạt, như bán mua nông sản, thực phẩm đều ngược lên Bảo Lộc. Và cả khám chữa bệnh, hay đi sắm xe máy, tivi, máy cày, dây tưới… Chỉ đưa người bệnh đi nhà thương Bảo Lộc. Cần về Sài Gòn khi có chuyện lớn, họ cũng ra đấy mà đi, chứ không khởi hành từ Ma Lâm - huyện lỵ, hay Phan Thiết - tỉnh lỵ, dù đường quốc lộ đã thông thoáng. Họ hay gọi, “ra Bảo Lộc”, là thế, mỗi khi muốn “đi phố”. Trong lòng họ, chỗ mình đang ở là “ngoại vi”, nhưng Bảo Lộc là “trung tâm”, nơi của giao dịch, trao đổi, bán mua, mua sắm, học hành, vui chơi. Hẳn vì Bảo Lộc gần hơn Phan Thiết, mà logic hơn là không gian văn hóa, sự gần gũi về văn hóa. Họ “gần” văn hóa với xứ B’lao, bởi đã tương tác với thành phố miền núi Bảo Lộc kia quá lâu rồi, từ khi chưa có đơn vị hành chính xã Đạ Mi và trước nữa là con đường quốc lộ 55 nối giữa miền duyên hải với cao nguyên chưa thông giao, hình thành. Tức là trao đổi khí với “tỉnh người ta” hơn “tỉnh mình”. Xe máy, xe hơi họ chạy, chẳng hiểu sao mang toàn biển số Lâm Đồng. Đi trong Bình Thuận mà tôi ngỡ như mình đang ở Lâm Đồng, đang sống với “người Lâm Đồng”.

Nhiều lúc họ cứ như “quên” mất mình là người Bình Thuận vậy. Chỉ có giấy tờ công dân, sổ đất, hộ tịch thì họ phải làm ở Bình Thuận mà thôi. Mà có sao đâu, tỉnh nào thì cũng là đất nước mình thôi; quen thuộc và tiện thuận thì ta lui tới, đi về, thuộc về. Việt Nam là đất nước của họ. Họ thuộc làu các vùng núi đồi, vườn, trại, xã, phường, đường, hẻm phố, quán xá, nhà sách của Bảo Lộc hơn những gì dưới chân đèo Dà Mi - cuộc sống và các xã còn lại của huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) kia.

Trường hợp này rất giống cái xã Ya Hoa M’Nhông ở dưới chân dãy núi Krong Pa, đất thì thuộc hành chánh tỉnh Lâm Đồng, nhưng cư dân Raglai ở đó chỉ quen đi lại sinh hoạt với người Ninh Sơn, Ninh Thuận. Cũng giống như người M’Nông Gar ở xã Krông Nô (Dak Lak) cần gì thì đi thị trấn Tùng Nghĩa (Lâm Đồng) chứ chẳng bao giờ lên tỉnh lỵ của mình là Buôn Ma Thuột cả. Cuộc sống thật, nó dễ thương, thú vị, hay thế đấy. “Thế giới sống” ở vùng giáp ranh mà, cộng cư văn hóa định dạng ra phẩm chất. Thời tiết, mùa màng, cỏ cây, văn hóa, lề thói, lối sống, hơi thở trên mặt đất, nó ráp vào thuần hậu, tự nhiên, khác với những đường vẽ lý tính ý chí trên bản đồ.

Ở đây toàn núi đồi. Thảo mộc tự nhiên và thảo mộc người trồng đầy khắp núi non. Cảnh quan rất sinh động, tưng bừng. Lớp lớp những suối, khe, sông, hồ, thác, thung sâu, vách cao, đèo, rừng. Tràn đầy mây và gió mang hương vị núi non. Mọi thứ heo hắt nhưng mà lồng lộng. Mùa mưa tím trời và mùa nắng hoang hoải. Nó chỉ có hai mùa chứ không như Phan Thiết có đủ bốn mùa trong năm. Sáu tháng cho mỗi mùa. Có những sớm mai sương phủ khắp cõi xứ. Sương phủ từ núi Tà Lung, qua đồi Xương Rắn, xuống đỉnh Pang Prah, ngậm luôn cả con hồ nhân tạo bảy trăm mẫu Dà Mi kia. Đa Tro, Đa Kim, La Dày, Daguri, những làng thôn núi mới, thành những “tổ người” ẩn lấp, lờ mờ sống trong sương khói. Sương khói bốc lên từ lòng hồ thủy điện rộng lớn kia. Sương trên thảm lá đại ngàn đẹp kiểu khác, và sương trên đồi trọc đẹp kiểu khác. Sương không có tội tình gì. Sương không biết chuyện người làm. Sương nào cũng là sương quê xứ.

Có nhiều buổi chiều, ngang qua các cánh rừng còn rậm cây đây đó dưới vực kia, và trên các sườn núi nữa, nghe khỉ vượn gọi bầy, và côn trùng nổi nhạc sơn dã kêu vang trời, huyền ảo. Rừng nguyên sinh “ra đi”, thú lớn cọp, beo, voi, gấu, trâu rừng biến mất, nhưng sóc, chim, khỉ, và côn trùng thì ở lại - nó chịu đựng được, vả lại cũng nhờ khả năng chung sống với vườn rẫy của chúng. Những sinh vật còn sống sót.

Đời sống của bá tánh là rẫy nương. Họ thích trồng điều, cà phê, sầu riêng, cam quýt, bơ, chuối hơn trồng thanh long - loại cây mà nông dân Bình Thuận thích trồng. Rẫy nương liếm bò từ chân, sườn, lên đến ngọn núi. Cây trái ê hề, chủng loại cũng chẳng khác nơi chốn nào trong lòng Tây Nguyên kia cả.

Hai người phụ nữ bản địa K'ho đi hái lá bép trên rừng Đạ Mi.

Ở đây nông dân vác cuốc ra khỏi nhà bao giờ cũng có chiếc gùi sau lưng. Chiếc gùi cần mang những gì từ nhà đi, và cần mang những gì từ rẫy vườn về. Thấy chiếc gùi là thấy bóng dáng “sơn nguyên” rồi - vật dụng sáng tạo lâu đời của dân miền thượng. Vào mùa cây bép hoang dại ra lá, những đoàn người K’ho ở các bòn (làng) từ cao nguyên Di Linh cách tám chục cây số đeo gùi tìm xuống đây để hái loại lá ưa thích này để về ăn, bán.

Vùng rừng chuyển tiếp mà, bởi chính khí hậu nhiều nóng ẩm nên loài cây rừng này thích nghi, phát triển, có ở khắp nơi trên những cánh rừng còn sót lại, cứ như đây là “thủ phủ” của cây bép. Thứ cây bụi ấy, không hái thì lá cũng già, tàn. Giữa bao người đi hái ấy, thi thoảng tôi nhận ra có những nhóm người Cill ở thôn 3, thôn 4, thôn 5 xã Lộc Nam - những người được di dời hôm nào ở bòn La Dày để nhường chỗ cho công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi kia ra đời. Đó là những ngọn đồi nằm trên lưu vực hồ thủy điện mà may mắn nước không ngập tới. Họ đi ngang vết tích làng quê cũ. Họ như “du khách” nhìn lên đỉnh núi thiêng Pang Prah thân thuộc hôm nào. Họ nhặt lá bép mà như nhặt những kỷ niệm. Cư dân của núi, quyến luyến, nặng nợ với hồn rừng đến thế đó.

Như trái sầu riêng ở đây vậy, đủ mát, đủ nóng, đủ khắc nghiệt, nên đến giờ bỗng nó được xem là chỗ mà sầu riêng thơm ngon hương vị và dày cơm nhất. Và người sành cây trái phương xa đổ xô lên đây để trồng sầu riêng. Và giá đất đã bắt đầu rục rịch, rộn rạo, “nóng” dần.

Sương khói ở Đạ Mi.

Nhớ về xứ Dà Mi, tôi nhớ thế đó. Phần đất mang chất “Tây Nguyên” của một tỉnh Bình Thuận mang hồn cốt biển, phong ba bão tố, nắng cháy và khô cát. Nên chắc chắn nó là “đứa con” đặc biệt của đất Bình Thuận, mà về cảm giác thơ mộng thì cơ hồ có gì đó ở chất “ngoài giá thú”. Đứa con tận núi non và cách trở, lệch ra khỏi cái “gen” thuần nhuận đặc trưng của bố mẹ.

Cứ lang thang ở đây thấy mình được cân bằng thân xác, và cân bằng thân tâm. Nên nó dễ chịu làm sao. Thương rừng núi tan hoang, nhưng cũng thương dân nghèo cần lao, vì nghèo thì mới tìm nơi khốn khó, cách trở, xâm chiếm rừng, mưu cầu tồn tại.

Tôi đang được thế nhân dạy bài học về sự thích nghi cuộc sống, chân chính, chăm chỉ, chấp nhận, an phận. Ôi, những mảnh vỡ nhân sinh lưu lạc, trời cao đất rộng, và thảo mộc nữa, ở dải núi rừng chuyển tiếp của miền thượng với miền duyên hải, sườn vách cuối cùng của dãy Trường Sơn.

(*): Dà Mi, tiếng K’ho bản địa. Dà: nước, nguồn nước. Mi: tên riêng. Nghĩa là, “nơi có nguồn nước Mi, xứ sở Mi”. Người ta đọc “Đa Mi”, là trại âm ra từ đó.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất