, //, :: GTM+7

Nhiều sông trên thế giới bị nhiễm dược chất

TƯỜNG NGUYỄN
(Theo Reporterre)
Nguy hiểm hơn là dạng ô nhiễm này “không màu, không mùi”, không thể nhận thấy được bằng mắt thường.

Theo kết quả từ một nghiên cứu mới nhất có tên “Pharmaceutical pollution of the world’s rivers” (Ô nhiễm dược phẩm trong các dòng sông trên thế giới) được đăng tải ngày 14/02/2022 trên tạp chí PNAS (Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America - Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ), dòng nước của 1/4 các con sông trên toàn cầu đều bị ô nhiễm dược phẩm ở mức độ “nguy hiểm” cho con người và sinh vật thủy sinh.

Nhóm nghiên cứu gồm 127 chuyên gia quốc tế, đã phân tích chất lượng nước lấy từ 258 dòng sông thuộc 104 quốc gia tại nhiều vị trí địa lý khác nhau như rừng nguyên sinh, trong các thành phố đông dân và ô nhiễm nặng như Delhi (Ấn Độ), Seoul (Hàn Quốc), London (Anh Quốc), trong các thung lũng đóng băng tại Nam Cực hay sa mạc tại Tunisia (châu Phi) và vùng núi bang Colorado Hoa Kỳ…

Ngoại trừ hai nơi là Iceland và một ngôi làng bản địa ở vùng Amazon thuộc Venezuela (Nam Mỹ), tất cả các mẫu nơi khác đều có dấu vết của ít nhất một dược chất. Có thể kể ra những nơi nước sông bị ô nhiễm nhiều nhất là Lahore (Pakistan), La Paz (Bolivia), Addis Ababa (Ethiopia) và Madrid (Tây Ban Nha).

La Paz (Bolivia, Nam Mỹ) là một trong những thành phố có nguồn nước sông bị ô nhiễm dược chất nặng nề nhất thế giới. Ảnh: Flickr

Những hỗn hợp độc hại

Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế - xã hội của một quốc gia có liên quan chặt chẽ đến mức độ ô nhiễm dược phẩm của quốc gia đó. Nồng độ dược chất thường cao hơn ở các nước có thu nhập trung bình, như Tunisia, Nigeria tại châu Phi hay Costa Rica (Trung Mỹ). Lý do là người dân ở các nước này có thể tiếp cận tương đối dễ dàng với các dược phẩm trong khi hệ thống xử lý nước thải còn lạc hậu. Về nguyên tắc, các con sông nằm gần nhà máy dược phẩm hoặc các cống xả thải chưa qua xử lý thường bị ô nhiễm nhiều nhất. Các dược chất phổ biến gây ô nhiễm nguồn nước là gabapentin, metformin, fexofenadine, sulfamethoxazole, metronidazole, ciprofloxacin..., đa số là các chất tiêu diệt vi khuẩn (trong đó có thuốc kháng sinh). 19% các con sông được khảo sát trong nghiên cứu này có chứa chất kháng khuẩn vượt quá giới hạn an toàn.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy một lượng lớn các loại thuốc giảm đau, thuốc chẹn beta (điều trị bệnh tim mạch), thuốc trị động kinh (co giật) và thuốc kháng histamin (điều trị dị ứng), paracetamol, caffeine và nicotine. Chuyên gia John Wilkinson, một trong những tác giả chính của nghiên cứu này, cũng thật sự sững sờ khi phát hiện nồng độ thuốc chống trầm cảm thường rất cao trong các dòng sông tại những quốc gia có thu nhập cao. 

Cá bị nhiễm thuốc

Tác giả John Wilkinson cũng cảnh báo hiện tượng các quần thể cá sông đang bị “nữ tính hóa” do dược chất. Theo một nghiên cứu đăng tải năm 2007 cũng trên tạp chí PNAS, nhiều cá thể giống đực của cá tuế đầu bẹt (pimephales promelas) sau khi bị phơi nhiễm estrogen (hormone sinh dục nữ) dạng tổng hợp có trong thuốc tránh thai, đã biến thành giống cái. Hiện tượng này rất có thể khiến loài cá này tuyệt chủng.

Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Science cũng đề cập hiện tượng rối loạn hành vi của loài cá rô châu Âu (perca fluviatilis) khi tiếp xúc thường xuyên với thuốc Oxazepam (điều trị rối loạn lo âu) có trong môi trường nước: chúng háu ăn hơn nên gây hại nhiều hơn cho những những sinh vật là thức ăn của chúng; và cá cũng “dạn dĩ” hơn nên sẽ dễ dàng trở thành mồi ngon cho loài khác. Con người dùng thuốc quá liều thì có hại, cá cũng vậy thôi!

Nhiều cá thể giống đực của loài cá tuế đầu bẹt (pimephales promelas) sau khi phơi nhiễm estrogen dạng tổng hợp trong thuốc tránh thai đã bị “nữ tính hóa”. Ảnh: iNATURALIST
Cá rô châu Âu (perca fluviatilis) bị rối loạn hành vi sau khi tiếp xúc thường xuyên với Oxazepam, thuốc điều trị rối loạn lo âu. Ảnh: BioLib

Chuyên gia John Wilkinson càng lo lắng hơn khi trên thực tế, nhiều quần thể thủy sinh bị phơi nhiễm cùng lúc nhiều loại hóa chất trong cùng một dòng nước. Lấy ví dụ, đã có đến 34 hóa chất khác nhau được xác định trong một mẫu duy nhất lấy từ kênh Kai Tak Nullah (còn được biết với tên “Kai Tak River”) ở Hong Kong. Môi trường nước như thế chắc chắn độc hại hơn nhiều.

Cách hạn chế tác hại của dược phẩm trong môi trường nước

Chuyên gia John Wilkinson chỉ ra một cách để giảm tác hại nói trên là đầu tư vào cơ sở hạ tầng xử lý nước thải sao cho hiệu quả. Kế đến là con người cần phải thay đổi cách dùng thuốc trị bệnh, ông nói: “Tại nhiều quốc gia, người dân hoàn toàn có thể mua kháng sinh mà không cần bác sĩ kê toa, mà trong nhiều trường hợp là không cần thiết xét về mặt điều trị. Hẳn nhiên ai cũng biết là chúng ta không thể không cần đến dược phẩm khi mắc bệnh, nhưng theo chúng tôi quan sát, ngay cả khi các cơ sở xử lý nước thải hoạt động rất hiệu quả, thì trong dòng nước sạch được thải ra môi trường sau khi xử lý vẫn luôn còn tồn tại một số dư lượng dược chất nào đó. Do đó, việc cần làm là phải giải quyết được bài toán cân bằng, sao cho những dư lượng dược chất đó được giữ ở mức độ an toàn chấp nhận được, để chúng không gây hại đến đời sống thủy sinh”. 

Nhiều quốc gia châu Phi, như Tunisia, đã ghi nhận nồng độ dược chất rất cao trong nước sông. Trong ảnh: Làm nông gần thành phố Hammamet, Tunisia. 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất