, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 06/04/2024, 20:00

Tả tơi xem hội

TRUNG VIỆT
Tháng Giêng trở đi đến hết tháng 3 âm, là náo nức trong Nam - ngoài Bắc lễ hội.
Hội đua thuyền rồng trên sông Lô, TP Tuyên Quang.

Hồi nhỏ ở quê, chỉ mong đua ghe. Nhà gần sông, ra Tết là xã tổ chức đua. Trong nhà chơi với nhau đâu có vui, nên mời xã bạn huyện bạn tham gia. Người ta rành rõi nơi nào ghe dài nhất, bơi giỏi nhất, lại nữa, ghe nào… linh nhất tức bơi không bị ì, không chìm, được ơn trên phù hộ. Hội đoàn thể nông dân phụ nữ gõ cửa từng nhà góp tiền cho ghe xã mình xóm ta tập bơi. Dưới sông mấy ông bơi “la hề la”, thì trên bờ đám con nít cũng hô theo.

Tới lúc đua, cả làng kéo ra bờ sông, kẻ hoan hô ghe mình, người nói xấu ghe thiên hạ. Gay cấn nhất là kẹp nhau giành đích, không sớm thì muộn có đánh nhau. Mái chèo có sẵn, cứ thế mà phang. Xã đội công an nghếch A.K lên trời kéo mấy phát, khiến con dân chạy tán loạn. Ghe về nhất được thưởng, nhì cũng thưởng, ba cũng thưởng. Ai bị bể đầu, gãy tay thì vô bệnh viện, hẹn năm sau “phục thù”. Sau đó xã qui định: ai chủ động đánh nhau, cấm cả ghe đó không được dự.

Vui nhất là mấy bà tổ chức đua ghe mồng 8/3. Đàn bà mà đi cổ vũ, la ré chửi nhau như cháy nhà. Dưới sông, các tay bơi cũng la hét giành nhau từng mét nước. Đàn bà không đánh nhau, thâm thù nhau, nhưng lên bờ, hễ thua là nói xấu.

Cái sự đánh nhau đó, nghĩ cho cùng cũng bản năng, dần về sau bớt hẳn, bởi đó là cho vui, ăn uống chi, nhưng bệnh háo danh khiến người ta không chịu thua, bèn làm ghe dài hơn, tuyển tay đua có nghề và khỏe hơn. Sống với chộn rộn đó, hết bữa đua là ngồi với nhau cười xòa, là xong, không như cái kiểu đấu trường sinh tử như lễ hội mấy năm qua.

Người xưa nói “vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Giờ lễ hội thấy mà ngao ngán, không phải tả tơi vì chen lấn để thưởng ngoạn mà là giành giựt lộc lá hòng thỏa mãn cơn khát may mắn, danh lợi. Lễ ít, hội nhiều, cứ chờ tới giờ là chen nhau, giành nhau, đập nhau sứt đầu bể trán vì miếng giấy đóng ấn vô cảm vô thiêng, vì tấm chiếu đội đầu cúng ở đền, vì cái bông ở cây hoa cúng miếu đình được dán lời nguyền rằng bông đó, chiếu hoa đó, ấn đó, ai giật được là may mắn mà sẽ đẻ con trai! Trâu thắng ở lễ hội chọi trâu, mỗi kg xẻ thịt ra lên tới 10 triệu, cũng mua, bởi nghĩ là ăn vô sẽ khỏe, sẽ bách chiến bách thắng.

Nhà tổ chức lễ hội bây giờ, có hai xu hướng, nếu thuần quê với nếp nghĩ xưa bày nay bắt chước, thì tổ chức giải quyết chuyện tâm linh là chính, là dịp để người ta gửi gắm niềm tin cho đâu đó cao vời, khuất mặt với lòng thành chẳng bợn chút bùn lợi danh, vì nó là nếp làng tục quê, ngược lại lắm nơi biến hội lễ đình chùa thành B.O.T, hòm công đức thành ngân hàng cho người sống cúng dường nuôi ai đó.

Một dân tộc mà văn minh từ bùn đất mọc lên, bám theo cây lúa mà thành, thì thờ cúng đất đai, cầu mong ân phước từ thánh thần, là chuyện tất nhiên. Phồn thực, nghĩa gần gũi nhất là no ấm, mưa thuận gió hòa. Dù bất kỳ biểu tượng nào thông qua các hình thức biểu hiện khác nhau trong phần lễ, đều mang đậm dấu ấn gửi gắm khát vọng đó của con người. Lễ để thỏa mãn tâm linh, hội để vui vầy chứ không phải tổ chức ra để kiếm tiền, giành giựt, để vẽ ra bức tranh xấu xí.

Quê như phố, càng ngày tín ngưỡng càng bị lợi dụng, đánh tráo để tuồn vào mê tín dị đoan, mà đích cuối cùng là hốt bạc. Chùa chiền cũng không chối từ nạn này. Chẳng thấy nhà nước đứng ra dẹp. Đi bắt vài ba ổ đánh bạc thì rần rần, kéo cả báo chí vào lên sóng dạy đời người ta, còn mê tín công khai, dạy dỗ thuyết pháp tà ngụy thì nhà chức trách cứ… lửng lơ con cá vàng.

Người ta nói thời mạt pháp nó vậy, không biết đúng không, chứ nhìn lễ hội thành ngân hàng di động, thành chỗ khoe tiền, khoe áo quần, thấy ớn ngán đã đành, nhưng điều đáng nói hơn, là văn hóa tín ngưỡng, hay đúng hơn là nhận thức văn hóa đã xuống đáy.

Làng quê vốn là nơi ngự trị của những đức tin nguyên thủy, nó trong lành, thanh suốt, nỗi sợ sệt cung kính chốn miếu tự đình chùa mỗi khi có việc qua đó, rằng đừng có nói năng bậy bạ, hành xử càn rỡ mà ông bà ma quỷ trách giận. Người ta sợ cõi thiêng, bởi phận họ bé nhỏ, hiểu biết có hạn, sợ nỗi lành ít dữ nhiều khi trời - đất nổi cơn gió bụi, đau ốm bất thình lình, gạo chợ nước sông đâu có nhiều có kịp mà cứu. Lớp người đó, suy tư một thuở đó, ngày càng già đi, mất đi, lùi xa, đồng nghĩa với thiêng liêng hành lễ, nhất mực cung kính phai màu.

Lớp thay thế có của ăn của để, không quên cúng bái, nhưng dần dà được phủ bởi cái nhìn dễ hơn mà thực dụng hơn: làm cho to, cầu được lớn; cúng càng nhiều, lộc càng bự. Mạnh ai nấy làm. Vì thế mới có nạn người ta đốt vàng mã cả mấy chục triệu bạc, rước thầy khắp nơi về hô phong hoán vũ ba ngày ba đêm. Ba cái trò dị đoan bậy bạ được dịp như nấm mọc sau mưa. Để ý mà coi, những nơi lễ càng lớn, lời đồn càng to, rằng linh lắm, thiêng lắm, có như vậy mới đổ xô về cúng, xin. Tiền vào túi ai, thiên hạ biết hết. Thờ cúng như một mỹ tục, càng về sau càng thấy bẽ bàng.

Lễ hội là vui, không tả tơi sao ra hội. Có lần tôi hỏi Giáo sư Trần Quốc Vượng chuyện này, ông nói nhanh kiểu khẩu khí đặc màu giễu nhại như thói thường hay bỗ bã khi tiếp xúc của ông: “Các ông các bà nghĩ mà xem, đi hội mà không mướt mồ hôi, chen nhau, lấn nhau để xem, còn gì là hội? Thưởng thức, tìm hiểu là nhu cầu sống, nhưng biến nó thành con tin của dị đoan, thì lỗi không phải ở lễ hội. Cha ông sinh ra lễ hội là cơ hội để dân lành bày bỏ tâm can với trời đất. Đó là văn hóa giao tiếp nguyên thủy đáng trân trọng. Biến tướng là do quản lý nhà nước”.

Lễ hội Cầu Bông Trà Quế tại làng Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An).

Cúng thần nông, cầu ngư, mở cửa rừng, cúng đất, mừng lúa mới… Chứng kiến bà con hành lễ nơi thôn cùng xóm vắng hay chốn bờ bãi khói sóng mịt mùng, mới thấy ta phút chốc rơi vào cơn mê giao cảm trời đất, thấy phận mình bé nhỏ trước thiên địa mênh mông.

Lễ là trách nhiệm với thần linh ông bà, hội là phút cố kết gắn bó cộng đồng. Khi nó không còn đúng nghĩa nữa, thì đó là rác văn hóa, mà ngó cơ này xem ra khó dẹp. Đức tin là thứ không thấy không chứng minh không chỉ mặt đặt tên được. “Tin thì tin, không tin thì thôi” (thơ Nguyễn Trọng Tạo). Nho Giáo có câu “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”.

Lại nhớ, được dạy rằng, lúc cần tha thiết trời đất, nếu không có nén nhang cũng được, cứ ngước nhìn trời cao chắp tay mà xin, thành tâm là được. Cứ tin, còn thần thánh chứng hay không là chuyện khác, nhưng chắc chắn trời cao đất dày không gật đầu cho tham cầu đen tối, dục vọng đê hèn hay ước mơ viển vông.

Nhớ cảnh trai làng ở Vĩnh Phúc tháng giêng này đánh nhau giật manh chiếu rách, nhánh bông để mong đẻ con trai khiến công an phải vào cuộc, không nín được cười…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất