, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 23/09/2021, 08:42

Tác động của biến đổi khí hậu và những thách thức phát triển mới

GIA MINH - THẾ HIỆP
Là một nước nông nghiệp, sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH).
Hình minh họa.

Tác động của BĐKH

Bên cạnh các hiện tượng thời tiết cực đoan hay thiên tai diễn ra thường xuyên hơn, tác động nghiêm trọng nhất của BĐKH đến nông nghiệp nước ta là thay đổi chế độ nước, bao gồm lũ lụt hay hạn hán và nước biển dâng. Theo Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam có thể bị thiệt hại 2,3% GDP mỗi năm.

Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp và giảm năng suất cây trồng, đặc biệt nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL. Theo PGS.TS Đào Thế Anh - Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Nông nghiệp Pháp, khi nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, và làm giảm năng suất. Cụ thể là năng suất lúa của vụ Xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa. Các dự báo đều chỉ rõ nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, thì hiệu quả năng suất lúa xuân ở vùng ĐBSH có thể giảm tới 16,5% vào năm 2070; năng suất lúa mùa sẽ giảm 5% vào năm 2070. Mất đất canh tác trong nông nghiệp và năng suất cây trồng suy giảm sẽ đặt ra những thách thức và đe dọa đời sống của nông dân, vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia.

“BĐKH cũng làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại, xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại dịch bệnh và sâu hại mới do di cư. Trong thời gian nhiều năm trở lại đây, dịch vàng lùn, lùn xoắn lá với lúa, sâu keo mùa thu với ngô, khảm lá sắn, bệnh Panama với chuối hay dịch tả lợn châu Phi… xuất hiện trên diện rộng, làm giảm sản lượng cây trồng, vật nuôi”. - PGS.TS Đào Thế Anh cho biết thêm.

Những giải pháp cần có đối với ảnh hưởng của BĐKH

Ở khía cạnh chiến lược dài hạn, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp. Để ứng phó với BĐKH, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với nước biển dâng và BĐKH của Chính phủ đã thực thi các nhóm giải pháp như: quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu hécta diện tích đất lúa với 3,2 triệu hécta đất canh tác 2 vụ nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm phát khí thải nhà kính qua kỹ thuật 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm sử dụng tiết kiệm chi phí đầu vào; thúc đẩy quy trình VietGAP trong chăn nuôi; cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác thủy hải sản; đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng; xây dựng các hệ thống chống ngập, nước biển dâng tại các thành phố lớn…

Cùng với các giải pháp đang thực thi nêu trên, theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, việc xây dựng kịch bản cho những năm tới đến cuối thế kỷ 21 - nhất là kịch bản nước biển dâng thêm 1m - có ý nghĩa hết sức quan trọng để có những tính toán đầy đủ và phương án quy hoạch phù hợp đối với hoạt động sản xuất các ngành, lĩnh vực, phân bố dân cư và chuyển đổi phát triển kinh tế theo cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ phù hợp. “Về quan điểm, chúng ta phải chấp nhận những ảnh hưởng của BĐKH để có những giải pháp phù hợp, biến những thách thức của BĐKH thành những cơ hội để chủ động giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn thế của thiên nhiên được đặt lên hàng đầu”. - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhận định.

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là trong điều kiện của BĐKH, Phó Viện trưởng Viện KHCN Mekong Cần Thơ, ông Trần Thế Như Hiệp cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Mỗi loại cây trồng, vật nuôi ở mỗi vùng sinh thái khác nhau sẽ có những biến thể mô hình canh tác, phương thức canh tác khác nhau và rất đa dạng. Các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH chủ yếu dựa trên các nền tảng quản lý nước và tưới tiêu thông minh, quản lý đất đai bền vững, sản xuất nông nghiệp thông minh và nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng thích nghi.

BĐKH có thể tác động làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, suy giảm đa dạng sinh học, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm.

“Quản lý nước và tưới tiêu thông minh là phương thức sản xuất được áp dụng trong hầu hết các hệ thống sản xuất cây trồng, bao gồm việc áp dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa, biện pháp giữ ẩm bằng che phủ đất, tưới khô ẩm xen kẽ, kết hợp vườn cây - ao cá. Quản lý đất đai bền vững có thể giúp giảm xói mòn đất như mô hình canh tác trên đất dốc, trồng các loại cây họ đậu xen với trồng sắn hoặc cao su để tăng độ phì của đất. Sản xuất nông nghiệp thông minh là ứng dụng công nghệ cao như IoT, BigData, blockchain, GIS... trong quản lý sản xuất (như nhà màng, quản lý trang trại trồng trọt bằng thuật toán thông minh dựa trên số liệu lớn...). Nghiên cứu lai và chọn tạo các giống cây trồng có bộ gien sở hữu các tính năng vượt trội như giống chịu ngập, giống chịu mặn, giống chịu hạn... Đặc biệt, một số mô hình ứng phó tốt với xâm nhập mặn ở vùng ven biển nuôi tôm hoặc mô hình kết hợp tôm - lúa, tôm - cá rô phi trong ruộng lúa hoặc tôm - rừng trong hệ thống rừng ngập mặn nhằm tăng hiệu quả sản xuất”. - Phó Viện trưởng Trần Thế Như Hiệp chia sẻ.

“Sau đại dịch Covid-19, cần có cách thức mới để người dân thấy được BĐKH cũng là nguyên nhân tác động tới sức khỏe và ảnh hưởng tới hệ sinh thái, con người luôn gắn bó với hệ sinh thái và phải chống chịu, thích ứng với BĐKH”.
- PGS.TS Nguyễn Thế Chinh

Về vấn đề cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi do những ảnh hưởng của BĐKH, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng cho rằng cần tăng cường khả năng chống chịu trước ảnh hưởng của BĐKH, phát triển các mô hình kinh tế dựa vào hệ sinh thái (EbA), dựa vào cộng đồng (CbA) và dựa vào tự nhiên (NbS) cho mỗi địa phương, lấy kiến thức bản địa kết hợp với khoa học công nghệ mới đầu tư phát triển, đặt sinh kế và sự an toàn của người dân lên hàng đầu.

Nhìn chung, dù hiện tại đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH được đánh giá là mang hiệu quả cao, nhưng thách thức đối với ngành nông nghiệp vẫn không nhỏ bởi vì năng lực triển khai thực hiện, nguồn lực tài chính và trình độ của lực lượng sản xuất phải cân xứng, trong đó yếu tố con người là then chốt. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, trong bối cảnh mới, giải pháp phù hợp để ứng phó với BĐKH là cần dựa vào tiếp cận thị trường (MBA), trước hết là vai trò của doanh nghiệp và người dân nhằm tạo ra cơ chế tạo nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính. Hiện tại quỹ ứng phó với BĐKH đã và đang vận hành ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước ở châu Âu. Nếu doanh nghiệp và người dân Việt Nam tiếp cận được nguồn quỹ này, chúng ta sẽ có được nguồn lực tài chính không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Thị trường Cac Bon là một cơ chế tài chính tốt, vì thế Việt Nam nên sớm hình thành và tham gia vào thị trường này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất