Hội thảo quy tụ hơn 65 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các cơ quan hành pháp, tư pháp và các bên liên quan bao gồm Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Tòa án, Viện kiểm sát, Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và các tổ chức phi chính phủ.
Việt Nam được xác định là quốc gia trung chuyển và điểm đến quan trọng trong chuỗi buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã (ĐVHD) quốc tế, đặc biệt là ngà voi, tê tê, sừng tê giác và mèo lớn. Những vụ buôn bán ĐVHD quy mô lớn bị bắt giữ tại các vùng biển biên giới và cảng hàng không của Việt Nam trong những năm qua cho thấy Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuỗi cung ứng buôn bán bất hợp pháp ĐVHD có nguồn gốc từ châu Phi, điển hình là Nam Phi, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la, Công-gô và Ni-gê-ri-a.
Do đó, để chống lại tội phạm về ĐVHD dã xuyên quốc gia, cần tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam, các quốc gia trung chuyển với các quốc gia được coi là nguồn cung ở châu Phi, thông qua việc ký kết và thực hiện các cơ chế như Tương trợ tư pháp, Dẫn độ và Chuyển giao tội phạm bị kết án. Điều này sẽ cho phép việc điều tra, truy tố và xét xử hiệu quả các tội phạm liên quan đến ĐVHD, bao gồm việc thu thập bằng chứng, chia sẻ thông tin, bắt giữ và dẫn độ những kẻ bỏ trốn.
Thực tế, nhiều vụ buôn bán ĐVHD với số lượng lớn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đã được phát hiện gần đây nhưng chưa thể truy tố do thiếu bằng chứng từ các quốc gia nguồn cung ở châu Phi. Việc ký kết và tăng cường thực hiện Hiệp định về Tương trợ tư pháp giúp các cơ quan chức năng có thể xử lý, truy tố tội phạm buôn lậu trở nên hiệu quả hơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm về công tác phòng chống buôn bán ĐVHD, những thách thức trong việc hiểu luật để xử lý hình sự các hành vi phạm tội, cách xác định bằng chứng liên quan đến việc xác định tội phạm, giám định pháp y, định giá các sản phẩm ĐVHD, bảo quản và xử lý vật chứng cũng như những khó khăn trong vấn đề Tương trợ tư pháp giữa các quốc gia. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường sự thực thi pháp luật trên toàn quốc và tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi trong việc chống lại buôn bán ĐVHD.
Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ ĐVHD với những hình phạt nghiêm khắc được đưa ra, tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật. Tuy nhiên, tội phạm về buôn bán và tiêu thụ ĐVHD vẫn là một vấn đề nan giải. Vì vậy, việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Chính phủ về phòng chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật trong xây dựng chính sách, tiếp tục hoàn thiện thiện khung pháp lý, tăng cường công tác thực thi pháp luật và tư pháp, đồng thời giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ ĐVHD là những sự ưu tiên xuyên suốt mà Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp tập trung để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.