Tỉ lệ tử vong, bệnh tật tăng cao
Theo Lancet Countdown - một báo cáo thường niên dựa trên công trình của hàng chục chuyên gia, tổ chức học thuật và các cơ quan của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới, cho thấy, năm 2023 đã chứng kiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục, điều này đồng nghĩa với việc trung bình một người phải trải qua thêm 50 ngày nắng nóng nguy hiểm so với mức nhiệt khi không có biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, người cao tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Số ca tử vong do nắng nóng ở nhóm tuổi trên 65 đã tăng 167% so với những năm 1990. Nếu không có biến đổi khí hậu, con số này chỉ tăng khoảng 65% so với những năm 1990.
Bà Marina Belén Romanello - Giám đốc điều hành Lancet Countdown nhấn mạnh: "Năm này qua năm khác, số ca tử vong liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu không ngừng gia tăng. Nhiệt độ cao không chỉ làm tăng số ca tử vong mà còn gia tăng bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan đến việc tiếp xúc với nhiệt độ cao."
Cũng theo bà Romanello, nguy cơ mắc bệnh của những người tập thể dục ngoài trời cũng ngày càng gia tăng, trong khi nhiều doanh nghiệp phải hạn chế thời gian làm việc ngoài trời để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Trên thực tế, báo cáo cho biết nhiệt độ cao khắc nghiệt của năm 2023 đã khiến thế giới thiệt hại khoảng 512 tỷ giờ lao động tiềm năng, tương đương hàng trăm tỷ USD thu nhập bị mất.
Trong một tuyên bố trước đó, nhà khoa học dữ liệu Nathan Cheetham tại King's College London từng chia sẻ: "Tương tự như những gì chúng ta đã thấy trong đại dịch COVID-19, những người lao động chủ chốt thường là những người dễ bị phơi nhiễm nhất và không thể dễ dàng che chắn trong các đợt nắng nóng, như các nhân viên bệnh viện không có điều hòa hay công nhân xây dựng ngoài trời.”
Mất an ninh lương thực nghiêm trọng
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng biến đổi khí hậu cũng khiến thực phẩm trở nên bất ổn. Năm ngoái, ước tính 48% diện tích đất toàn cầu đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, khiến khoảng 151 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực so với giai đoạn 1981 – 2010. Lượng mưa cực lớn cũng ảnh hưởng đến khoảng 60% diện tích đất, gây ra lũ lụt và làm tăng nguy cơ ô nhiễm nước hoặc bệnh truyền nhiễm.
Báo cáo nghiên cứu đã kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 sắp tới của Liên Hợp Quốc tập trung tài chính khí hậu vào sức khỏe cộng đồng. Hội nghị COP29 dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 11/11 tại Baku, Azerbaijan.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm thiểu khí thải để tạo ra một tương lai công bằng hơn, an toàn hơn và lành mạnh hơn cho tất cả mọi người.