Mười năm thay máu… tư duy
Dave Quách, Founder của Bảo Lân Textiles có thể gọi là “con nhà nòi” khi xuất thân trong một gia đình có truyền thống thương mại vải từ sau giải phóng. Lớn lên cùng với vải vóc đã cho anh sự nhạy cảm của một người làm nghề lâu năm. Và tất nhiên, kiến thức và tầm nhìn về sản phẩm và thị trường trong anh đã sẵn… nền.
Nhưng xem ra chuyện làm ăn và hít thở lối sống xứ mình đã bị đảo lộn, khi anh sang New Zealand du học 10 năm. Đó là vào những năm 2000, lối sống xanh, bền vững đã rất thịnh hành tại quốc gia này. Từ sinh hoạt thường ngày cho tới phát triển công nghệ mới… đều hướng tới bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa tuổi thọ của sản phẩm. Máu kinh doanh dệt may vẫn chảy, nhưng lối sống bền vững của người ta cùng nhận thức về xu hướng tiêu dùng, thời trang thế giới đã khiến anh quyết định thay đổi “lập trình”, rằng cách làm cũ cần phải được… giã từ.
Đó là căn cớ và khi đúng “giờ G” là năm 2011, Bảo Lân Textiles ra đời.
Chẳng có cuộc khởi nghiệp nào toàn hoa hồng trên đường đi. Khó khăn chất chồng khi nhu cầu thị trường trong nước đối với các sản phẩm dệt may “xanh” lúc bấy giờ vẫn còn thấp, chi phí sản xuất lại rất cao. Ban đầu, Bảo Lân Textiles ra đời với mục tiêu trở thành đơn vị chuyên cung cấp sợi sinh thái, bằng cách tìm kiếm khách hàng có nhu cầu, và từ nhu cầu đó sẽ tìm nhà cung cấp. Tuy vậy, tầm nhìn đi trước này lại quá xa so với thực tế. Thời điểm bấy giờ ngành dệt may trong nước chưa quan tâm tới sinh thái mà giá cả cạnh tranh vẫn là sự ưu tiên. Trắc trở và trắc trở!
Một ván cờ khác lại được bày ra. Một năm sau, Bảo Lân tái cơ cấu lần đầu và cho ra mắt thương hiệu Greenyarn, tập trung vào việc tìm nguồn phát triển và phân phối sợi vải sinh thái số lượng lớn đến các nhà máy Việt Nam. Lần này, tư duy rẽ nhánh khác, khi Bảo Lân Textiles thay vì tìm nhu cầu và cung cấp theo nhu cầu; đã chủ động chọn và phát triển những sản phẩm mà Bảo Lân đánh giá là có tiềm năng trong tương lai. 2 loại sợi được chọn lúc này là sợi Mélange (loại sợi kết hợp từ 2 hoặc nhiều loại xơ được nhuộm màu với nhau) và sợi tái chế (Recycle Poly).
2 năm sau, ứng dụng công nghệ kéo sợi mới, Greenyarn trở thành công ty Việt Nam đầu tiên đưa ra thị trường các loại sợi Space dye, Siro yarn, Color Mélange… Tiếp theo là bộ sưu tập “Gý19” với 19 sợi màu Mélange được sản xuất sẵn, giá phải chăng. Năm 2018, tái cơ cấu một lần nữa, Greenyarn cho ra mắt 5 bộ sưu tập sợi: Organic, Cellulose, Recycle, Fancy và Special. Đây được xác định là 5 bộ sưu tập “lõi” mà Greenyarn định hướng phát triển các sản phẩm của mình trong tương lai.
Cho đến nay, sợi vải bền vững Greenyarn đã đạt được các chứng nhận như: GOTs - Global Organic Textile Standard: tiêu chuẩn chung về dệt may hữu cơ toàn cầu. GOTs đánh giá các sợi hữu cơ được kiểm soát từ đầu vào nguyên liệu đến thành phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, xã hội; GRS - Global recycled standard: tiêu chuẩn tái chế toàn cầu, chứng nhận của bên thứ 3 về thành phần tái chế, quy trình sản xuất khép kín, hạn chế hóa chất, vòng đời sản phẩm… và OEK-TEX 100: chứng chỉ toàn cầu bảo đảm các vật liệu thô, các thành phẩm trong ngành công nghiệp dệt may không chứa các chất độc hại.
“Đọc vị” được các nhãn hàng thời trang muốn có dòng hàng sinh thái độc đáo, theo yêu cầu và tiêu chuẩn của riêng mình, điều này chỉ có R&D mới đáp ứng được. Do đó, năm 2019, Bảo Lân tiếp tục cho ra mắt thương hiệu W.ELL Fabric - chuyên nghiên cứu sản xuất và cung ứng các loại vải bền vững tích hợp các tính năng như vải cà phê, vải Bamboo có khả năng chống tia UV, vải kháng côn trùng, kháng mùi, chống thấm, làm mát, chống bụi mịn, vải BCI CVC Recycle.
Trả lời cho hành trình “đo, cắt, may, thử” lắm truân chuyên và không kém thú vị này, Dave Quách nói vui mà ngắn gọn: Vì cứ làm một thời gian lại thấy chưa đủ “sướng”. “Chúng tôi là đơn vị duy nhất trong ngành tại Việt Nam và hiếm hoi trên thế giới hoạt động với mô hình kết hợp thương mại và nghiên cứu phát triển. Nghiên cứu để ra sản phẩm có thể thương mại hóa, và thương mại để có tài chính nuôi công tác nghiên cứu tốn kém, dài hơi”, Dave Quách nói.
Hành trình hơn 10 năm, là câu chuyện của thuyết phục, thay đổi tư duy khách hàng ở những ngày đầu, khi mà khái niệm “sinh thái” trong ngành còn quá mới, chưa kể sự khác biệt của những loại sợi này đôi khi không thể thuyết phục chỉ bằng cách đưa ra số liệu, mà phải trực tiếp trải nghiệm bằng sản phẩm cụ thể ngay trên da. Ví dụ tính năng cân bằng nhiệt, giữ ấm khi trời lạnh và làm mát khi trời nóng của Bamboo…
Thêm vào đó là khó khăn đặc thù của ngành R&D – vấn đề con người. Có được tấm vải như ý mình và khách hàng, là như vắt kiệt tâm-sức. Chưa hết, theo Dave Quách “ngành này hơn nhau còn ở kinh nghiệm. Không có cách nào khác là phải thử nhiều, sai nhiều. Mỗi công đoạn, như riêng khâu kéo sợi cho một sản phẩm mới cũng phải 7 – 8 lần thất bại mới đạt, chưa kể sau đó còn dệt, nhuộm…”.
Thêm một lần minh bạch
Bây giờ R&D đã khẳng định được giá trị, với “độc bản”, “độc nhất” như Bamboo Biocell với khả năng nổi bật là kháng virus, hay mới đây nhất là vải từ lá dứa – Ananas. Nhưng Dave Quách không chỉ nghĩ và làm cho riêng mình.
Sản xuất vải từ xơ lá dứa vừa giúp xử lý phế phẩm nông nghiệp, lại vừa tạo thêm sinh kế, tăng nguồn thu nhập cho người nông dân. Hiện nay Ecofa Việt Nam đã hợp tác với các hợp tác xã ở 5 vùng trồng lớn gồm Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang để thu mua lá dứa. Công đoạn tách xuất xơ từ lá cũng được làm ngay tại vùng trồng bằng máy móc được sáng chế bởi kỹ sư Đậu Văn Nam – Founder của Ecofa Việt Nam. Ecofa Việt Nam sẽ chuyển giao công nghệ, và bao tiêu toàn bộ lá dứa đạt chất lượng theo yêu cầu về độ dài, màu sắc, các tạp chất trên lá… Máy móc được công ty kiểm tra, bảo hành thường xuyên.
“Toàn bộ nhân công trong quá trình từ quản lý chất lượng lá vùng trồng, đến thu mua lá và công nhân chạy máy đều là lao động địa phương. Chúng tôi chuyển giao máy móc và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, nhận báo cáo hàng ngày từ chủ hợp tác xã, và khi cần sẽ tổ chức kiểm tra lấy mẫu”, anh Đậu Văn Nam chia sẻ.
Khó khăn không nằm ở trình độ kỹ thuật của nhân công, vì yêu cầu công việc khá đơn giản, mà nằm ở yếu tố thời tiết, tính mùa vụ, năng suất, số lượng và truyền thống canh tác khác nhau của mỗi vùng miền.
Giải bài toán này phải linh hoạt, đi kèm việc khuyến khích các hợp tác xã bắt tay sản xuất bằng việc giảm giá thành hoặc tài trợ máy móc. “Hiện nay chúng tôi đã phát triển được hai loại máy là tự động và bán tự động. Giá máy bán tự động khoảng 25 triệu đồng/ máy, trong khi tự động là khoảng 1,5 tỷ đồng/máy. Đối với máy bán tự động, Ecofa sẽ tài trợ nửa giá cho hợp tác xã, nửa còn lại khấu trừ dần vào khối lượng sản phẩm mà hợp tác xã cung cấp. Đối với máy tự động, vì giá thành cao nên Ecofa sở hữu và hợp tác xã là đối tác cung cấp nguồn nguyên liệu, nhân công… cho công ty. Chúng tôi đang nỗ lực nghiên cứu giảm giá thành máy móc hơn nữa”, anh Đậu Văn Nam nói.
Sau khi Ecofa Việt Nam cung cấp tơ dứa sẵn sàng kéo sợi và sợi pha trộn, Bảo Lân Textiles sẽ tạo ra các sản phẩm sợi và vải dứa Ananas phục vụ ngành dệt, may mặc, thời trang, nội thất...
Một trong những khó khăn mà Dave Quách đề cập đến trong quá trình nghiên cứu loại vải mới, đó là ra mẫu ở các nhà máy. Anh giải thích rằng, thông thường mỗi lần dệt, các nhà máy yêu cầu tối thiểu 5 tấn nguyên liệu, rất hiếm có nhà máy nào đồng ý nhận 300 – 500kg để phục vụ cho việc thử mẫu. Đồng thời, kỹ thuật viên ở những nhà máy này phải là người cực kỳ lành nghề, để nhìn ra vấn đề và điều chỉnh đúng tỷ lệ, màu sắc… của nguyên liệu ngay khi những mét vải thành phẩm đầu tiên được ra lò.
“Tìm được những nhà máy vừa chia sẻ chung tầm nhìn, mong muốn đổi mới để đồng ý nhận sản xuất số lượng nhỏ, vừa có đội ngũ kỹ thuật lành nghề, chỉ có thể nói là phải nhờ duyên”, Dave Quách nhìn nhận.
Còn nhiều điều nữa lắm, ở câu chuyện như “dệt tầm gai” này. Có một điều lạ, là trong suốt cuộc trò chuyện với người làm công tác nghiên cứu – lĩnh vực tưởng chừng như lý trí và khô khan – người viết lại nhiều lần nghe anh nhắc đến chữ “duyên” – một chữ khá bay bổng và có phần… cảm tính. Có lẽ sống với vải vóc lụa là đã làm công việc của anh thêm phần thi vị. Và cũng có lẽ, chính sự thi vị đó đã tiếp thêm lạc quan cho anh trong vô số những lần thử-và-sai, để chưa bao giờ anh ngừng lại.
“Gấp đôi công lực” cho thương hiệu truyền thống
Một trong những hướng đi sắp tới mà Bảo Lân Textiles sẽ tập trung, là nghiên cứu tìm cách kết hợp các loại sợi sinh thái đã sản xuất được như Bamboo Biocell với những chất liệu lụa truyền thống lâu đời, mang nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam.
Nỗ lực này nhằm cải tiến, trau chuốt những thương hiệu sẵn có, từ đó tạo ra sức sống mới cho ngành lụa Việt, với kỳ vọng duy trì và lan xa hơn tiếng tăm của các loại lụa truyền thống trước nguy cơ mai một. Cụ thể là Bamboo Lãnh – kết hợp sợi Bamboo Biocell và Lãnh Mỹ A, hay Bamboo Silk - sự phối hòa Bamboo Biocell với tơ lụa từ các làng/ vùng lụa lâu đời, nổi tiếng của Việt Nam.
Bằng cách này, những thước lụa của các làng nghề lâu đời ngoài những tính năng sẵn có đã làm nên tên tuổi, sẽ được thêm vào các tính năng mới như kháng khuẩn, chống nắng, điều hòa nhiệt… nhờ vào sự kết hợp của loại sợi mới.
Một dự án nữa mà Bảo Lân Textiles sẽ giới thiệu trong thời gian tới là Bamboo Denim, hứa hẹn sẽ thay đổi suy nghĩ của người dùng về những trang phục jean – vốn được biết đến là kém thân thiện với môi trường do sử dụng nhiều nước và hóa chất nhuộm trong quá trình sản xuất.
Và “người em” của Ananas cũng đang trong quá trình triển khai, đó là Banana – sợi chuối. Hiện Bảo Lân Textiles đang hợp tác với trường đại học Công Nghiệp TP.HCM và các trang trại hữu cơ để nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm này.
Nói về câu chuyện “bền vững”, Dave Quách thẳn thắn, rằng bền vững là con đường, là lối sống, chứ không phải là đích đến hay một loại chứng nhận. Bảo Lân, hay bất cứ đơn vị nào khác, chỉ có thể dựa vào 17 tiêu chí xác định bền vững do Liên Hợp Quốc công bố, để chọn hướng đi và cách ứng xử “hướng tới bền vững” chứ không thể tự tin nói rằng “tôi bền vững”. Bởi trong một chuỗi sản xuất, mỗi mắt xích chỉ có thể kiểm soát chắc chắn sự bền vững của riêng mình. Nếu muốn toàn chuỗi bền vững, từng mắt xích nhỏ nhất cũng phải đạt đủ các tiêu chí này. Vì vậy, nó phải đến từ sự nỗ lực và đồng lòng cùng hướng tới sự bền vững của cả chuỗi, và nói rộng ra là cả xã hội.
Lối sống xanh đang lên ngôi, nhưng rào cản còn đó. Hiện nay đối với Lãnh Mỹ A được nhuộm bằng trái mặc nưa ở Tân Châu và tương tự đối với các sản phẩm truyền thống nhuộm bằng các loại cây lá “nếu hỏi thân thiện với môi trường không, sinh thái không, thì câu trả lời là có. Nhưng làm sao chứng minh nguồn gốc xuất xứ các loại cây lá trái này, chứng minh rằng chúng “bền vững”? Như vậy thì cũng rất khó lấy được giấy chứng nhận”, Dave Quách nói.
Lần đầu tiên. Lần đầu tiên. Lần đầu tiên. Nếu sáng tạo là không ngừng, thì con đường như Dave Quách đang đi không bao giờ là cuối cùng...