Temu cũng đã lan vào nghị trường của Quốc hội, được đặt lên bàn của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương, Sở Công thương TP.HCM… Và tất nhiên, Temu cũng “đang làm xáo trộn sản xuất trong nước, đặc biệt trong các ngành giày dép và hàng tiêu dùng" - theo lời của ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM.
Vậy Temu là ai, từ đâu đến, phương thức hoạt động ra sao? Nó đem lại được gì và tác động như thế nào cho thị trường sản xuất, tiêu dùng nội địa? Đáng lẽ ra những câu hỏi này cần được trả lời từ sớm; ít nhất là trước khi nó càn quét trên các ứng dụng, sàn thương mại điện tử của người Việt trong suốt cả tháng qua.
Temu thuộc tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo của Trung Quốc với hình thức kinh doanh của nó là kết nối trực tiếp người mua hàng với nhà sản xuất. Tức mua hàng tận xưởng nên dễ dàng thu hút lượng người tiêu dùng chuyên săn lùng sản phẩm giá rẻ. Song Temu chỉ nhận thanh toán thẻ tín dụng hoặc Apple Pay, không chấp nhận tiền mặt. Hiện sàn này giao hàng qua hai đối tác tại Việt Nam là Ninja Van và Best, cùng chính sách đền bù 25.000 đồng nếu giao trễ hẹn.
Vấn đề đặt ra là dù chưa công bố chính thức vào Việt Nam, tức chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công thương của nước sở tại, nhưng người tiêu dùng Việt đã có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Đáng kể, Temu còn tung các gói dịch vụ khuyến mại lên đến 70 - 90% trên các sàn giao dịch.
Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương. Còn theo Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, "mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại".
Vì sao Temu vi phạm cả hai quy định cơ bản này một cách ngang nhiên như đã thấy, nói cách khác là vi phạm các “tiêu chuẩn cộng đồng”, nhưng không bị chặn hay tháo gỡ như cách mà các mạng xã hội vẫn áp dụng với người dùng ở tiêu chí nội dung đăng tải? Thậm chí khi đã làm mưa làm gió suốt 1 tháng trời, thì trên công luận mới thấy cơ quan quản lý lên tiếng là “đang vào cuộc rà soát”, “đang tăng giám sát và làm việc với các bên để đảm bảo các nền tảng tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước"?
Ở đâu cái gọi là trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, nhằm trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam?
Ở đâu việc áp dụng các quy định phòng vệ thương mại, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới theo luật Việt Nam và quốc tế, trong thuế quan và thủ tục hải quan nhằm đảm bảo nền tảng pháp lý để quản lý hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới, bao gồm việc thu thuế công bằng và kiểm soát hàng hóa?
Ở đâu đồng trách nhiệm trong việc cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn vi phạm quyền riêng tư của người dùng Việt Nam, tăng cường quy định về thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân?
Những nội dung nói trên ít nhất cũng đã được Sở Công thương TP.HCM lên tiếng kiến nghị Bộ cấp trên. Song lẽ ra, từ cấp độ “tư lệnh ngành”, Bộ Công thương phải chủ động hơn nữa, nhanh nhạy và có biện pháp can thiệp sớm hơn, mạnh mẽ hơn.
Điều may mắn còn sót lại là, không hẳn trông chờ vào lời kêu gọi hay hiệu quả từ cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, mà thực tế, qua gần 1 tháng trải nghiệm, nhiều người dùng Việt Nam đã nhận ra Temu không thật sự rẻ, đẹp, bền như nó quảng cáo.
Trước hết, về cơ cấu ngành hàng, Temu không có thế mạnh về thời trang như TikTok Shop hay Shopee; cũng không kinh doanh thực phẩm chế biến, vốn là thế mạnh của Shopee hay Sendo với rau củ quả tươi là những nhóm sản phẩm đạt doanh số hàng đầu và đang phát triển khá mạnh ở các gian hàng, thương hiệu nội địa Việt Nam trên nền tảng trong nước.
Temu cũng không có “shop mall”; tức gian hàng chính hãng mà Shopee, Lazada, TikTok Shop đã có hay Tiki với chính sách bán hàng có nguồn gốc rõ ràng.
Nói đúng ra thì Temu chỉ bán hàng không thương hiệu giá rẻ. Ai là người đảm bảo và đứng ra kiểm chứng được chất lượng sản phẩm trên sàn này, sau khi đã phải thanh toán qua tài khoản mà không phải là chỉ thanh toán tiền khi đã nhận và kiểm tra chất lượng sản phẩm?
Các yếu tố như giao hàng, thanh toán và đóng gói của Temu được người mua đánh giá chưa thuyết phục; khá chậm so với sàn nội, mất từ 6 - 7 ngày; quy trình trả đổi khá phức tạp. Đặc biệt, khi không chấp nhận thanh toán tiền mặt thì nhiều khách hàng đã bỏ chốt đơn.
Đó là hầu hết người tiêu dùng thông minh đều kịp nhìn sang cách các nước phản ứng với Temu khi qua các đợt kiểm tra chất lượng hàng hóa giao dịch trên Temu. Như ở Hàn Quốc đã phát hiện mẫu dép từ Temu chứa lượng chì trong đế cao hơn giới hạn cho phép 11 lần. Hay Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng CHOICE (Australia) công bố kết quả kiểm tra 15 món đồ chơi mua ngẫu nhiên trên Temu, với hầu hết tiềm ẩn nguy hiểm từ pin. Rõ ràng, của rẻ không hẳn đều là của ôi, nhưng cần tỉnh táo trước khi chốt đơn.
Và rõ ràng, thực tế không ít người tiêu dùng Việt đã biết cách tự bảo vệ mình; để không phải đợi đến khi ông Thứ trưởng Bộ Công thương “cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ” thì mới giật mình theo!