, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 26/10/2022, 17:00

Trồng loại nấm là dược liệu quý nhưng ít người biết

DIỆU VY
(nongnghiep.vn)
Nấm hầu thủ vừa là thực phẩm bổ dưỡng, vừa là dược liệu quý, hiện đã được nuôi nhân tạo thành công ở Việt Nam nhưng chưa nhiều người biết tới.

Dược liệu quý

Nấm hầu thủ có hình dáng khá giống đầu khỉ (có lẽ chính vì vậy nên loại nấm này còn được gọi là nấm đầu khỉ). Nấm hầu thủ non có màu trắng hay trắng ngà, thịt nấm màu trắng, khi già có màu vàng hoặc vàng sậm, các tua nấm chính là lớp bào tầng, có chiều dài từ 0,5 – 3cm.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh nấm hầu thủ có nhiều tác dụng như: Hiệu quả tốt trong điều trị bệnh Alzheimer; làm chậm quá trình lão hoá và phục hồi các neuron thần kinh; tăng cường hệ miễn dịch; các hợp chất trong nấm có tác dụng điều chỉnh lượng lipid máu và giảm lượng đường trong máu… Đặc biệt, các chất chiết xuất từ nấm hầu thủ có tác dụng giảm thấp nhất tác hại của xạ trị và hoá trị trong điều trị ung thư.

Anh Phạm Văn Giang, chủ cơ sở sản xuất nấm hầu thủ tại Đông Anh (Hà Nội) nuôi trồng thành công loại nấm dược liệu từ năm 2019. Ảnh: Diệu Vy.

Trong tự nhiên, nấm hầu thủ thường mọc trên các thân cây gỗ tán rộng bị mục nát. Hiện nay, loại nấm này đã được nuôi trồng nhân tạo thành công ở nước ta và các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Ngay tại Hà Nội cũng đang có một số cơ sở trồng được nấm hầu thủ. Trong đó có trang trại sản xuất nấm dược liệu của anh Phạm Văn Giang ở huyện Đông Anh, cách trung tâm Thủ đô hơn 20km.

Có mặt tại đây những ngày cuối tháng 10, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy quy mô lò sấy, nhà ươm tơ, nhà nuôi trồng… được đầu tư rất bài bản.

Trực tiếp đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của mình, anh Giang kể: “Cơ sở của chúng tôi đã hoạt động ổn định được 9 năm, chuyên sản xuất các loại nấm dược liệu như nấm linh chi, vân chi… Cách đây 3 năm, có công ty đặt hàng sản xuất nấm hầu thủ, chúng tôi đã tìm hiểu về loại nấm này và nhận thấy đây là loại dược liệu quý, có thể sử dụng trong y học, vì thế nên chúng tôi đã quyết tâm nghiên cứu và tiến hành nuôi trồng”.

Chủ cơ sở nấm dược liệu cho biết: “Thời gian đầu phôi nấm hầu thủ được nhập trực tiếp từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau nhiều lần thử nghiệm nuôi cấy, hiện chúng tôi đã tự nhân giống được loại nấm dược liệu này”.

Với tiềm năng về sản lượng nuôi trồng cùng hương vị thơm ngon và giá trị dược tính quý, nấm hầu thủ sẽ là thực phẩm cung cấp nhiều chất bổ dưỡng và là nguồn dược liệu có giá trị cho y học. Tương lai còn hứa hẹn việc xuất khẩu nấm hầu thủ, mang lại nguồn lợi rất lớn. Ảnh: Diệu Vy.

Anh Giang cũng cho biết, theo y học cổ truyền, nấm hầu thủ được coi là một dược liệu, thường được sử dụng ở dạng khô, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác.

Ngày nay, y học hiện đại đã sử dụng nấm hầu thủ một cách rộng rãi để điều trị các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như rối loạn đường ruột, chán ăn, viêm loét và đau dạ dày, hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, người dùng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi sử dụng loại thảo dược này.

Hiện nay, nấm hầu thủ đã được nuôi trồng và sản xuất thử nghiệm ở một số nơi tại Việt Nam, cho kết quả rất khả quan về năng suất cũng như chất lượng. Tuy nhiên, nấm hầu thủ vẫn còn khá xa lạ với nhiều người dân nên việc nuôi trồng vẫn còn nhỏ lẻ, sản lượng còn ít, chủ yếu phục vụ bào chế dược phẩm. Đặc biệt, việc nuôi trồng loại nấm này phải trong điều kiện mát mẻ nên đòi hỏi cần có sự hướng dẫn từ các nhà chuyên môn hoặc những người có kinh nghiệm thì nông dân mới tiếp cận được công nghệ.

Yêu cầu cao về kỹ thuật

“Nấm hầu thủ là sản phẩm mới, chưa nhiều người biết đến, nhưng vẫn có hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, những người không có kinh nghiệm làm loại nấm này sẽ rất dễ thất bại vì chi phí đầu tư ban đầu cao, kỹ thuật chăm sóc cần sự tỉ mỉ…”, chủ cơ sở nấm dược liệu lưu ý.

Cụ thể, về kỹ thuật, trồng nấm hầu thủ khác so với các loại nấm khác. Nấm hầu thủ muốn bán được thì bà con phải tìm được đầu ra cho nấm khô vì nấm tươi gần như không bán được. Để có 1kg nấm hầu thủ khô thành phẩm phải mất tới 10kg nấm tươi.

Sau khi để nguội, các bịch giá thể sẽ được đưa vào phòng vô trùng cấy phôi. Các giá thể nuôi trồng nấm được cấy trong phòng vô trùng, mỗi phôi thu được 3 lứa nấm. Ảnh: Diệu Vy.

“Cách chăm sóc khá là khó, thừa nước là thối vì đặc thù loại nấm này không ưa nước, nhưng thiếu nước thì cũng khô hỏng hết... Chính vì vậy, thời gian đầu, chúng tôi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, anh Giang nói.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc nấm hầu thủ, anh Giang cho biết: Mỗi bịch giá thể được trộn cám ngô, cám gạo, mùn bồ đề theo tỷ lệ kết hợp độ ẩm khoảng 65%. Sau đó, các bịch giá thể được hấp nhiệt độ cao với thời gian lên tới 10 tiếng nhằm tiệt trùng, đảm bảo môi trường phát triển của nấm.

Kết thúc quá trình cấy phôi, các bịch giá thể sẽ được đưa vào phòng ươm tơ, thời gian từ 3 - 4 tháng, đến khi đủ điều kiện tiêu chuẩn sẽ được chủ trại nấm đưa ra khu vực nuôi trồng.

Thông thường mất khoảng 100 ngày sẽ thu hoạch được nấm (thời gian thu hoạch còn phụ thuộc vào nhiệt độ, thời tiết). Tính trung bình 1 bịch giá thể sẽ thu được 3 - 4 lạng nấm hầu thủ.

Theo anh Giang, vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên dược tính của nấm hầu thủ được trồng ngoài miền Bắc sẽ đạt hiệu quả cao hơn những nơi nuôi trồng khác. Nếu đun lên uống, người dùng sẽ nhận ra vị đắng, thơm của nấm. Một điểm đáng chú ý khác nữa là đầu tư sản xuất nấm hầu thủ không chỉ có thuận lợi mà còn phải đối mặt với khá nhiều rủi ro.

Với nhiệt độ ở miền Bắc, trung bình sấy 10kg nấm tươi mới được 1kg nấm khô. Bởi thế, giá bán nấm khô trên dưới 1 triệu đồng/kg, trong khi nấm hầu thủ tươi chỉ từ 120 – 200 nghìn đồng/kg. Ảnh: Diệu Vy.

“Chi phí đầu tư ban đầu tại cơ sở của chúng tôi ước tính cũng hơn 1 tỷ đồng, từ nhà cấy phôi, khu ươm tơ, lò sấy, nhà nuôi trồng…. Thế nhưng năm ngoái, lò sấy hỏng đã khiến chúng tôi thiệt hại nhiều. Lò sấy không đủ nhiệt thì khi cấy phôi nấm rồi ươm tơ để nuôi trồng, thành phẩm sẽ hỏng hết bởi môi trường để nấm phát triển không đạt yêu cầu”, anh Giang dẫn chứng từ chính thực tiễn sản xuất tại trang trại của mình.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh Giang đang bán nấm hầu thủ khô cho công ty dược và các cửa hàng thực phẩm chay. Với nhiệt độ ở miền Bắc thì trung bình sấy 10kg nấm tươi mới được 1kg nấm khô. Bởi thế, giá bán nấm khô trên dưới 1 triệu đồng/kg, trong khi nấm hầu thủ tươi chỉ từ 120 – 200 nghìn đồng/kg.

Hiện trên thị trường đã xuất hiện khá nhiều sản phẩm nấm hầu thủ có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo anh Giang, có thể phân biệt nấm hầu thủ ta và nấm Trung Quốc như sau: Quả nấm Trung Quốc nhẵn, không có râu như nấm hầu thủ ta. Nấm hầu thủ ta loại khô thì giòn, để ra ngoài sẽ ỉu rất nhanh vì hút ẩm, còn nấm hầu thủ Trung Quốc để ở môi trường bên ngoài không bị ỉu.

Mặc dù giá trị cao, nhưng anh Giang cũng lưu ý nhiều rủi ro, cần kỹ thuật tỉ mỉ và đầu tư lớn khi trồng nấm hầu thủ. Ảnh: Diệu Vy.

“Nấm hầu thủ Trung Quốc thường sấy khô nguyên quả. Còn nấm hầu thủ của ta phải cắt lát hoặc xé tay để sấy nhằm đảm bảo giảm tối đa lượng nước trong nấm. Nếu không cắt hoặc xé ra sấy thì khi sấy nguyên quả rất dễ khô ngoài ướt trong, không triệt tiêu được hết nước”, anh Giang phân tích.

Nhắc đến nấm dược liệu, đa số người dân hiện vẫn chỉ biết đến những loại phổ biến như linh chi, vân chi, đông trùng hạ thảo…, ít người biết đến nấm đầu khỉ. Đây cũng chính là lý do đầu ra sản phẩm nấm hầu thủ còn hẹp.

Liên quan tới câu chuyện này, anh Giang tâm sự: “Có lần tôi mang nấm tươi ra chợ bán, mọi người ai cũng hỏi vì thấy hình thù nấm này lạ quá, nhưng cuối cùng vẫn chẳng ai mua. Nấm hầu thủ vẫn chưa tiếp cận được với người tiêu dùng, mặc dù loại dược liệu này có hiệu quả cao đối với sức khoẻ con người. Tôi mong muốn tương lai sẽ sớm hoàn thiện các giấy tờ thủ tục để đăng ký sản phẩm OCOP, từ đó đưa sản phẩm nấm dược liệu quý tiếp cận được với người tiêu dùng nhiều hơn”.

“Nấm hầu thủ đang là sản phẩm chủ lực của chúng tôi vì lợi nhuận cao hơn nấm linh chi gấp 1,5 lần. Doanh thu từ 800m2 trồng nấm hầu thủ mỗi năm trung bình được hơn 300 triệu đồng. Sau này, chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất nấm hầu thủ”, anh Giang cho biết.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất