, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 01/06/2022, 13:19

Trúng đất

PHẠM VĂN HOANH
Bà Hai bưng mâm cơm lên bàn, miệng lẩm bẩm: "Mẹ cha nó! Đất ông bà mà nó hưởng". Đặt mâm cơm xuống bàn, bà lại gọi trống không: "Vô ăn cơm"!

Ông Hai đang nhổ cỏ ngoài vườn nghe tiếng gọi liền đứng dậy đi vào nhà. Ông quen với cách gọi của bà Hai rồi, nên làm thinh đi rửa tay, rửa mặt rồi ngồi vào bàn ăn cơm. Vừa bưng chén cơm lên và, bà Hai hỏi:

- Vợ chồng thằng Ba nó nhận tiền đền bù đất của ông bà bốn tỷ bạc, ông có biết không?

- Biết chứ sao không. Cũng mừng cho chú nó. Mấy năm nay chú nó khổ quá. Phần thì lo cho cha mẹ già. Phần thì lo cho hai đứa con đang học đại học...

- Ông hồi nào cũng nghĩ bao đồng. Chứ mình không có con học đại học à! Tiền đó là tiền đất của ông bà. Chiều nay ông phải qua đòi chia hai cho được. Không được thì không yên với tôi.

- Bà có còn là con người không? Ngày trước đã hứa rồi, bây giờ đòi chia. Bà không biết xấu hổ à?

Bà Hai nổi cơn tam bành:

- Ông thì hồi nào cũng xấu với hổ. Không có tiền mới xấu hổ.

Ông Hai khuyên:

- Tiền bạc chỉ là tiền bạc. Bà đừng vì nó mà đánh mất tình nghĩa.

Bà Hai gắt gỏng:

- Không có tiền lấy gì cha con ông sống?

- Nho nhỏ thôi kẻo hàng xóm người ta cười cho!

- Cười cái đầu ông. Ông có qua bên đó không? Không đi thì tôi đi. Đừng có lôi thôi!

- Bà đi cũng không được gì đâu. Cái gì nó cũng có giá hết bà ơi! “Nhân tham tiền chi tử. Điểu tham thực chi vong”. Con người tham lam tiền bạc bất chính cũng sẽ chết như con chim tham miếng mồi câu nhử, bà hiểu không?

- Tiền đó là của ông bà. Sao lại bất chính. Tôi có ăn cắp đâu.

- Tiền của em mà bà đòi lấy không phải bất chinh hả?

- Ông đừng có kỳ đà cản mũi!

Bà Hai bỏ đũa đứng dậy. Ông Hai tặc lưỡi, rồi ông cũng bỏ đũa đứng dậy đi ra đường.

Lần nào cũng vậy, hễ bà Hai chửi là ông bỏ đi. Ông đi một cách vô định cho khuây khỏa. Vậy mà lần này lại không khuây khỏa nổi. Đã bao nhiêu năm rồi, cứ nghĩ “cơm sôi bớt lửa"", ông cố gắng chịu đựng tính khí ngược ngạo của bà. Nhưng ông càng làm thinh, bà Hai lại càng lấn lướt. Việc trong gia đình, bà đều giành quyền định đoạt. Mà bà định đoạt thiển cận nên đa số thất bại. Thất bại lần này là lớn nhất! 

Ông lầm lũi bước đi. Càng đi ông càng nghĩ. Càng nghĩ ông lại càng buồn. Ông nhớ câu chuyện cách đây năm năm. Vốn là gia đình bên ông có mấy đám ruộng của ông bà để lại. Ngày xưa nó phì nhiêu lắm, trồng cây gì cũng đạt năng suất cao. Nhưng từ ngày có cái nhà máy hóa chất, mấy đám ruộng này trồng cây gì cũng chết, đành phải bỏ hoang. Ruộng của bà con quanh đây cũng đều bỏ hoang như vậy.

Mọi người đã khiếu nại về việc xả thải của nhà máy hóa chất, chính quyền đã buộc nhà máy phải xử lý nguồn nước trước khi xả. Nhưng cũng chỉ được vài năm, rồi nguồn nước cũng bị ô nhiễm trở lại. Cơ quan chức năng đã phạt nhiều lần, sau đó buộc nhà máy hóa chất phải đóng cửa. Nhưng tình trạng đất thoái hóa thì vẫn không khắc phục được. 

Lần đó, cha của ông đã họp đại gia đình để bàn về việc đất đai. Cha nói:

- Mấy đám ruộng hoang nhà mình tuy không canh tác được nữa, nhưng có bán đi thì cũng không ai dại gì mua! Thôi thì cha tính mình giữ đó, biết đâu mai mốt có nhà máy nào đầu tư mở rộng, họ mua đất của mình thì sao. Khi đó không chừng mấy đám ruộng đó sẽ có giá. Nay cha muốn bàn với các con, tính coi nên chia đôi hay giao hết cho vợ chồng anh Hai, để vợ chồng anh Hai lo hương khói cho ông bà!

Ông nhìn vợ chồng thằng em, hỏi:

- Sao, vợ chồng chú thím có đồng ý giao cho anh không?

Vợ chồng nó chưa kịp trả lời, vợ ông liền xen vào:

- Không. Không lấy đâu. Thôi để cho chú thím!

Cha ông bảo:

- Vợ chồng thằng Hai không lấy hết thì lấy một nửa. Hương khói ông bà, hai anh em lo chung cũng được.

Vợ ông từ chối:

- Không, con không nhận.

Cha ông nhìn vợ chồng chú Ba, hỏi:

- Vợ chồng con thế nào?

Vợ chú Ba nửa đùa, nửa thật:

- Dạ con thì sao cũng được. Chỉ sợ mai mốt miếng đất có giá, anh chị Hai lại đòi chia...

Vợ ông nói:

- Nếu được vậy thì chú thím hưởng, có thơm thảo thì cho anh chị Hai ít đồng ăn cá cho vui.

Chú Ba cười:

- Là chị nói đó nghen. Nhưng mà chuyện đất lên giá là chuyện đẩu chuyện đâu, nói trước cũng làm gì. Trước mắt là hương khói ông bà, chăm sóc sức khỏe cha mẹ già, mong anh chị ghé vai với vợ chồng em...

Chú Ba nói chưa hết câu, vợ ông liền cắt ngang:

- Cả mẫu ruộng để cho vợ chồng chú rồi mà còn bắt anh chị ghé vai là sao? 

Ông bảo vợ:

- Đám ruộng đó cho cũng không ai lấy mà bà tính làm gì!

- Sao không ai lấy? - Bà lườm ông.

- Thì bà chứ ai!

- Tại không trồng gì được nên tôi mới không lấy!

Cha ông bảo:

- Thôi, không cãi nữa! Cha tính vầy, ruộng đó giao cho thằng Ba, hương khói ông bà giao vợ chồng nó lo. Còn việc cha mẹ để cha mẹ tự lo. Cha chỉ mong hai anh em hòa thuận là cha vui rồi. Bây giờ cha sẽ viết di chúc, sau này vợ chồng thằng Hai không được khiếu nại nghe chưa!

Vợ ông nói:

- Cha cần gì viết di chúc! Chú thím Ba lo hương khói ông bà thì quyền sở hữu mấy đám ruộng thuộc về chú thím, vợ chồng con giành chi.

Mẹ ông bảo:

- Lời nói gió bay, cứ viết di chúc để sau này anh em khỏi cãi qua cãi lại. Bây giờ mình còn minh mẫn cứ lo liệu cho rõ ràng, chứ nhắm mắt xuôi tay rồi ai giải quyết. Ông cứ viết di chúc để cho vợ chồng thằng Ba đi!

Cha ông mang giấy bút ra viết di chúc, xong đọc lại cho cả nhà nghe rồi cùng ký tên vào… Vậy đó, mà giờ cái chuyện đẩu chuyện đâu lại thành sự thật. Ông nghĩ cũng tại ông nhu nhược, nếu như hôm đó ông cứng rắn thì giờ này trong tay ông cũng có hai tỷ bạc.

“Lần này không nhịn nữa, phải cho bả biết tay”! - Ông quay về nhà, nhưng bà Hai đã đi đâu rồi! Ông định đi qua nhà chú Ba, nhưng sợ chú Ba hiểu lầm nên ông lại đi dạo xóm tiếp.

Đang nằm, nghĩ thế nào, bà Hai vùng dậy đi mua hộp sữa Ensure qua thăm cha mẹ chồng.

Bà bước vào nhà thưa:

- Thưa cha mẹ, mấy nay cha mẹ khỏe không?

Mẹ chồng bà nói:

- Cảm ơn con. Cha mẹ bây giờ cũng tỉ như trái mít ướt đang chín trên cây thôi. Thằng Hai đâu mà con đi một mình?

- Dạ, ảnh cảm.

- Nặng hay nhẹ?

- Dạ, nhẹ.

- Mấy cháu khỏe không?

- Dạ, khỏe.

Bà Hai đặt hộp sữa lên bàn thưa:

- Thưa cha mẹ, vợ chồng con biếu cha mẹ hộp sữa, uống cho khỏe.

Mẹ chồng bà bảo:

- Thôi đem về cho mấy cháu uống! Hôm qua thằng Ba mới mua một hộp rồi.

Bà Hai nghĩ chước này không được rồi, nhưng bà vẫn cố gắng kể chuyện vui một hồi rồi bắc qua chuyện đất đai.

Mẹ chồng bà nói:

- Lúc trước giao không chịu. Giờ sổ đỏ của ai người đó nhận tiền đền bù. Nó nghĩ tình cảm thì bù sớt cho vợ chồng bay mấy đồng, không thì thôi chứ đòi hỏi sao được!

Cha chồng bà đằng hắng:

- Năm năm nay mấy đám ruộng đó có thu được gì đâu, mà vợ chồng em con phải gánh vác việc giỗ chạp, xây mấy chục cái mả và lo tiền nằm viện cho cha mẹ. Vợ chồng con có làm vậy được không?

Bà Hai nước mắt lã chã, năn nỉ:

- Dạ con biết, nhưng vợ chồng con cũng khổ quá. Hai đứa nhỏ còn đang học đại học. Vả lại chồng con cũng đau ốm liên miên. Cha nói chú Ba chia cho con.

Mẹ chồng bà bảo:

- Thôi nín đi. Đợi vợ chồng thằng Ba về đã.

Cha chồng bà quyết:

- Không được! Hồi chia không nhận thì bây giờ em nó hưởng. Thôi về đi! Không than khóc gì hết!

Đợi bà Hai ra khỏi nhà, cha chồng bà mới nói với vợ:

- Giận quá tôi nói vậy thôi, chứ chia hai cho chúng nó. Đã viết di chúc rồi, nhưng dù sao thì đứa nào cũng là con mình.

- Tôi cũng nghĩ như ông. Nhưng di chúc đã viết cho vợ chồng thằng Ba rồi, nó cũng làm sổ đỏ luôn rồi. Giờ hỏi lại xem sao, chứ vợ chồng nó không chia cũng chịu.

- Chịu hay không là do mình. Tôi chỉ thấy bực con vợ thằng Hai không biết nhân nghĩa. Năm năm nay nó có mua cho tôi với bà hộp sữa nào đâu, nay nghe đất được bồi thường tiền tỷ nó mới đem hộp sữa qua để xin chia phần.

  • + + +

Về đến nhà bà Hai vật vã trên giường. Bà tiếc bứt gốc tóc, ruột gan rối bời. Bà tru tréo không khác gì con nít. Bà nghĩ bốn tỷ đồng không dễ gì cả đời bà kiếm ra. Một lúc sau bà ngồi dậy đến bên ông Hai, nói:

- Tôi nghĩ rồi, phải viết đơn khiếu nại!

- Khiếu nại cái gì! Để sáng mai tôi qua gặp vợ chồng chú Ba. Chú nghĩ thương mấy đứa cháu, cho được đồng nào hay đồng nấy.

- Tôi phải kiện cho được.

- Bà lấy lý gì mà kiện. Di chúc bà ký rồi. Sổ đỏ chú nó làm rồi.

- Vợ chồng nó nhận lâu hoắc rồi mà có cho mấy đứa nhỏ nhà mình đồng nào ăn bánh đâu. Đúng là đồ tham lam. Tôi không chịu thua.

- Bà xét lại lương tâm mình đi. Tôi hỏi bà giả sử hôm đó bà nhận đám ruộng, bây giờ nhận tiền đền bù bà có chia cho chú nó không? Bà suy nghĩ đi! Tôi đi ngủ thôi.

Ông Hai nói đi ngủ, kỳ thật là ông nằm gác tay lên trán suy nghĩ. Một bên là vợ, một bên là em ruột. Ông phải làm sao đây! Ở xóm này cũng vì tiền đền bù đất đai mà biết bao anh em đánh nhau u đầu lỗ trán, kiện tụng liên miên.

Càng nghĩ càng bực, ông Hai to tiếng:

- Cũng bà chứ ai! Hồi đó chia hai thì bà nhất định không chịu nhận. Tôi biết mà! Bà sợ phải lo tiền giỗ chạp, xây mồ mả, lo tiền thuốc men cha mẹ gìà...  Hôm mẹ nằm bệnh viện, bà không lên ở với mẹ được đêm nào. Bà phó mặc cho vợ chú Ba.

Ông Hai chợt rớt nước mắt:

- Người ta nói “Thương chồng tưởng đến mụ gia, chứ tôi với mụ có bà con chi”. Bà đâu có thương tôi…. 

- Tôi không thương ông, chẳng lẽ thương ông hàng xóm!

- Thương? Thương mà bà có nghĩ đến cha mẹ tôi đâu? Bà có chịu đóng góp tiền xây mả, lo giỗ chạp đâu? Bà thấy chú Ba không, nó không có tiền phải đi vay mượn mà vẫn đứng ra xây mấy chục cái mả. Tôi làm anh mà không có mấy đồng đóng góp vào. Vậy mà bữa khánh thành vợ chồng chú Ba còn nói với bà con là tiền hai anh em đóng góp. Nghe nói mà tôi buồn thúi ruột. Chú thím nó còn giữ thể diện cho tôi, mà bà thì không biết gì hết, ở đó đòi kiện thưa! Bà làm như vậy là thất đức lắm biết không? Bà nghe người ta nói con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ không?…

Bà Hai ngồi khóc. Hồi đó bà nghĩ cái nhà này một năm không biết bao nhiêu cái giỗ, cái giỗ nào cũng lớn. Bà không nhận đất thì khỏi lo giỗ chạp cho khỏe thân, cũng khỏi ớn chuyện nuôi cha mẹ chồng già yếu, bệnh tật. Vả lại lúc đó bà nghĩ không dễ gì miếng được đền bù, mà có chăng nữa thì cũng không mấy đồng. Ai mà ngờ bây giờ có công ty nước ngoài vô đầu tư lớn đến vậy.

Ông Hai thở dài:

- Mình thương nhau thì mới lấy nhau, nhưng mà từ ngày về sống với tôi, bà làm cho bà con, anh em, bè bạn cứ mỗi ngày một xa lánh tôi. Bà biết tôi buồn cỡ nào không? Bà thấy vợ chú Ba không? Thím ăn nói dịu dàng, biết hiếu đạo, nên chú Ba được người ta nể phục. Còn bà, bà hành hạ tôi như thế chưa đủ sao?

+ + +

Xã thông báo hồ sơ đền bù đất đã hoàn tất, nhưng phải vài tháng nữa mới có tiền. Vợ chồng chú Ba không nôn nóng gì, vẫn làm lụng bình thường, vẫn cười hiền lành, chân chất khi có người chào “ông tỷ phú”.

Còn vợ chồng ông Hai thì ngày nào cũng căng như dây đờn. Buồn quá, ông Hai đi Sài Gòn thăm con cho khây khỏa. Bà Hai thui thủi một mình, mất ăn mất ngủ liên miên, lại phát sinh tật hay lầm bầm nói một mình. Căn nhà vắng lặng, buồn tênh như nhà hoang…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất