, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 21/09/2021, 14:45

Bảo tồn hệ sinh thái vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu

ĐẶNG TUẤN

Khu vực cửa sông Ô Lâu là vùng có nhiều cồn nổi, lạch sông nằm giáp ranh 2 huyện Quảng Điền – Phong Điền trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đây là nơi có hệ sinh thái phong phú, từng là nơi trú ngụ của nhiều loài chim bản địa và các loài chim di cư quý hiếm.

Tổng thể khu bảo vệ Tràm Chim cửa sông Ô Lâu.

 

Theo Viện Sinh học và Môi trường Đông Dương, khu vực đầm phá Tam Giang từng là nơi có mức độ đa dạng sinh học, đặc biệt với các loài cá, thủy sinh và chim nước. Trong đó, vùng cửa sông Ô Lâu là một phần quan trọng của khu vực này bởi đây là nơi dừng chân, trú đông của hàng vạn cá thể chim nước di cư dọc tuyến Đông Á - Úc châu (Sẻ đồng ngực vàng, Choắt chân màng lớn). Trong số 72 loài chim được ghi nhận, có 8 loài chim quý hiếm, có giá trị bảo tồn gồm 1 loài ghi nhận trong Danh lục đỏ IUCN là Chích đầu nhọn mày trắng và 7 loài ghi nhận trong công ước CITES và Nghị định 06/2019 của Chính phủ: Diều trắng, Ó cá, Diều ăn ong, Ưng Nhật Bản, Diều Ấn Độ, Diều đầu trắng và Cắt lớn. Trong tổng số 48 loài cá thuộc 8 bộ 21 họ đã được ghi nhận, có 1 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN (2020) và 03 loài trong Sách đỏ Việt Nam (2007) là Cá mòi đường, Cá chuối hoa và Cá má vàng.

Mô hình tổng thể khu bảo vệ Tràm Chim cửa sông Ô Lâu.

 

Báo động đỏ

Hiện nay, sự suy giảm số lượng các loài động thực vật ở khu vực này diễn ra rất nhanh chóng. Theo Viện Sinh học và Môi trường Đông Dương, từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhóm cá có giá trị kinh tế cao như Cá dày, Cá tráp, Cá mòi mõm tròn, Cá chình hoa, Cá bống thệ, Cá đối đất, Cá dìa chấm trắng, Cá khoai… suy giảm nghiêm trọng. Thay vào đó là sự gia tăng của nhóm cá tạp, ít có giá trị kinh tế như Cá liệt, Cá ngạnh, Cá úc… Nhiều loài bò sát quý hiếm có trong Sách đỏ được đánh dấu ở mức độ nguy cấp cần bảo tồn như: Rắn ráo, Rắn cạp nong, Rắn hổ mang một mắt kính, Nhông Cát-ri-vơ, Rắn sọc dưa…

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, biến đổi khí hậu cùng với việc người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản thiếu kiểm soát như khai thác tận diệt bằng lừ mắt lưới nhỏ, cào hến, cào lươn, rà điện, săn bắt chim bằng súng, lưới mở… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: “Hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông Ô Lâu có vai trò quan trọng trong việc thanh lọc ô nhiễm, hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương, bảo vệ cơ sở hạ tầng cho khu vực lân cận. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cần có những hành động đúng đắn hơn để làm đa dạng sinh học cho hệ đầm phá với nhiều tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá này”.

Cần một chiến lược bảo tồn

Tháng 06/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, hệ thống đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là sự kiện quan trọng giúp Thừa Thiên - Huế có thể huy động nhiều nguồn lực để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Trên cơ sở này, đến tháng 08/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt dự án “Phục hồi, tạo sinh cảnh, thiết lập khu bảo vệ Tràm chim Ô Lâu và mô hình du lịch sinh thái cộng đồng” với mục tiêu phát triển bền vững giá trị về đa dạng sinh học tại vùng cửa sông Ô Lâu nói riêng và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai nói chung.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, kinh phí thực hiện dự án này khoảng hơn 16 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” (FMCR) kết hợp vốn đầu tư của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), vốn viện trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Kế hoạch thực hiện dự án này bắt đầu từ 2021 đến 2025.

Khu bảo vệ Tràm chim Ô Lâu được đề xuất có tổng diện tích 1.270,2ha bao gồm toàn bộ diện tích phân khu Ô Lâu thuộc khu Bảo tồn tài nguyên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, với phạm vi bảo tồn nằm trên địa giới hành chính của năm xã: Quảng Thái, Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), Điền Lộc, Điền Hoà, Điền Hải (huyện Phong Điền). Trong đó, được chia thành các phân khu chức năng gồm: khu vực bảo vệ - bảo tồn nghiêm ngặt, khu vực phục hồi sinh thái và khu vực hành chính - dịch vụ.

Theo khảo sát của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, khu vực cửa sông Ô Lâu hiện tồn tại 3 loại sinh cảnh chính, bao gồm: đất nông nghiệp (lúa nước) tập trung tại vùng đệm; rừng trồng (tràm hoa vàng, bần chua, mưng) chủ yếu tập trung trong vùng lõi; vùng cỏ lác và cây bụi nằm rải rác trên các cồn nổi và dọc sông Ô Lâu. Việc phục hồi các sinh cảnh, hệ sinh thái đã từng tồn tại trong khu vực trước khi tạo các sinh cảnh mới là điều rất quan trọng. Liên quan đến việc này, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng bước thực hiện việc trồng 40ha rừng (chủ yếu là bần chua và dừa nước theo kế hoạch năm 2021) để tạo các sinh cảnh bán hoang dã làm nơi trú ngụ, nghỉ chân cho các loài chim di cư. Trong thời gian đó, dự kiến 3,5ha mặt nước cũng sẽ được trồng sen phủ kín, 10ha cỏ lác trồng dọc hai bờ sông Ô Lâu và 1 ha lục bình cũng được khoanh vùng để tạo vành đai… Ở khu vực đệm, đồng ruộng sẽ thực hiện canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ để giảm tác động đến môi trường. Việc trồng rừng ngập mặn tạo điểm nhấn cảnh quan và làm bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy hải sản cũng sẽ được chú trọng.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản cửa sông Ô Lâu - hệ sinh thái cửa sông Ô Lâu. Ảnh: Chi cục Bảo vệ Môi trường Tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên - Huế cho biết, bên cạnh việc phục hồi cảnh quan, các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được tỉnh tổ chức thường xuyên như thả cá giống, tạo môi trường phù hợp để sinh vật làm thức ăn cho chim sinh sôi và có phương án thu hút các loài chim bản địa cũng như chim di cư trở về cư ngụ.

Việc bảo tồn vùng ngập mặn cửa sông Ô Lâu không chỉ góp phần vào việc điều hòa khí hậu, bảo vệ vùng đất ven biển, đầm phá, giúp tích lũy phù sa, tạo điều kiện phát triển kinh tế cũng như nâng cao ý thức cho người dân địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Qua đó phát triển kinh tế xanh, kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương tham gia mô hình sinh kế gắn với bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất