, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/09/2022, 19:30

Bộ Gu trong tâm linh của người Cor

HỒNG LÂM
Cùng với cây nêu, bộ Gu của người Cor có giá trị thẩm mỹ cao, là tác phẩm trang trí sáng giá miêu tả sinh động thiên nhiên, đời sống cộng đồng.
Gu tròn (Gu bla) treo trong nhà dài.

Người Cor (còn có tên gọi Co, Trầu, Cùa) sinh sống chủ yếu ở các huyện Trà Bồng, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, và một số huyện của tỉnh Kon Tum, Quảng Nam. Cũng như đồng bào các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn, tộc người Cor cũng có riêng một nền văn hóa truyền thống lâu đời với những lễ hội đặc sắc, đặc biệt là lễ hội ăn trâu (xa ố kpiêu). 

Lễ hội ăn trâu là lễ lớn của người Cor, hội tụ và phô bày bản sắc dân tộc một cách rõ ràng, đậm nét và hết sức phong phú. Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng cuối năm đến đầu năm sau, sau lễ giã rạ, khi mọi việc thu hoạch đã xong xuôi. Khi cuộc sống khấm khá, được mùa, có của ăn của để hay khi bị đau ốm, dịch bệnh mà khấn nguyện thần ứng nghiệm cho tai qua nạn khỏi, khi trong làng có việc phải chuyển làng, khi ăn mừng nhà mới, người Cor thường tổ chức lễ hội ăn trâu.

Trong lễ hội, ngoài việc dựng nêu, người Cor còn tạo tác bộ Gu. Gu là “ngôn ngữ riêng” trong tín ngưỡng Cor, là tác phẩm trang trí làm đẹp cho sân nhà và trong ngôi nhà dài, là trung tâm thể hiện các nghi lễ trong lễ hội ăn trâu.

Nếu như nêu là bái vật cúng ngoài trời thì Gu là bái vật cúng trong nhà. Để chuẩn bị bộ Gu (có 4 cái, gồm: Gu bla (thường được gọi là Gu tròn) treo ở giữa nhà; Gu mók a-tứl (dẹt, một mặt) treo ở bên trong vách, phía trên khung cửa ra vào; Gu mók tum treo trên cửa ra vào bếp (đều xây mặt vào giữa nhà, tức chỗ gu bla) và Gu tum treo trên bếp) mất nhiều thời gian, công sức. 

Nếu cây nêu ngoài trời được làm bằng gỗ chò chỉ và nhiều loại vật liệu khác, thì Gu chủ yếu làm bằng cây pút (loại cây gỗ mềm để dễ tạo hình, khắc vạch). Gu dùng nghệ thuật khắc bằng da trên nền màu đen. Ngoài màu đen làm nền, lấy từ muội khói và cây rau lang, trên Gu người ta chỉ dùng hai màu khác để làm nổi rõ hoa văn là màu đỏ gạch lấy từ củ nghệ và hạt cau, màu trắng từ vôi. Gu là vật có kích thước ngắn hơn nhiều so với nêu, nhưng để làm ra gu khá kỳ công. 

Trên các tai Gu người ta treo các tua trang trí làm bằng cọng đót (rấc trác) và các tua trắng bằng vỏ cây búp (mul). Để treo Gu, người ta dùng một dàn cây nứa buộc lại thành khung ô vuông bên trên trần nhà, sau đó buộc dây treo Gu. Phía trên Gu bla một chút, người ta treo hình chim đại bàng. Khi cúng, thầy cúng nắm lấy giây giật giật, đầu và đuôi chim cử động như thể đang bay. Gu bla và chim đại bàng là tâm điểm trong nhà, đối với tâm điểm ngoài sân là cây nêu. Mọi lễ thức đều xoay quanh đây và quanh cây nêu.

Gu mók a-tứl dài độ 2m, rộng 20cm, hai đầu tạo khấc tựa như hai đầu của đòn gánh, được sơn vạch màu đỏ. Một khuôn hình chữ nhật được khắc vạch theo khuôn gỗ, bên ngoài và bên trong đều khắc hình răng thú. Bên trong người ta chia thành nhiều ô vuông khắc các hoa văn, họa tiết. Gu mók tum treo trên cửa vào bếp công phu hơn, dài hơn và phong phú hơn nhiều. Chính trên hoa văn này người ta thấy cả một thế giới thực và thế giới tâm linh vô cùng phong phú, óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người Cor. 

Bên cạnh những hoa văn hình học rất khó giải mã, như văn chong chóng, văn hình thoi, hình vuông đồng tâm, văn xương cá… ta còn thấy nhiều hình ảnh thực như hình cây quế, hình cây lúa, cá, heo, beo, voi, hươu, nai, thỏ, mặt trời, mặt trăng, đặc biệt có hình khắc về cảnh lễ hội ăn trâu, cảnh lấy mật ong. Cho dù chỉ được phác họa bằng vài nét, nhưng các hình tả thực vẫn rất giống với thực tế và sinh động.

Ngoài ra, trên Gu này còn có một số hình chắc chắn không phải phát sinh từ văn hoá Cor, như hình “lưỡng long tranh châu” (hai con rồng tranh ngọc), hình chữ vạn 卍… vốn được du nhập từ quá trình giao lưu với văn hóa người Hoa từ xa xưa. 

Tượng chim đại bàng trên Gu bla.

Một cái Gu nữa treo lửng ở bếp là Gu tum, đơn giản gồm bốn tai Gu tròn xây ra bốn phía, cũng được khắc vạch hoa văn. Phần dưới của các Gu đều có diềm tua trang trí bằng những thanh mỏng dẹt, gọi là rấc trép. Trong việc đẽo khắc cũng không thể quên chú khỉ. Bằng một súc gỗ to vừa, người ta khắc hình một chú khỉ với hai tay cầm “con chim” màu đỏ rõ to. 

Theo giải thích của người cao tuổi, khỉ là loài hay phá hoại mùa màng, rất tinh ranh, là hiện thân của ma quỷ, nên làm hình tượng ấy để bêu rếu và ếm ma. Chú khỉ bị buộc chặt ở cây cột trước nhà. Ngoài ra, người ta cũng làm các ống đi lấy nước thiêng bằng nứa, đáy có đốt, miệng có nút hình hoa, có sợi dây đeo bằng mây...

Cùng với nghi thức dựng cây nêu thì nghi thức dựng bộ Gu trong nhà vào mỗi dịp ăn trâu là nét văn hoá đặc sắc, riêng biệt trong đời sống tâm linh; gửi gắm, truyền tải những niềm tin, ý nguyện và mong ước của người Cor. Với ý nghĩa nhân văn cao đẹp và tính độc đáo, riêng biệt, “Nghệ thuật trang trí cây nêu và bộ Gu của người Cor” đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất