, //, :: GTM+7

Doanh nghiệp lúa gạo cần duy trì nguồn cung ổn định trong nước, tránh bị thương lái thao túng

CAO PHONG
(sggp.org.vn)
Nông dân ĐBSCL vui mừng vì bán lúa được giá, nhưng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước đang lo lắng khi giá gạo tiếp tục nằm ở mức cao.

“Lúa Thu Đông vừa thu hoạch xong, thương lái mua tại ruộng với giá 9.000 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên tôi bán lúa được giá cao như thế”, nông dân Lê Thế Hùng, ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết.

Theo ông Hùng, với giá bán lúa như thế, ông đạt lợi nhuận trên 50% (giá thành sản xuất dao động mức 4.000 đồng/kg).

Hiện tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch 25.000/27.000ha lúa Thu Đông, năng suất đạt gần 6 tấn/ha. Toàn vùng ĐBSCL thu hoạch 350.000/686.000ha lúa Thu Đông (vụ 3). Cùng thời điểm này, nông dân ĐBSCL xuống giống 204.000ha/1,4 triệu ha lúa Đông Xuân. Nhiều vùng ven biển chịu ảnh hưởng hạn mặn, đang tranh thủ xuống lúa Đông Xuân, hy vọng né hạn mặn cuối vụ vào mùa khô năm 2024.

Nông dân thu hoạch lúa bán cho thương lái tại ruộng
Nông dân thu hoạch lúa bán cho thương lái tại ruộng.

Theo ghi nhận, mặt bằng giá lúa ở ĐBSCL đang ở mức cao nhất từ trước đến nay: Từ 8.800 đồng – 9.800 đồng/kg (tùy theo loại).

“Xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục tạo dấu ấn. Mới 10 tháng năm 2023 mà Việt Nam đã xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo. Hết năm 2023, khả năng xuất khẩu gạo đạt 8 triệu tấn gạo, thu khoảng 4,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến giờ. Đây là năm thắng lợi của xuất khẩu gạo Việt Nam”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết.

Nói như nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL, năm 2023 là năm lúa hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng phải “giải cứu”. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, ĐBSCL sản xuất trên 3,8 triệu ha, tăng 13.180ha; sản lượng đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022.

Sản phẩm gạo Cơm ViệtNam Rice bán tại siêu thị Pháp
Sản phẩm gạo Cơm ViệtNam Rice bán tại siêu thị Pháp.

Theo Hiệp Hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở mức cao, với 653 USD/tấn (gạo 5% tấm).

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA cho rằng: “Giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế” và phân tích, khi giá cao, khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng tương đương với gạo Việt Nam, như Thái Lan, dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm (DT8, OM 5451…) vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh với giá gạo thơm Việt Nam.

Dự báo thị trường gạo xuất khẩu trong năm 2024, ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng Công ty CP Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agro Monitor), cho biết khả năng đạt 8 triệu tấn. Tồn kho sẽ rất mỏng do đó các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng, việc ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn.

Hiện, giá gạo ĐBSCL đang tăng thêm 2.000 đồng/kg, đạt mức 18.000 đồng - 20.000 đồng/kg, so với cách đây 2 tháng. Nhiều chuyên gia lúa gạo cho rằng, các doanh nghiệp không nên dồn sức vào thị trường xuất khẩu gạo, mà giai đoạn “giáp mùa” hiện nay, thận trọng trong xuất khẩu gạo là cần thiết.

Nhưng điều cần hơn lúc này là, các doanh nghiệp ngành lúa gạo duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường nội địa, bình ổn giá gạo, tránh tình trạng thương lái thao túng giá gạo.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất