
Chia sẻ trên Twitter, Bộ trưởng Bộ Môi trường Jose Davalos cho biết: “Cuộc thám hiểm khoa học nước sâu đã phát hiện thấy rạn san hô hoàn toàn nguyên sơ đầu tiên, dài khoảng 2km, ở độ sâu 400m, trên đỉnh của một ngọn núi ngầm. Quần đảo Galapagos lại làm chúng ta ngạc nhiên!".
Các nhà khoa học từng tin rằng rạn san hô duy nhất có ở Galapagos tồn tại qua thời tiết El Nino năm 1982 và 1983 là rạn san hô Wellington, dọc theo bờ biển của đảo Darwin. Tuy nhiên, phát hiện mới cho thấy các loài san hô khác vẫn tồn tại, rạn san hô này có hơn 50% san hô đang sống. Bộ Môi trường cho biết trong một tuyên bố.
Ông Stuart Banks – nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Charles Darwin, người tham gia chuyến thám hiểm cho biết: “Phát hiện này là một điều rất quan trọng ở cấp độ toàn cầu vì nhiều hệ thống nước sâu đang xuống cấp. Rạn san hô này có tuổi đời khoảng hơn vài nghìn năm tuổi”.


Quốc gia Nam Mỹ năm ngoái đã mở rộng khu bảo tồn biển Galapagos thêm 60.000km2, sự mở rộng này là một phần nằm trong 138.000km2 hiện có để bảo vệ các loài di cư có nguy cơ tuyệt chủng giữa quần đảo Galapagos và Đảo Cocos ở Costa Rica.
Quần đảo Galapagos là nơi truyền cảm hứng cho thuyết tiến hóa của nhà tự nhiên học Charles Darwin, cũng là nơi sinh sống của rùa khổng lồ, chim hải âu, chim cốc và các loài khác, nhiều loài trong số đó đang bị đe dọa nghiêm trọng.