, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 26/09/2022, 07:50

Khu bảo tồn, điểm đến hấp dẫn mới

CHU KHÔI
Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa bàn giao mô hình sa bàn Du lịch 3D có sự tham gia của cộng đồng cho Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Mô hình sa bàn này là một trong nhiều thành quả mà dự án “Các giải pháp cho các khu bảo tồn” và dự án “Du lịch bền vững và các khu bảo tồn trong thế giới hậu Covid” mang lại. Hai dự án này được Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ bằng nguồn vốn của Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) nhằm hồi phục du lịch sau đại dịch Covid-19 tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn.

Nâng cao hiểu biết bảo tồn cho cộng đồng

Mô hình sa bàn 3D có sự tham gia của cộng đồng (P3DM) tại Vườn quốc gia Cúc Phương có kích thước 3,1m x 2m; được thiết lập theo tỉ lệ 1:10.000 bao gồm vùng lõi của Vườn quốc gia và một phần vùng đệm, với các chiều của khu vực này ước tính khoảng 31km x 20km. Đây là mô hình 3D vườn quốc gia thứ hai ở Việt Nam, sau mô hình của Pù Mát (Nghệ An) được xây dựng năm 2000. Việc xây dựng P3DM giúp thống kê lại và nâng cao sự hiểu biết về tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch trong và xung quanh Vườn quốc gia, thu hút cộng đồng địa phương tham gia phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa vào cộng đồng và bền vững.

Quá trình xây dựng sa bàn P3DM có sự tham gia, hỗ trợ của trường THPT Nho Quan – B và hoạt động tham vấn cộng đồng từ các địa phương có hoạt động du lịch tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Những thông tin thể hiện trên mô hình 3D được trực tiếp thực hiện bởi đại diện 18 thôn bản thuộc 14 xã và một thị trấn của các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa. Đây là những địa phương nằm trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương.

“Thông qua việc tham gia thực hiện sa bàn 3D, người dân lần đầu tiên thấy được bức tranh toàn cảnh về cộng đồng dân cư trong mối tương quan với Vườn quốc gia cũng như những tiềm năng kinh tế và lợi ích to lớn mà Vườn quốc gia có thể mang lại nếu được bảo tồn và sử dụng một cách bền vững”, bà Ulrika Aberg, cán bộ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) – một tổ chức bảo vệ thiên nhiên, nổi tiếng qua việc công bố Sách đỏ hàng năm – nhấn mạnh.

Khẳng định sẽ sử dụng hiệu quả sa bàn 3D, ông Đỗ Văn Lập – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương, cho hay: “Chúng tôi sẽ dùng sa bàn 3D này để giới thiệu cho du khách, các học sinh sinh viên, cộng đồng trên địa bàn biết về các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học của Vườn, thông qua đó nâng cao nhận thức và kêu gọi mọi người cùng nhau gìn giữ bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường của Vườn quốc gia Cúc Phương”.

Bàn giao sa bàn cho Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Chu Khôi.

Theo bà Ulrika Aberg, du lịch tại các Khu bảo tồn là một phần quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu về du lịch bền vững và trải nghiệm dựa vào thiên nhiên ngày càng tăng. Do đó, trong khuôn khổ dự án “Các giải pháp cho các khu bảo tồn” và dự án “Du lịch bền vững và các khu bảo tồn trong thế giới hậu Covid”, IUCN đang phối hợp cùng Quỹ Planeterra làm việc với cộng đồng địa phương và các nhà quản lý khu bảo tồn nhằm thực hiện các hoạt động quản lý công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên; chia sẻ các lợi ích cộng đồng để góp phần đưa du lịch không chỉ trở lại như trước đây mà còn làm tốt hơn cho người dân, động vật hoang dã và hệ sinh thái.

Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa ở Cúc Phương

Đến Vườn Quốc gia Cúc Phương, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ uy nghi của những cây chò ngàn năm tuổi với thân cao lớn, tán xòe rộng phủ bóng cả một vùng, những dây leo khổng lồ chạy dài vắt ngang rừng... Cúc Phương hiện có 135 loài thú, 336 loài chim, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá và gần 2.000 loài côn trùng.

Trong các loài thú ở Cúc Phương, nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm như: báo gấm, báo lửa, gấu ngựa... và nhiều loài đặc hữu như sóc bụng đỏ, các loài linh trưởng như khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, vượn. Đặc biệt, ở Cúc Phương có một loài thú linh trưởng quý hiếm, không còn tồn tại ở trên thế giới, đó là loài voọc mông trắng. 

Ngoài ra, rừng Cúc Phương còn có nhiều hang động đẹp và bí ẩn như: Sơn Cung, Phò Mã Giáng... Đặc biệt, có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử cách nay từ 7.500 đến 12.000 năm, đó là hang Đắng (động người xưa), hang Con Moong. Mỗi địa điểm sẽ giúp du khách có cái nhìn mới hơn về thế giới tự nhiên và nếp sống của tổ tiên ta trước kia. Đi sâu vào trong rừng, du khách sẽ gặp bản người Mường với những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang như nét chấm phá tuyệt vời giữa một khung cảnh núi rừng hoang sơ, lãng mạn...

Nhiều năm qua, Vườn quốc gia Cúc Phương đã luôn nỗ lực trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Theo Ban lãnh đạo Vườn quốc gia Cúc Phương, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa được bảo tồn ấy đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nguyên nhân giúp Cúc Phương đạt danh hiệu “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á” do World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) bình chọn 2 năm liền.

Hiện tại, tổ chức IUCN đang hỗ trợ Vườn quốc gia Cúc Phương hướng tới chứng nhận “Danh lục xanh” với bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn gồm 4 hợp phần: quản trị tốt; thiết kế tốt; lập kế hoạch tốt và quản lý hiệu quả; có các kết quả bảo tồn thành công. Tại Việt Nam, chứng nhận Danh lục xanh đã được cấp cho Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) vào năm 2020.

Vườn Quốc gia Cúc Phương có diện tích 22.408 hecta, có hệ động thực vật phong phú mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây, giúp cho du khách có thể thỏa sức khám phá và trải nghiệm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất