, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/09/2023, 15:16

Vườn quốc gia Cúc Phương lần thứ 5 liên tiếp nhận danh hiệu Vườn quốc gia hàng đầu châu Á

THÙY DUNG
Tối 6/9, tại Lễ trao giải của tổ chức uy tín World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 tại TP.HCM, Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương đã được vinh danh là VQG hàng đầu châu Á năm 2023. Đây là lần thứ 5 liên tiếp (2019, 2020, 2021, 2022 và 2023) VQG Cúc Phương giữ danh hiệu cao quý này.
Lãnh đạo VQG Cúc Phương đón nhận giải thưởng Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023.

Được ví như giải “Oscar của ngành Du lịch”, World Travel Awards là một trong những giải thưởng danh giá trên toàn cầu, tôn vinh các địa điểm du lịch xuất sắc và góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.

Với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời, đa dạng sinh học phong phú và các hoạt động du lịch hấp dẫn, VQG Cúc Phương xứng đáng nhận được danh hiệu VQG hàng đầu châu Á. Sự vinh danh này là minh chứng cho sự cố gắng không ngừng của các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển du lịch bền vững tại VQG Cúc Phương.

Cây cổ thụ trăm tuổi tại VQG Cúc Phương.

Ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết: "Chúng tôi tự hào và biết ơn sự công nhận từ World Travel Awards. Đây là động viên lớn đối với chúng tôi để duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại VQG Cúc Phương. Chúng tôi cam kết tiếp tục bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của VQG Cúc Phương, sánh vai cùng các vườn quốc gia danh giá trong khu vực châu Á".

Mùa bướm ở VQG Cúc Phương.

VQG Cúc Phương liên tiếp nhận giải thưởng VQG hàng đầu châu Á cũng đã khẳng định sức hấp dẫn của du lịch sinh thái - một trong những loại hình du lịch trọng điểm của ngành du lịch Việt Nam. Với sự tự hào và niềm vinh dự, VQG Cúc Phương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích thiên nhiên và mong muốn trải nghiệm văn hóa Việt Nam độc đáo.

VQG Cúc Phương có diện tích 22.408ha, nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa; địa hình chủ yếu là núi đá vôi, độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450m. Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, VQG Cúc Phương là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Một góc VQG Cúc Phương nhìn từ trên cao.

Đặc biệt, nơi đây còn được xem như một bảo tàng thiên nhiên lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử, những tài liệu quan trọng phản ánh cuộc sống của muôn loài cũng như sự biến đổi thăng trầm của lịch sử phát triển địa chất qua các thời kỳ. Đó là các hoá thạch, hài cốt, công cụ… tìm thấy trong các hang động. Các nhà khoa học đã công bố nhiều phát hiện có giá trị đặc biệt, nhất là về cổ sinh học và khảo cổ học tại VQG Cúc Phương. Điển hình, di tích khảo cổ học Hang Con Moong (con thú) thuộc VQG Cúc Phương đang được các cơ quan hữu quan xây dựng hồ sơ để Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận Di sản Văn hoá Thế giới.

VQG Cúc Phương đang triển khai 3 chương trình bảo tồn, gồm: Bảo tồn các loài Linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam; Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và Tê tê; Bảo tồn các loài Rùa nước ngọt và bảo tồn một số loài động vật hoang dã khác (Hươu, nai, các loài trong họ Trĩ, các loài Khỉ…) Hiện Vườn đang cứu hộ, bảo tồn 64 loài với 2.700 cá thể động vật hoang dã.

Các em nhỏ tham gia tái thả động vật về với tự nhiên.

Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, các thành tựu nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, kết quả công tác cứu hộ bảo tồn, giá trị văn hóa cộng đồng bản địa và đội ngũ nhân sự không ngừng được nâng cao trình độ và kỹ năng, Cúc Phương đã tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm.

Tiêu biểu phải kể đến Tour Về Nhà – tham gia tái thả động vật sau cứu hộ, "Thêm xanh cho cánh rừng già" - trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, "Hành Trình Hồi Sinh" - tham gia quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, Bộ Chương trình Giáo dục Trải nghiệm thiên nhiên dành cho học sinh phổ thông các cấp, Trại hè “Lớn lên cùng đại ngàn”…

Tour Về Nhà – tham gia tái thả động vật sau cứu hộ.

Thông qua các sản phẩm du lịch sinh thái, cánh rừng được nhìn nhận như một “bảo tàng sống”, một “ngôi trường” lớn, từ đó, thông điệp nâng cao nhận thức về thiên nhiên được lan toả.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất