, //, :: GTM+7

Lâm Đồng: Thi đua làm giàu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

HOÀNG SA
(baolamdong.vn)

Sau khi “về đích” nông thôn mới, huyện Cát Tiên đã đưa ra những giải pháp nâng cao về “chất” trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở giai đoạn tiếp theo. Trong đó, mỗi địa phương có định hướng phát triển kinh tế riêng tùy vào điều kiện thực tế nhưng đều có chung mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững với quy mô hàng hóa, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến thị trường.

Mô hình nuôi cá trên hồ Đắk Lô giúp ông Nguyễn Hữu Tình, xã Gia Viễn mang về lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm

Huyện Cát Tiên hiện có 3 xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu. Trong đó, xã Quảng Ngãi đăng ký xây dựng NTM nâng cao, xã Đức Phổ và Gia Viễn đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu. Mặc dù, giữa các địa phương có những mục tiêu với các phương thức thực hiện xây dựng NTM khác nhau nhưng đều có được những thành quả nổi bật là: sản xuất ở các địa phương trên đều tăng trưởng nhanh; thu nhập của người dân không ngừng tăng cao.

Xã Quảng Ngãi hiện có 921 ha lúa; trong đó, 707 ha canh tác lúa chất lượng cao, 325 ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; 92 ha trồng dâu nuôi tằm; 75 ha trồng cây ăn trái, trong đó có 34 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi cho biết: Để hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đồng thời khuyến khích các nông hộ tham gia vào các tổ hợp tác và hợp tác xã để có nhiều thuận lợi từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Tại xã Đức Phổ, những năm qua, phong trào cải tạo vườn tạp để xây dựng vườn hộ theo tiêu chí xây dựng NTM được địa phương triển khai khá hiệu quả. Nhiều diện tích vườn đã được người dân tập trung các giải pháp, nguồn lực, đầu tư thâm canh hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của thị trường. Hiện, toàn xã có 380 ha canh tác cây ăn trái, trong đó 185 ha canh tác theo hướng áp dụng công nghệ cao. 

Đặc biệt, nhiều năm nay, mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo được hàng trăm hộ nông dân Đức Phổ thực hiện. Bởi, không chỉ để thoát nghèo mà còn là sinh kế làm giàu của bà con nông dân. 

Điển hình như hộ gia đình ông Mai Anh Đào ở Thôn 1. Với đàn bò lai vỗ béo luôn thường trực trong chuồng từ 6 - 7 con, mỗi lứa bò vỗ béo cứ nuôi xoay vòng từ 4 - 5 tháng là xuất chuồng, đạt lợi nhuận từ 4 -5 triệu đồng/con, mỗi năm ông Đào thu về lợi nhuận trên 90 triệu đồng.

Hiện toàn xã Đức Phổ có tổng đàn bò lên đến gần 1.500 con, chủ yếu là các giống bò lai. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 5 - 7 con, có hộ nuôi đến vài chục con. Bò được nuôi nhốt, không thả rông nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Còn tại xã Gia Viễn, với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, gắn với tiêu chuẩn VietGAP đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp địa phương quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững. Qua đó, giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao, trên cơ sở đó, mở rộng “liên kết 4 nhà” theo hướng “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”. Xã Gia Viễn hiện có 1.874 ha lúa; trong đó, có 1.593 ha sản xuất lúa chất lượng cao, 1.020 ha canh tác ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. 

Đặc biệt, với diện tích mặt nước ao, hồ lớn, những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản được nông dân Gia Viễn phát triển khá mạnh. Điển hình như hộ ông Nguyễn Hữu Tình, từ năm 2016, gia đình ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng làm 40 lồng bè để thả cá lăng, cá diêu hồng trên hồ thủy lợi Đắk Lô. Ông Tình cho biết: “Mỗi tháng, gia đình tôi thu hoạch khoảng trên 10 tấn cá các loại. Vì luôn giải quyết được đầu ra và có mức giá khá cao nên năm 2020, gia đình tôi lãi khoảng 1 tỷ đồng”.

Ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: Trong mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững có quy mô hàng hóa lớn, các xã NTM kiểu mẫu đều tập trung phát triển các vùng chuyên canh, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhằm khuyến khích phát triển, nhân rộng các chuỗi liên kết, nông dân tham gia chuỗi liên kết được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, kỹ thuật trồng... 

UBND huyện Cát Tiên cũng đang tập trung quy hoạch sản xuất theo vùng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất với mục tiêu mở rộng các mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất... Cụ thể, huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng đạt giá trị cao như: vùng sản xuất lúa, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... Hầu hết các xã đều có mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nhờ đó, thu nhập của người dân đã tăng lên rất nhanh so với năm đầu xây dựng NTM.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất