, //, :: GTM+7

Mùa dỡ củ sắn dây

P.VŨ
(phunuonline.com.vn)
Những năm tháng ấu thơ, ở sau nhà tôi có bụi sắn dây lớn, mọc lan ra cả khoảng đất rộng, mỗi lần dỡ củ là hệt như tìm được kho báu.

Mẹ tôi quê gốc Hải Phòng, bà vẫn thường nói rằng không nhiều người ở miền Nam, miền Tây Nam bộ biết về củ sắn dây. Nếu so về độ nổi tiếng thì bột sắn dây vẫn được nhiều người biết đến và sử dụng nhiều hơn. Còn những ai ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An... thì chẳng lạ gì loại củ này.

Chúng được đem làm thành bột trắng tinh, từng viên lộn xộn cỡ đầu ngón tay út, khác hẳn sự mềm mịn của bột mì, bột gạo, bột bắp… Hồi nhỏ nhà nghèo, không có sữa, mỗi lần pha bột sắn dây với đường, mẹ hay bảo chúng tôi là thứ này còn ngon hơn sữa, uống cũng rất mát. Bọn tôi vui vẻ uống loại "sữa" trắng thơm đặc trưng ấy, sau này mới hiểu đó chính là loại thức uống thanh nhiệt thơm ngon nhất mà mẹ luôn dành cho mình.

Mùi của bột sắn dây rất khác, cách dùng cũng rất khác. Tôi vẫn nhớ lời mẹ dặn pha nước như thế nào, khuấy bột ra sao, muốn uống mát thì phải pha nước lạnh, muốn bột chín đặc, trong veo thì khuấy tan bằng thật ít nước lạnh, rồi mới thêm nước nóng vào sau…

Củ sắn dây vỏ dai, màu nâu sáng, nằm sâu trong đất (Ảnh minh họa)
Củ sắn dây vỏ dai, màu nâu sáng, nằm sâu trong đất (Ảnh minh họa).

Nhưng thứ làm nên tuổi thơ của lũ trẻ thôn quê chúng tôi không chỉ có bột sắn dây trắng tinh mà còn là củ của nó. Thứ củ dài, lớn, vỏ dai, màu nâu sáng, nằm sâu trong đất. Rất nhiều năm sau này lớn lên, tôi vẫn nhớ như in những chiều mát, gió thổi mênh mang, bọn trẻ một nhóm toàn anh chị em họ với nhau, hò nhau men theo bờ rào ra bãi đất sau nhà tìm củ sắn dây, phát hiện chỗ nào đất nứt toác, ụ cao lên là mừng như phát hiện ra kho báu.

Không giống như đi dỡ khoai lang, muốn bới được củ sắn dây phải dùng cuốc, thuổng. Mỗi củ cũng phải tầm 1 - 2kg là ít. Có lần chúng tôi còn bới được củ lớn lên tới 4 - 5kg. Mẹ bảo ở những chỗ đất tốt, củ sắn dây có thể nặng tới hơn chục ký, những củ lớn ấy toàn được dùng để làm thành bột. Bây giờ ở những vùng chuyên trồng sắn dây, người ta đắp đất vun thật cao cho tốt củ, từ đó việc thu hoạch cũng dễ hơn nhiều.

Người lớn thích bột sắn dây, bởi để được lâu và cất đi rất tiện dùng vào những ngày oi nóng, có tác dụng trị say nắng. Nhưng với bọn trẻ con chúng tôi, niềm vui là khi đem củ sắn dây đi luộc. Phải nhờ bố lấy một cái thớt lớn, một con dao to để chia sắn dây thành từng khúc cỡ nắm tay. Rồi miếng lớn được xếp xuống đáy nồi, miếng nhỏ ở trên, cho thêm chút muối. Nồi sắn dây sôi một lúc lâu, khi củ chín thì phải vớt ra hết kẻo bị nhạt. Lúc này củ nào củ nấy thơm lừng, một mùi hương không giống bất cứ loại củ nào trên đời.

Củ sắn dây nhiều xơ nên người lớn ít thích ăn, chỉ có tụi con nít chúng tôi là mê mẩn cảm giác ngồi thưởng thức từng miếng trong những trưa oi ả. Củ nào đúng mùa là rất thơm, ngọt và nhiều bột. Củ nào để quá từ mùa trước sót lại là sẽ bị sượng. Thường dỡ củ sắn dây tốt nhất là vào dịp gần hè, nếu để mưa xuống là củ cũng nhạt, phần thịt củ cũng dễ hỏng, không còn ngon nữa.

Từng khoanh củ sắn dây đã chín thơm, làm nên ký ức tuổi thơ
Từng khoanh củ sắn dây đã chín thơm, làm nên ký ức tuổi thơ.

Ở thành phố, rất ít người buôn bán củ sắn dây, mà chủ yếu họ bán bột. Một phần vì loại củ này cồng kềnh, vận chuyển cũng khó hơn, phần khác vì sắn dây mới dỡ muốn ngon phải luộc ngay, chỉ cần để qua 1 - 2 ngày là hương vị đã giảm đi nhiều lắm, cảm giác củ cũng già hơn, dai và xơ hơn. Thế nên ai buôn bán loại củ này thường muốn vận chuyển luôn trong ngày, để khi khách nhận được là luộc ngay, nhằm giữ được cái ngon nguyên bản nhất.

Ở quê, củ sắn dây rất rẻ, nhưng vào thành thị lại là món quà quê khó lùng mua được. Mỗi ký cũng 70 - 80 ngàn đồng. Người bán thì ít, người chưa từng ăn thì thấy lạ lạ, không biết nó có giống hương vị bột sắn dây trắng tinh như sữa kia không.

Kỳ thực, tất cả những ai đã ăn qua đều biết, sắn dây dạng bột và khi còn nguyên củ có hương vị khác nhau rất nhiều. Có lẽ đó cũng là ưu ái mà chỉ những đứa trẻ ở quê, vào những chiều hiu hiu gió đi khắp bãi đất, bờ rào để đào tìm mới có được. Thật chẳng dễ dàng để có thể quay lại năm tháng ấy, và cũng chẳng dễ dàng để tìm cho mình một vài khoanh sắn dây tươi nguyên, thơm nồng giữa thị thành nhộn nhịp này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Vốn chỉ được tìm thấy bên trong thân cây cọ nhưng hiện nay, đuông cọ đã được người dân nhân giống, phát triển thành mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả cao.

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Tiến sĩ Trần Đức Tường, giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Đồng Tháp, bắt đầu nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ từ năm 2015. Đến nay, sản phẩm đã sẵn sàng thương mại hóa.


Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất