, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 16/03/2023, 17:20

Nhớ những món ngon từ cóc

ANH HÙNG
Hồi xưa ông bà hay nói “con cóc là cậu ông trời, ai mà bắt cóc thì trời đánh cho”. Dù sợ bị trời đánh, nhưng thịt “cậu ông trời” ngon quá, khiến tôi cầm lòng không đặng.
Chạng vạng, soi đèn tìm “cậu ông trời”.

Mùa cóc hội thời niên thiếu

Giữa đêm giựt mình thức giấc, tôi nghe những tiếng kêu “kẹt, kẹt, kẹt” từ xa xa dội về theo cơn gió lành lạnh. Í trời, cóc hội! Tiếng cóc kêu khiến tôi bồi hồi không ngủ được, lòng miên man nhớ những mùa cóc hội ngày xưa.

Hồi 14 - 15 tuổi, mỗi khi nghe tiếng cóc kêu rần rần là tôi lồm cồm ngồi dậy, gọi thêm thằng em. Hai đứa xách chiếc bao bằng chỉ ni-lon (loại bao đựng phân U-rê), châm cái đèn chai đốt bằng dầu lửa, thẳng hướng về phía đang vang rền tiếng cóc. Ra tới nơi, tưởng chỉ có hai anh em, chẳng ngờ nhiều ánh đèn dầu đã lấp lánh. Đi tới đi lui chụp cóc một hồi, nhìn ra toàn là đám trẻ trong xóm. 

Nói cóc hội vì không ai biết từ đâu, hàng ngàn “cậu ông trời” tụ họp về một chỗ, xúm nhau ngồi chen chúc lềnh khênh ở những bờ ruộng, quanh các hố bom, mấy con mương rẫy đầy nước. Một “cậu” nghiến răng kêu “kẹt, kẹt, kẹt” liên hồi thì tiếng không lớn, nhưng hàng ngàn “cậu” cùng cất giọng đồng ca, âm thanh vang đi rất xa trong đêm vắng. Các “cậu” kêu để gọi bạn tình, đến lúc tìm được thì rủ bạn nhảy xuống nước, im lặng làm cái việc “duy trì nòi giống”. Dù “cậu ông trời” đang tụ hội kêu vang, nhưng thấy ánh đèn soi đến gần thì các “cậu” im bặt.

Có hề chi, cóc vốn dĩ là loài chậm chạp, thấy  ánh đèn thì ngồi im một chỗ làm thinh, không chịu nhảy trốn như đám bù tọt, ếch cụ. Cho nên đi bắt cóc hội tôi và đám bạn chỉ cần chịu khó soi đèn, lựa chọn các “cậu” bự xự lượm bỏ vào bao, lúc thấy nặng bao thì đi về. Mùa cóc hội chỉ diễn ra trong vài đêm, nay chỗ này, mai chỗ khác. Nếu không bị tóm, sinh sản xong bầy cóc chia tay nhau, lủi đi đâu mất dạng. Vài hôm sau, những dây trứng cóc màu đen bám đầy trên cỏ biến thành đám nòng nọc đen sì, ngụp lặn tung tăng trong nước.

Đi bắt cóc hội, điều đáng sợ là những đêm “hội cóc” thường thu hút một loài bò sát cực độc đến mở “tiệc tùng”: rắn mai gầm (cạp nong, thân mình có khoang đen, khoang vàng). Rắn mai gầm độc đến mức ông bà xưa hay nói “mai gầm tại chỗ, rắn hổ về nhà”, có nghĩa là bị mai gầm cắn thì chết tại chỗ, còn rắn hổ cắn thì về đến nhà mới chết. Kỳ lạ nhất, rắn mai gầm đi dự “đêm cóc hội” nhưng không bao giờ đụng tới món thịt cóc. Đến điểm cóc hội, con rắn độc chỉ im lặng tìm nơi thích hợp nằm chờ. Khi cóc kéo nhau xuống nước sinh sản, con mai gầm mò theo thưởng thức món… trứng cóc tươi rói. Nghe các bậc cao niên giảng giải, trứng cóc là thứ kịch độc, nên mỗi năm rắn mai gầm chờ đêm cóc hội tìm ăn trứng để luyện nọc.

Những người bắt cóc hội nhiều kinh nghiệm hay căn dặn đám trẻ phải cẩn thận soi đèn, quan sát thật kỹ từng bước chân, từng bờ ruộng, đám cỏ để tránh đạp trúng con rắn độc. Đến bãi cóc hội, nếu phát hiện có rắn mai gầm nằm đâu đó thì nên xách đèn đi về. Không nên chủ quan kẻo hối không kịp, bỏ mạng như chơi vì rắn mai gầm không bao giờ đi dự “hội cóc” một mình. Điều may mắn là hình như tạo hóa đã sắp đặt, con rắn mai gầm lúc nào cũng chậm chạp. Nếu nó mà nhanh nhẹn như con rắn hổ ngựa thì… không biết bao nhiêu người phải bỏ mạng bởi loài bò sát cực độc này.

Vốn dĩ chậm chạp, cóc dễ bị bắt sống.

Món ngon miệt vườn

Ở nông thôn cóc có mặt khắp nơi. Trong nhà, cóc núp ở các hốc kẹt, dưới đít thạp gạo, lu nước. Trong vườn, cóc ngồi thu lu dưới bụi chuối, gốc cây, con nào con nấy mập mạp, lưng đen sì, lâu lâu nghiến răng “kẹt, kẹt, kẹt” gọi trời làm mưa. Ban ngày cóc trốn kỹ, nhưng trời vừa chạng vạng là lụi hụi nhảy ra khỏi chỗ núp, đi kiếm ăn. Tôi còn nhớ rõ, sau những đám mưa đầu mùa từng đàn mối cánh bay ra dày đặc, ban đêm ào vào bu quanh ngọn đèn dầu tù mù trong nhà rồi té xuống đất. Tôi soi đèn xem thì trời đất ơi, năm, bảy trự cóc mập ú, da đen hù ngồi chễm chệ, điềm nhiên ăn mối.

Tôi nhớ ngày xưa cóc sống nhiều trong nhà, ngoài vườn, nhưng bình thường không ai bắt, bởi nhiều người xem cóc là “món thịt tươi để dành”. Những khi mưa dầm nhiều ngày khó kiếm thức ăn hoặc bất chợt thèm nồi cháo cóc nóng hổi, anh em tôi rủ nhau đi bắt cóc về làm thịt. Chạng vạng tối, xách cái đèn soi, cái bao chỉ ni-lon đi quanh nhà, thế nào cũng lượm được vài ba “cậu ông trời” mập ú đang đi kiếm ăn. Thêm vài vòng dạo quanh trong xóm, áng chừng trong bao đã có 20 - 30 chú cóc là đủ xài.

Sáng ra đem cóc làm thịt, đây là công đoạn cực kỳ quan trọng. “Cậu ông trời” thịt ngon nhưng trên thân thể có nhiều “món cực độc” là nhựa trắng ẩn trong các nốt của bộ da sần sùi, gan và trứng. Nếu làm thịt không kỹ, còn để sót chút xíu mấy bộ phận này, ăn vào dễ “theo ông, theo bà”. Chuyện này đã được cảnh báo nhiều, nhưng lâu lâu vẫn nghe có người tử vong vì ngộ độc gan, trứng cóc, bệnh viện cứu không kịp. Thịt cóc có thể chế biến thành nhiều món ăn như xào lá cách, kho sả ớt hoặc bằm nhuyễn gói lá cách nướng, chiên chả. Nhưng món khoái khẩu dễ làm, vừa ngon vừa bổ cho cả người lớn lẫn trẻ em là… cháo cóc.

Trước khi làm thịt cóc, tôi kêu thằng em vo gạo bắc nồi cháo trắng lên bếp. Cóc cắt đầu, chặt móng, lột da, bỏ hết bộ đồ lòng, đặc biệt là phải xem kỹ coi còn sót trứng và gan hay không, rồi rửa qua nhiều nước cho thật sạch, để ráo. Bằm thịt cóc cả xương cho thật nhuyễn, xong bắc chảo dầu dừa, phi tỏi cho thơm, bỏ thịt đã bằm vào xào chín. Nấu cháo ếch, người ta chỉ bằm nhuyễn phần trên của con ếch, chừa 2 đùi vì thịt nhiều. Còn “cậu ông trời” đùi không to, thịt chẳng bao nhiêu, nên tôi bằm cả 2 chân… cho nên thuốc.

Nồi cháo nhừ, tôi đổ hết thịt cóc xào chín vô, nêm nếm vừa ăn, chạy ra sau vườn nhổ bụi hành lá rửa sạch, xắt nhuyễn rắc vào, thêm nhúm tiêu đâm nhỏ, rồi nhắc xuống. Sau khi múc ra tô để phần người lớn, nồi cháo thịt cóc thơm ngào ngạt được để chễm chệ giữa bàn. Anh em tôi mỗi đứa một cái tô, cái muỗng xúm vào húp xì xụp, miệng hít hà khen ngon, trối kệ mồ hôi mẹ, mồ hôi con túa ra, rớt lộp độp.

Nhưng bắt cóc làm thịt phải luôn nhớ lời ông bà xưa căn dặn: con cóc da đen xám, da vàng đất ăn được, còn con cóc da đỏ rực, thường gọi là cóc tía, thì tuyệt đối không ăn. Ban đêm tối trời không nhìn rõ bắt nhầm nó, sáng ngày phát hiện phải thả nó đi. Tôi nhiều lần hỏi vì sao không được ăn thịt cóc tía, chỉ nghe các bậc cao niên nói rằng thịt nó cực độc. Nhưng thịt cóc tía độc thế nào thì tới nay tôi chẳng nghe ai giải thích rõ ràng.

Lâu rồi không ăn thịt “cậu ông trời”, nhưng nghe tiếng cóc kêu tôi cứ bồi hồi nghĩ: hồi đó đám trẻ nhà quê tụi tôi đứa nào đứa nấy thiệt “gan cùng mình”. Bởi lẽ “cóc hội” lúc nửa đêm về sáng, mà thời đó ruộng vườn còn hoang vu, làng quê chỉ đuốc lá dừa và đèn dầu tù mù, làm gì có đèn điện sáng trưng khắp nơi như nông thôn mới bây giờ. Thêm cái chuyện người lớn hay kể chỗ này có ma than khóc, chỗ nọ ma hiện ra nhát người để doạ lũ trẻ. Vậy mà đám trẻ tụi tôi cứ nghe chỗ nào cóc kêu vang trời là xách đèn, xách bao lên đường, chẳng đứa nào còn biết sợ.

Có lẽ tại hoàn cảnh khó khăn thời bao cấp, lại thêm thịt “cậu ông trời” quá ngon, cái đói khiến lũ trẻ tụi tôi quên tuốt luốt chuyện sợ ma. Nhưng ngẫm lại, hình như hồi đó những người “khuất mặt, khuất mày” cũng thấy thương lũ trẻ nhà quê thiếu thốn cái ăn, cái mặc, nên cứ để tụi tôi tự do bắt cóc lúc đêm hôm khuya khoắt, hù nhát làm chi thêm tội nghiệp.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất