, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 30/04/2021, 23:31

Rừng xanh, trái ngọt ở chiến khu Dương Hòa xưa

TIẾN THÀNH
(nongnghiep.vn)

Từ vùng đất gò đồi cằn cỗi, xã Dương Hòa (Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) đã chuyển mình nhờ kinh tế rừng và cây ăn quả, nhất là cây thanh trà.

 

Nuôi ong lấy mật dưới tán rừng là một trong những nghề mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân ở Dương Hòa. Ảnh: Tiến Thành.
Nuôi ong lấy mật dưới tán rừng là một trong những nghề mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân ở Dương Hòa. Ảnh: Tiến Thành.

Mũi nhọn kinh tế rừng

Là xã miền núi với xuất phát điểm thấp và điều kiện khó khăn, ngày nay, Dương Hòa đã vận dụng biến những bất lợi của vùng đất gò đồi trọc trước đây sang kinh tế rừng bền vững, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ kinh tế rừng, nhiều diện tích đất cằn đã trở thành những rừng xanh, vùng cây ăn quả... 

Trên cơ sở sự hỗ trợ của tỉnh, chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng kế hoạch chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đưa các loại cây keo lai, bạch đàn mới vào sản xuất...

Những năm qua, hàng loạt phong trào, chính sách phát triển kinh tế rừng và cây ăn quả đã lan tỏa ở Dương Hòa, tiêu biểu như phong trào giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế vùng gò đồi do Hội Cựu chiến binh xã quản lý. 

Để có đầu ra thuận lợi, huyện cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến gỗ, thu mua lâm sản.

Nhiều hộ dân nhờ đó mà có kinh tế ổn định, tương đối đầy đủ tiện nghi. Nhất là các hộ gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh xã luôn đi đầu trong phát triển kinh tế như ông Lê Văn Tạo (thôn Khe Sòng), ông Lê Văn Tân (thôn Hạ)... 

Ông Nguyễn Nguyện (trú thôn Buồng Tằm) hồ hởi cho biết: Trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ cấp đất, giao rừng kịp thời, nên nhiều hộ dân nhờ đó ngày càng ăn nên làm ra, không chỉ có của ăn của để mà còn thuộc diện khá giả.

Đến nay, gia đình ông đã có gần 3 ha chủ yếu trồng rừng kinh tế với giống keo lá tràm, mỗi năm cho thu hoạch hơn 80 triệu đồng. Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi cây trồng với gần 50 gốc thanh trà cho thu hoạch gần 100 triệu đồng/năm. 

Nghề rừng đã thực sự trở thành một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Dương Hòa. Những năm qua, việc chuyển đổi trồng rừng sang trồng rừng gỗ lớn cũng đã được đẩy mạnh triển khai ở Dương Hòa.

Đặc biệt đến nay, toàn xã đã có hơn 500 ha rừng được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) với nhiều nhóm hộ dân thực hiện hiệu quả như: Nhóm Thanh Lương Hộ với 22 hộ tham gia với khoảng 257 ha; nhóm Hạ Bồng Tằm với 517 ha được cấp chứng chỉ FSC... 

Người dân nơi chiến khu Dương Hòa xưa đổi mới và phát triển nhờ vào rừng và cây ăn quả. Ảnh: Tiến Thành.
Người dân nơi chiến khu Dương Hòa xưa đổi mới và phát triển nhờ vào rừng và cây ăn quả. Ảnh: Tiến Thành.

Năm 2020, tổng giá trị sản xuất ở Dương Hòa đạt 181 tỷ đồng thì sản xuất lâm nghiệp đóng góp giá trị sản xuất hơn 50% (hơn 91 tỷ đồng). Độ che phủ rừng của Dương Hòa đến nay đã vượt con số 88%.

Theo ông Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND nhân xã Dương Hòa, nhờ chính sách phát triển rừng và kinh tế vườn, đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Dương Hòa hiện đạt 35-38 triệu đồng/năm. Ở xã Dương Hòa có hơn 90% dân số ở địa phương kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề làm rừng; người dân địa phương còn sắm hơn 50 xe cơ giới các loại để phục vụ cho việc khai thác rừng và trồng rừng.

Thời gian tới, Dương Hòa sẽ tiếp tục duy trì, phát triển kinh tế rừng trồng sản xuất, vận động nhân dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, tiếp tục triển khai cấp chứng chỉ FSC... nhằm tăng nguồn thu cho người làm nghề rừng.

Song song đó, tiếp tục mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ giới hóa trồng rừng, vận tải khai thác rừng trồng, dịch vụ sơ chế, chế biến cho ngành gỗ tại khu vực trung tâm xã... Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho nhân dân hình thành các trang trại, gia trại, thu hút đầu tư dịch vụ, du lịch gắn với tham quan du lịch cộng đồng vườn mẫu, vườn đồi.

Không chỉ trồng rừng kinh tế, nhiều hộ gia đình đã sáng tạo, mạnh dạn đầu tư kết hợp thêm trang trại chăn nuôi gia súc, vận dụng các mô hình kinh tế gắn với tán rừng. Nhiều hộ dân đầu tư trang trại gia cầm gắn với tán rừng, trong đó có những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đặc biệt có 02 gia trại gia cầm ở thôn Thanh Vân thường xuyên có khoảng 14.000 con gia súc, gia cầm.

Nhờ vào tán rừng, hộ anh Nguyễn Văn Tâm (thôn Buồng Tằm) đang nuôi 300 tổ ông lấy mật với hàng chục lít mật ong mỗi ngày. Anh Tâm nhẩm tính, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi ong dưới tán rừng. 

Tiềm năng đặc sản thanh trà

Những năm qua, xã Dương Hòa cũng đã hình thành vùng cây ăn quả, hướng tới liên kết sản xuất cây ăn quả theo chuỗi giá trị cao, đặc biệt là tiềm năng về đặc sản cây thanh trà. Thanh trà là cây đặc sản chủ lực của vùng đất thượng nguồn sông Hương này.

Phong trào cải tạo vườn thanh trà đã giúp nâng cao năng suất, giá trị cho cây đặc sản này của xã Dương Hòa. Ảnh: Tiến Thành.
Phong trào cải tạo vườn thanh trà đã giúp nâng cao năng suất, giá trị cho cây đặc sản này của xã Dương Hòa. Ảnh: Tiến Thành.

Diện tích cây thanh trà toàn xã hiện nay duy trì khoảng 56 ha, trong đó có khoảng 18 ha đang cho thu hoạch và 25 ha cây nhỏ thuộc Chương trình Nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ. Đây là chương trình ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho phát triển kinh tế vùng gò đồi thuộc Thị xã Hương Thủy nhằm khuyến khích bà con tự tra dặm, cải tạo vườn tạp cũng như trồng mới cây thanh trà tập trung tại các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang cây ăn quả...

Ngoài diện tích trồng phân tán trong vườn nhà, hiện Dương Hòa đã hình thành và mở rộng được vùng cây thanh trà theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với 238 hộ tham gia.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, giá bán cao nên thu nhập bình quân từ cây thanh trà đạt 500 triệu đồng/ha. Bình quân mỗi năm, các hộ dân trồng thanh trà có thể thu khoảng 70 triệu đồng, hộ nhiều nhất có thể lên đến 180-200 triệu đồng/năm từ cây trồng này. Xã Dương Hòa cũng đã phối hợp với Phòng kinh tế Thị xã Hương Thủy rà soát, chọn 25 hộ dân tham gia dự án kinh tế vườn hiệu quả. 

Bên cạnh đó, toàn xã đã chọn được 15 vườn cây thanh trà mẫu để hoàn thiện các tiêu chí trong đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hiện Dương Hòa cũng đã ra mắt Tổ Hợp tác sản xuất thanh trà “Trà Dương Hoà” và triển khai đăng ký để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với cây thanh trà. Cùng với đó, chọn một số vườn mẫu thanh trà ở thôn Buồng Tằm để đầu tư; lập thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với trái thanh trà Dương Hòa.

Thời gian qua, mô hình thâm canh cây thanh trà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ cho cho hàng chục hộ trồng cây thanh trà ở thôn Hạ, Buồng Tằm và thôn Hộ (xã Dương Hòa)... cũng đã góp phần nâng cao giá trị cho cây thanh trà ở Dương Hòa...

 

ột góc đường làng ở xã Dương Hòa. Ảnh: Tiến Thành.
Một góc đường làng ở xã Dương Hòa. Ảnh: Tiến Thành.

Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 22km về hướng tây nam, Dương Hòa được coi là quê hương cách mạng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi ghi dấu một thời oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ.

Được thành lập vào tháng 5/1948, chiến khu Dương Hòa cũng đã trở thành nơi đóng trụ sở của các cơ quan đầu não kháng chiến ở tỉnh Thừa Thiên - Huế...

Năm 2015, xã Dương Hòa được công nhận hoàn thành Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới, cũng là một trong những địa phương dẫn đầu Thị xã Hương Thủy về xây dựng nông thôn mới.

Hiện Dương Hòa đang tiếp tục triển khai nhằm hoàn thành các tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao.

 

Theo TIẾN THÀNH (nongnghiep.vn)

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất