, //, :: GTM+7

Thiếu nước sạch, thách thức lớn với Việt Nam

THÙY DUNG (THỰC HIỆN)
Chia sẻ về những vấn đề liên quan đến nước sạch và sự phát triển của trẻ em, ông Maharajan Muthu – Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và Phát triển trẻ em (UNICEF Việt Nam) – nhận định: “Thiếu nước sạch vẫn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở các vùng nông thôn Việt Nam”.
Ảnh minh họa

PV: Ông đánh giá thế nào về hiện trạng tiếp cận nước sạch của người dân Việt Nam?

Ông Maharajan Muthu: Tại Tuần lễ Nước Thế giới năm 2021 diễn ra từ ngày 23 - 27/8 với chủ đề “Xây dựng khả năng chống chịu nhanh hơn”, Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng khan hiếm nước và hạn hán sẽ gây thiệt hại với quy mô tương đương đại dịch Covid-19 do sự ấm lên của trái đất. Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới cũng như Việt Nam - một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi các thảm họa do biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt gây ra. Các tác động của biến đổi khí hậu cùng với các xu hướng phát triển kinh tế - xã hội như công nghiệp hóa, gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả chất lượng và số lượng nước.

Ông Maharajan Muthu - Trưởng Chương trình vì Sự sống còn và Phát triển trẻ em (UNICEF Việt Nam)

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chương trình cấp nước và vệ sinh, đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Theo báo cáo Chương trình giám sát chung WHO/UNICEF 2020, Việt Nam có khả năng đạt được các dịch vụ vệ sinh và cấp nước cơ bản vào năm 2030 với tốc độ tăng hàng năm lần lượt là 0,8% và 1,9%. Vào năm 2020, có 90% dân số được cải thiện nước sạch tại nhà và 89% có công trình vệ sinh được cải thiện.Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt lớn trong việc tiếp cận nước sạch giữa thành thị - nông thôn và giữa các vùng miền. Gần 2,5 triệu người ở nông thôn không được sử dụng nước cơ bản. Trong 10 triệu người chưa được tiếp cận các công trình vệ sinh cơ bản, phần lớn là những người sống ở nông thôn. Đại dịch Covid-19 đã làm dấy lên nhu cầu cấp bách về việc làm sao đảm bảo cho mỗi người dân đều thực hành tốt vệ sinh cá nhân khi gần 13,6 triệu người chưa có đủ nước và xà phòng tại nhà.

Nước sạch là một trong những yếu tố cốt lõi trong việc phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất cũng như sự tăng trưởng trong hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Ông Maharajan Muthu - Trưởng Chương trình vì Sự sống còn và Phát triển trẻ em (UNICEF Việt Nam)

Thiếu nước sạch ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ và trẻ em. Ông có cảnh báo gì về thực trạng này tại Việt Nam, thưa ông? 

Phụ nữ và trẻ em là nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Điều đó đã được khoa học chứng minh. Trong đó tình trạng suy dinh dưỡng có liên quan trực tiếp đến nguồn nước và vệ sinh kém. Theo kết quả điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi của cả nước là 19,6% và tỷ lệ này ở trẻ em các dân tộc ít người là trên 30%. Thiếu nước và thực hành vệ sinh kém góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm ký sinh trùng và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các bệnh này. Tiêu chảy đứng thứ bảy trong gánh nặng bệnh tật quốc gia và một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch để ăn, uống và sinh hoạt. Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, có “9.000 người chết hàng năm do điều kiện vệ sinh và chất lượng nước kém, gần 250.000 người phải nhập viện vì tiêu chảy cấp do nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người bị ung thư liên quan đến ô nhiễm nguồn nước”. Việc không có nước sạch tại nhà tác động lớn đến khối lượng công việc của người phụ nữ vì họ là người chịu trách nhiệm chính trong việc lấy nước cho gia đình. Tỷ lệ hộ có phụ nữ trưởng thành lấy nước ở người dân tộc thiểu số (74,2%) cao hơn người Kinh, Hoa (57,7%).

Mặt khác, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong việc cung cấp nước sạch cho 100% dân số. Ngập lụt, ô nhiễm, hạn hán, cạnh tranh nguồn nước trong mùa khô và các chất gây ô nhiễm đã góp phần làm suy giảm nguồn cung cấp nước sạch. Ngân hàng Thế giới cho rằng tác động của ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe con người là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng nếu những thách thức này không được giải quyết vào năm 2035, Việt Nam có thể giảm 6% GDP hàng năm.

UNICEF Việt Nam có những khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo quyền được tiếp cận nước sạch của người dân, đặc biệt là trẻ em?

Chúng tôi khuyến nghị rằng ở cấp quốc gia, cần xác định các ưu tiên để đẩy nhanh hành động về nước - khí hậu, bao gồm: tăng cường quản lý nước và năng suất nước để quản lý sự cạnh tranh giữa nhu cầu nước của sinh hoạt, nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, thành phố và hệ sinh thái; thúc đẩy các giải pháp cụ thể dựa trên tự nhiên có thể hạn chế phát thải và tăng khả năng phục hồi. Đồng thời, lồng ghép biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong toàn bộ các chương trình, dự án và chu trình xây dựng thực hiện chính sách. Đưa nước sạch và vệ sinh vào các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các Chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình Nông thôn mới, Chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chương trình về y tế, dinh dưỡng để tăng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho người dân ở các vùng miền khó khăn, chịu ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu; tối đa hóa lợi ích về kinh tế, xã hội, sức khỏe cho người dân và đặc biệt cho sự phát triển của trẻ em. 

Ngoài ra, nâng cao nhận thức và cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai cho người dân là hết sức quan trọng. Mặt khác, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia nhiều hơn nữa của khu vực tư nhân và các cá nhân vào việc đầu tư vận hành, quản lý hệ thống cấp nước trong thời gian tới, đảm bảo người dân tiếp cận các dịch vụ cấp nước một cách bền vững.

Cảm ơn ông!

“Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vắc-xin nào chữa khỏi. Hầu hết các khu vực trên thế giới sẽ phải sống chung với tình trạng căng thẳng về nước trong vài năm tới”.

Bà Mami Mizutori - Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất