, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 25/02/2022, 11:51

Tiếng khèn mùa xuân

NGUYỄN THỊ HẢI
Đối với người H’Mông, vào dịp Tết đến, xuân về thì tiếng khèn là không thể thiếu. Khèn H’Mông thể hiện rõ bản tính giàu tình cảm, cũng bộc lộ tính cách mạnh mẽ, bất khuất, quật cường nhưng lại phóng túng, hài hòa với thiên nhiên, có nét độc đáo riêng.
Trong lễ hội mùa xuân của người H’Mông ở vùng cao luôn không thể thiếu được tiếng khèn.

Cấu tạo của khèn H’Mông gồm một bầu chứa hơi, được gọt tiện bằng gỗ thông và sáu ống trúc dài ngắn cho cung bậc âm thanh khác nhau, và quan trọng nhất là mỗi ống sáo đều gắn một lưỡi lam đồng. Âm thanh cao, thấp, trầm, bổng khác nhau chính là từ việc chế tác ra những lưỡi lam như lưỡi gà có độ rung cao thấp gắn vào ống trúc lắp trong bầu hơi. Khi thổi hơi vào hoặc hít hơi ra, tần suất rung của lưỡi lam được cộng hưởng trong hợp âm của bầu hơi tạo ra âm thanh.

Với khèn H’Mông Lềnh, trong sáu ống tương ứng với sáu nốt nhạc. Ống to nhất nhưng lại ngắn nhất ở vị trí ngón cái tay phải gọi là ntir luôr-n-tí lúa, tạm quy vào nốt đố. Năm nốt khác tương ứng với các nốt la, sol, fa, rề, đồ. Khèn H’Mông Đơư (Hmông Trắng) chỉ khác khèn H’Mông Lềnh ở nốt nhạc.

Khèn được tách ra thành khèn vui chơi, khèn tâm tình, khèn lễ cưới và khèn tang ma. Trong lễ cưới và tang ma gọi chung là khèn nghi lễ (cũng như các bài ca nghi lễ trong dân ca) đều có bài bản theo một hệ thống quy phạm nghiêm ngặt. Riêng đám tang, bài khèn còn phải song trùng với bài trống.

Nhạc cụ khèn của người H’Mông được làm rất cầu kỳ.

Khèn H’Mông thường có ba loại. Khèn đại (to) có âm trầm và chuyên dùng trong đám tang ma. Khèn trung (vừa) cho âm thanh vừa, thường dùng khi tâm tình hoặc đám cưới. Khèn tiểu (nhỏ) có âm sắc, dùng khi vui chơi và nhảy múa đơn hoặc múa tập thể.

Vũ điệu múa khèn thể hiện rất rõ ở ba loại hình: múa võ, múa chọi và múa tài tử. Múa võ có thể thấy ở động tác một tay bấm nốt khèn, một tay vỗ bàn chân hay rạp người thấp xuống rồi dùng chân gạt đối thủ hoặc phóng chân đá vào mặt đối thủ. Múa chọi điển hình ở những động tác ngồi xổm, hai chân đảo nhau đá về phía trước, nhảy cao đá chân về phía sau hay hai người đạp bàn chân vào nhau. 

Múa tài tử điển hình như đi thăng bằng trên dây, nhảy múa trên cọc, nhảy trên miệng chảo đang sôi, trồng cây chuối, dùng đầu làm điểm tựa rồi cong người nhào lộn vòng tròn, dùng đầu làm điểm tựa rồi bật tung người về phía trước hay bật ngửa về phía sau, thậm chí lăn lộn qua đống lửa. Tất cả động tác dù phức tạp nhưng tiếng khèn vẫn không dứt, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sức khỏe, tinh nhanh, nhạy bén, dũng khí can trường.

Nhạc khèn đều có lời, tuy nhiên phải là những người có năng khiếu thiên bẩm mới đọc và hiểu được nội dung, và dù có năng khiếu âm nhạc nhưng nếu là tộc người khác thì không thể thổi ra bài và không thể hiểu được khèn H'Mông. Cũng vì thế nên khèn là nhạc cụ bí truyền.

Vào ngày mùng một Tết, nếu gia đình nào đứng chính chủ mở hội grâuk taox thì phải mời thầy khèn thổi bài Khai hội. Sau đó, cùng với việc tổ chức nhiều trò chơi, các tài tử khèn vào cuộc thi thố. Nguời thắng cuộc sẽ được mọi người thán phục, trọng nể. Chàng trai nào giỏi khèn sẽ rất dễ khiến các cô gái xiêu lòng.

Xưa kia cả phái nữ cũng thổi và múa khèn, vũ điệu khèn nữ bao giờ cũng uyển chuyển như rồng lượn công múa. Nhưng nay chỉ còn người H’Mông Trung Quốc giữ được truyền thống đó. Ngày nay, nghệ nhân chế tác và nghệ sĩ khèn vắng bóng dần, ngay như lễ thức thổi khèn trong lễ cưới cũng bị mai một. Tuyệt kỹ khèn là báu vật sáng tạo của muôn thế hệ người H’Mông, là biểu trưng văn hóa H’Mông truyền thống nên rất cần được bảo tồn, gìn giữ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất