, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 04/12/2022, 08:14

Bảo đảm hiệu quả sản xuất lúa ở vùng lúa - tôm Cà Mau

HỮU TÙNG
(nhandan.vn)
Những ngày cuối tháng 11, “thủ phủ” vùng lúa-tôm của tỉnh Cà Mau liên tục có mưa. Vào lúc thu hoạch mà gặp mưa thất thường khiến nhiều nông dân đứng ngồi không yên do không tiêu thụ được thóc.

Thực tế đòi hỏi cần phải rà soát lại tất cả các khâu nhằm giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, giúp bà con nông dân ở đây sản xuất hiệu quả, có sinh kế bền vững...

Hơn 5 tấn thóc của gia đình bà Nguyễn Thị Nga (ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình ) bị từ chối thu mua vì không đạt chuẩn về độ ẩm.

Hạt thóc dầm mưa

Cả tuần nay, bà Nguyễn Thị Nga ở ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình (Cà Mau) như “ngồi trên đống lửa” bởi gần 5 tấn thóc ST25 vừa gặt xong không có người mua. Mang ra sân phơi, thóc thêm lần nữa dầm mưa, ướt nhẹp.

Mới đây, tranh thủ trời có nắng, gia đình bà Nga lại mang thóc ra phơi và trưng dụng luôn căn nhà phía sau để làm sân phơi thóc. “Dù đã thêm ba cây quạt gió chạy liên tục ngày đêm nhưng thóc vẫn không thể khô như phơi nắng”, bà Nga cho hay.

Hơn chục năm canh tác lúa trên đất nuôi tôm, niên vụ 2022, lần đầu gia đình bà Nga trồng giống lúa ST25, được bao tiêu “đầu ra” thông qua Hợp tác xã Dân Phát (ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) ký hợp đồng với Công ty cổ phần lương thực A An, đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Tân Long. Thế nhưng, sau khi thu hoạch, bên bao tiêu từ chối thu mua thóc của gia đình bà Nga. Bà Nga cho biết thêm: “Gia đình tôi thông báo trước ngày thu hoạch nhưng bên công ty kiểm tra rồi không chịu mua với lý do thóc không đạt về độ ẩm. Gia đình mang thóc ra phơi thì mắc mưa liên tục mấy ngày liền”.

Cùng cảnh như bà Nga, gia đình ông Nguyễn Văn Lâm ở ấp Phước Hòa, xã Biển Bạch Đông cũng đứng ngồi không yên vì đơn vị bao tiêu từ chối thu mua ngay khi thu hoạch xong 9 công lúa ST24. Không bán được thóc, gia đình ông Lâm tận dụng mái hiên quanh nhà làm sân phơi, một số ít phơi ngoài sân. Gặp mưa liên tục, thóc không đủ nắng nên bốc mùi ẩm mốc. “Bên bao tiêu không mua, gia đình tìm nhiều nơi để bán dù giá thấp nhưng hơn ba ngày rồi chẳng có người chịu mua. Gặp năm trúng mùa mà đầu ra thế này nản quá, lo không có tiền làm vụ sau”, ông Lâm lo lắng…

Đến hết ngày 27/11 vừa qua, các trà lúa-tôm ở huyện Thới Bình đã thu hoạch sớm được hơn 1.900 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích lúa-tôm toàn huyện với tổng sản lượng hơn 12.400 tấn. Trong đó, vùng trồng lúa ST24, ST25 thu hoạch sớm được 970 ha, tổng sản lượng hơn 6.300 tấn nhưng mới tiêu thụ (thông qua các hợp đồng liên kết bao tiêu) được gần 2.500 tấn (giá trung bình khoảng 8.100 đồng/kg), còn tồn đọng hơn 3.800 tấn thóc. Số thóc tồn đọng tập trung chủ yếu ở các xã Tân Bằng, Biển Bạch Đông, Trí Phải; trung bình mỗi nơi còn từ 1.100 đến hơn 1.300 tấn thóc ST24, ST25 chưa bán được.

Thực tế cho thấy, tại hai xã Biển Bạch Đông và Tân Bằng, nhà nông thu hoạch ngay thời điểm trời mưa nhiều khiến thóc có độ ẩm cao, không đạt tiêu chuẩn thu mua theo hợp đồng ký kết giữa Công ty cổ phần lương thực A An và các hợp tác xã, từ đó đơn vị bao tiêu từ chối thu mua.

Ông Lê Văn Tây, Giám đốc Hợp tác xã Ông Đuông (xã Tân Bằng) bức xúc: “Xã viên rất phối hợp và cầu thị nhưng gọi người bên công ty hai, ba ngày chưa ai xuống đo độ ẩm thóc. Giờ bên bao tiêu phải trả lời dứt khoát có mua hay không, chứ để lâu thóc của dân bị ẩm mốc, hỏng hết”.

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng ấp Nguyễn Tòng (xã Biển Bạch Đông) đề xuất: “Trong tình cảnh thóc không bảo đảm chất lượng độ ẩm, tôi mong bên Công ty cổ phần lương thực A An chia sẻ, đàm phán, thương lượng lại giá cả chứ từ chối không mua, nông dân biết tính sao bây giờ. Mỗi héc-ta lúa đầu tư trên dưới 20 triệu đồng chứ đâu có ít”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ: Người dân không muốn thóc bị ướt nhưng do điều kiện sản xuất không bảo đảm, chưa có lò sấy nên đành chịu. Bên mua cũng muốn mua nhưng thóc lại không đạt yêu cầu…

Lúa ST25 của nhà nông xã Biển Bạch thu hoạch gặp ngay mưa liên tục, bị ẩm, bén rễ non.

Sớm giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh

Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2022, toàn huyện Thới Bình xuống giống được gần 19.000 ha, đạt hơn 102% kế hoạch, chiếm khoảng 50% tổng diện tích lúa-tôm toàn tỉnh Cà Mau. Trong số này, có hơn 8.300 ha gieo trồng giống lúa mới như: ST24, ST25, OM2517. Các diện tích lúa chất lượng cao này phần lớn được ký hợp đồng bao tiêu theo nhiều hình thức qua đầu mối là các hợp tác xã đã ký kết trước đó với hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, gần đến ngày thu hoạch, nhiều cánh đồng lúa-tôm gặp bất lợi về thời tiết. Từ ngày 20 đến 27/11, thời điểm nông dân tháo nước trong ruộng ra để thu hoạch lúa thì mưa liên tục khiến lúa đổ ngã với tổng diện tích hơn 1.900 ha, tập trung tại các xã Tân Bằng (600 ha), Biển Bạch Đông (261 ha), Trí Phải (250 ha), Trí Lực (300 ha)...

Gần đến ngày thu hoạch, nhiều cánh đồng lúa-tôm gặp bất lợi về thời tiết. Từ ngày 20 đến 27/11, thời điểm nông dân tháo nước trong ruộng ra để thu hoạch lúa thì mưa liên tục khiến lúa đổ ngã với tổng diện tích hơn 1.900 ha, tập trung tại các xã Tân Bằng (600 ha), Biển Bạch Đông (261 ha), Trí Phải (250 ha), Trí Lực (300 ha)...

Phần lớn diện tích lúa đổ ngã tập trung gieo trồng giống lúa ST24, ST25 với tỷ lệ từ 30 đến 70%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thóc chưa bảo đảm về độ ẩm, gặp khó khăn về “đầu ra”. Khoảng 1.000 ha lúa ST24, ST25 tại xã Tân Bằng và Biển Bạch Đông được Công ty cổ phần lương thực A An bao tiêu “đầu ra” nhưng đến ngày 27/11 vừa qua, mới thu mua được hơn 191 tấn lúa thương phẩm, chưa được 10% tổng sản lượng lúa nông dân đã thu hoạch.

Ông Nguyễn Thành Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dân Phát (ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông), cho biết: “Người bên Công ty A An mua thóc lựa chọn rất kỹ nhưng không kiểm định tại chỗ, sau đó mới thông báo kết quả thóc không đạt chuẩn về độ ẩm. Cách làm như vậy khó thuyết phục nông dân”.

Tại buổi làm việc với đại diện Công ty cổ phần lương thực A An vào sáng 28/11 tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Biển Bạch Đông, nhiều nông hộ đại diện cho hợp tác xã và chính quyền địa phương đã chỉ ra một số bất hợp lý trong quá trình thẩm định chất lượng thóc. Nổi lên là thời gian từ lúc nhận cuộc gọi đến lúc công ty cho nhân viên xuống kiểm tra, thẩm định chất lượng kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng thóc; thiết bị đo độ ẩm có vấn đề, độ chính xác không cao… nhưng lại được dùng làm căn cứ để ra quyết định có mua thóc hay không…? Tuy nhiên, phần lớn nghi ngại của nông dân chưa được bên thu mua trả lời thỏa đáng.

Ông Huỳnh Hữu Trung Kiên, đại diện Công ty cổ phần lương thực A An, giải thích: “Mong người dân chia sẻ với công ty. Việc điều động nhân lực và ghe tải lớn đến các kênh rạch nhỏ của địa phương không phải dễ dàng, cần phải có thời gian chuẩn bị và có kế hoạch cụ thể”.

Cũng theo ông Kiên, phía công ty sẽ tiếp tục thu mua thóc của người dân như cam kết trong hợp đồng với giá 8.100 đồng/kg nếu thóc bảo đảm chất lượng. Với thóc không đủ chuẩn cũng sẽ thu mua với giá thỏa thuận. Đại diện các hợp tác xã đã ký kết cần “chốt” lại và có công văn gửi lãnh đạo công ty xem xét…

Vùng lúa-tôm Cà Mau chỉ sản xuất được vụ lúa duy nhất trong năm với khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và một phần của thành phố Cà Mau. Vào mùa mưa hằng năm, người dân tận dụng nước mưa rửa mặn đồng nuôi tôm để gieo trồng vụ lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Đây cũng là vùng chuyên canh tạo ra nhiều nông sản sạch, như: Lúa hữu cơ, lúa sạch, tôm sinh thái, tôm sú đạt chứng nhận ASC Group-chứng nhận đầu tiên của thế giới về tôm sú nuôi xen canh trên đất trồng lúa...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vùng canh tác lúa-tôm dễ bị tổn thương bởi thời tiết. Năm nào mưa ít, nhiều diện tích không gieo trồng được lúa do đồng ruộng nhiễm mặn, hoặc có trồng được lúa nhưng lúa lép hạt... Ngược lại, năm nào thuận mưa, việc gieo trồng thuận mùa nhưng thu hoạch ngay vào thời điểm mưa trái vụ, khó khăn trong việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Lê Văn Sử, từ thực tế ở vùng lúa-tôm Thới Bình, vấn đề đặt ra không phải ký được hợp đồng liên kết là đủ, mà lâu dài phải rà soát lại tất cả các khâu, từ điều kiện sản xuất, lịch mùa vụ, kỹ thuật sản xuất, giống, nhất là khâu bảo quản, xử lý sau thu hoạch. Từ đó xem xét khâu nào Nhà nước phải trực tiếp đầu tư, khâu nào hướng dẫn cho người dân, khâu nào hướng dẫn cho doanh nghiệp... nhằm giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất