, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/11/2022, 07:30

Cảng Khánh Hội: Tái định vị bản sắc cho Sài Gòn - TP.HCM

THS KTS. TRẦN QUANG HIẾU, KTS. TRẦN TẤN PHÚC
(Công ty TNHH Librazzi)
Sài Gòn - TP.HCM vẫn luôn là một cảng thị gắn bó với sông nước, có sự phát triển song hành và cộng sinh giữa yếu tố cảng và đô thị. Cảng Khánh Hội tại quận 4, mắt xích quan trọng trong hệ thống cảng dọc sông Sài Gòn cần được xem là di sản quí giá, nơi chứa đựng nhiều tiềm năng vô cùng to lớn về kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội - du lịch, để tái phát triển đô thị cũng như tái định vị và xây dựng bản sắc, thương hiệu cho thành phố.
Bên trong khu cảng Khánh Hội. Nguồn: Alexander Garel.

Tiềm năng di sản cảng

Tái phát triển đất cảng (waterfront redevelopment) là mô hình phổ biến ở hầu hết đô thị gắn liền với sông nước trên thế giới. Khởi thủy từ vị trí trung tâm và là “bộ mặt” nhìn ra thế giới, theo chiều phát triển của lịch sử và công nghệ hàng hải, cảng sẽ ngày càng được tách dần ra khỏi đô thị, dời về vùng nước sâu hơn nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa và khả năng đón tàu thuyền lớn ngày càng cao. Đến thời kỳ hậu công nghiệp, quỹ đất ở khu vực trung tâm sau khi cảng được di dời trở thành “đất vàng” cho công tác tái phát triển đô thị. Trong đó, yếu tố kinh tế gắn bó mật thiết và cộng sinh, song hành với bảo tồn di sản, tạo ra mô hình phát triển bền vững, đặc sắc gắn với văn hóa sông nước.

Những năm 2010, cách tiếp cận để phát triển đô thị tại hai khu đất Ba Son và Tân Cảng là “đánh đổi”, có nghĩa, phá bỏ công trình cũ lấy không gian để xây dựng công trình mới. Hơn 10 năm sau, cảng Khánh Hội, quận 4 đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thành việc di dời về phía cảng Hiệp Phước. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại, “quĩ đất vàng” này không thể chỉ dành cho phát triển dự án địa ốc mới. Một cách tiếp cận mới theo hướng tái phát triển là khả thi và rất cần được xem xét.

Thương cảng Sài Gòn, cái tên đã ghi vào kí ức đô thị, hình ảnh cảng đã trở thành nơi chốn trong tâm trí của người dân thành phố. Những giá trị phi vật thể của cảng và khu vực lân cận hoàn toàn có thể trở thành chủ đề và nguồn cảm hứng vô tận cho những hoạt động văn hóa du lịch, xây dựng thương hiệu đặc sắc, không chỉ dễ dàng thu hút du khách quốc tế mà cả người dân địa phương.

Về giá trị vật thể, trong khuôn viên khu vực cảng Khánh Hội vẫn còn tồn tại hệ thống 9 trên tổng số 11 nhà kho cũ được xây dựng từ những năm 1925 - 1929 ở tình trạng tương đối hoàn chỉnh. Chúng là những di sản vô giá dù chưa được công nhận chính thức và luôn đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ bất cứ lúc nào. Hệ thống nhà kho cùng cầu tàu, cầu trục cảng, tháp nước kết hợp với những công trình có giá trị lịch sử rải rác trong quận 4 cần được trân trọng bởi giá trị quần thể hơn là những dấu tích riêng lẻ. Tập hợp quần thể di tích này mới có thể tạo điều kiện cho phát triển kinh tế di sản dưới góc độ đầu tư.

Phát triển cộng sinh

Giải pháp cộng sinh, trong đó, các di sản đô thị không bị phá bỏ nhưng cũng không bắt buộc “bảo tồn y nguyên” hay “cho vào bảo tàng” mà cần được đưa vào đời sống, “tái phát triển” để phục vụ những nhu cầu của cuộc sống đương đại, mang lại nhiều lợi ích tổng hợp cho cả nhà đầu tư và cộng đồng. Định hướng trên đặc biệt phù hợp với các di sản công nghiệp, di sản cảng vì việc chuyển đổi về chức năng, hình thức cho những cơ sở này không quá khó khăn và tốn kém như những di sản hàng nghìn năm tuổi.

Ở quy mô công trình, trong phương án khách sạn và căn hộ cao cấp Seafarers Residences ở Melbourne (Úc) năm 2018, nhà kho cũ được đơn vị thiết kế giữ lại và cải tạo thành trung tâm sự kiện của khách sạn, gắn vào phần công trình xây mới. Trong dự án Pier 70 ở cụm cảng cũ của San Francisco (Hoa Kỳ), tòa nhà công nghiệp cũ được chuyển đổi thành văn phòng làm việc sáng tạo với không gian mở tràn ngập ánh sáng. Trong những thiết kế như trên, nhà phát triển không cần phải đầu tư quá nhiều vào xây dựng câu chuyện thương hiệu cho công trình, mà tự thân di sản đã trở thành một trải nghiệm đặc sắc.

Nhà công nghiệp chuyển đổi thành không gian sáng tạo và bản sắc - trung tâm hội nghị, văn phòng, đường phố, công viên - ở các dự án Seafarers Residences (Thiết kế bởi Fender Katsalidis Architects, Úc), Pier 70 (Gensler, Hoa Kỳ), Pier 70 (SITELAB urban studio, Hoa Kỳ), Ex Macello (Nhóm KTS đại diện bởi Redo Sgr Spa, Ý).

Ở những dự án khác, nhà công nghiệp còn có thể chuyển đổi từ một khối chức năng đóng thành một không gian mở chỉ bằng việc giữ nguyên cấu trúc nhưng tháo đi hệ thống mái che, như trường hợp cũng thuộc tổ hợp Pier 70 nêu trên, nhà kho được biến trở thành một con đường. Tương tự, một nhà giết mổ gia súc đã được chuyển đổi thành công viên công cộng trong dự án Ex Macello ở Milan (Ý).

Từ góc độ quy hoạch chiến lược, việc giữ lại một khu vực di sản sẽ tạo ra một nét đặc trưng, một động lực phát triển cho toàn khu vực, thay vì một loạt các dự án “hoàn toàn mới” cạnh tranh trực tiếp với nhau. Trong đề án tái phát triển khu vực cảng của thành phố Hamburg, Đức – một trong những cảng quốc tế nhộn nhịp nhất châu Âu – khu vực các nhà kho lịch sử Speicherstadt đã được quy hoạch giữ lại toàn bộ, trở thành một quần thể di sản được UNESCO công nhận từ năm 2015. Song song đó, các khu vực lân cận được cho phép thu hút đầu tư và phát triển trong một kịch bản tổng thể, mỗi khu với một trọng tâm và bản sắc riêng về nhà ở, văn phòng, thương mại - dịch vụ, khách sạn...

Lấy cảng Khánh Hội làm trung tâm, các quỹ đất dọc sông Sài Gòn như khu cảng ICD Trường Thọ, bán đảo Thanh Đa, Khu chế xuất Tân Thuận (đang là trung tâm của những thảo luận chuyển đổi chức năng sau khi hết hạn cho thuê vào năm 2041), thậm chí kể cả Tân Cảng, Ba Son, hay xa hơn là bến du thuyền Mũi Đèn Đỏ, cảng Hiệp Phước và đô thị cảng Cần Giờ trong tương lai đều có thể trở thành một phần của bài toán phát triển hành lang kinh tế - văn hóa - du lịch - logistic đánh thức tiềm năng của sông Sài Gòn.

Quy hoạch tổng thể Hafencity (Hamburg) của Kees Christianse được lựa chọn từ một cuộc thi quốc tế năm 1999. Phần màu nâu là di sản được giữ lại, phần màu trắng là các công trình sẽ được xây mới. Nguồn ảnh: DPA.

Về cách tổ chức thực hiện, chúng ta có thể tham khảo cuộc thi thiết kế khu dân cư cải tạo từ nhà máy cũ Spinweberei, thị trấn Uhingen, vùng Stuttgart, Đức thuộc khuôn khổ chương trình IBA27. Đây là một chương trình tái phát triển các khu đất công nghiệp ở thành phố Stuttgart và vùng lân cận. Chương trình được tổ chức thành nhiều vòng, quy mô từ lớn đến nhỏ dần, nhằm vừa đảm bảo một tầm nhìn tổng thể, vừa đa dạng hóa các đối tượng tham gia, đối tượng sử dụng, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, các đơn vị thiết kế từ lớn đến nhỏ và người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến cho dự án.

Tổ chức nhận góp ý của người dân tại khu đất dự án Spinweberei (với nhiều công trình lịch sử xung quanh) cho vòng thi quy hoạch chung. Kết quả của vòng thi này là những tiêu chí phát triển dự án, cũng chính là đề bài cho vòng thi tiếp theo: quy hoạch chi tiết nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, nguyện vọng, và đề xuất phù hợp các tiêu chí đã chọn. Nguồn Faltin+Sattler và IBA27 GmbH.

Góc nhìn

Các bản quy hoạch trước đây bao gồm Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm hiện hữu thành phố (930ha) (năm 2012), cũng như Đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 của khu vực cảng quận 4 chưa xem đây là một di sản cần phải bảo tồn (ngoài khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh). Cảng Khánh Hội cũng chưa được đưa vào danh sách di tích văn hóa, di tích lịch sử của TP.HCM, là điều cần được xem xét điều chỉnh càng sớm càng tốt.

Những giải pháp, bài học thành công của những dự án tái phát triển đô thị cảng trên thế giới có thể cho chúng ta nhiều thông tin dữ liệu kiến thức để áp dụng, đóng góp vào định hướng chung “xoay trục” TP.HCM hướng ra sông Sài Gòn của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên cần có thêm cơ chế khuyến khích “tặng thưởng” mật độ, chiều cao, diện tích xây dựng... cho các đề xuất có giá trị bảo tồn, cải tạo di sản để vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, vừa không phải hy sinh di sản phục vụ cho nhu cầu phát triển. Mặt khác, để lựa chọn các phương án tốt nhất, cần tổ chức thi tuyển nhiều vòng với các tiêu chí cụ thể về bảo tồn, cải tạo di sản cảng.     

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất