Châu Phi bị tổn thất nhiều nhất từ biến đổi khí hậu
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP27), Tổng thống William Ruto của Kenya hôm 7/11 nhấn mạnh các nước giàu phải chịu trách nhiệm về lượng phát thải khí carbon vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch khiến trái đất nóng lên.
Ông kêu gọi các nước giàu phải thực hiện đúng cam kết giảm thải phát khí CO2 về 0 và giúp các nước đang phát triển bị tác động mạnh nhất từ sự nóng lên toàn cầu.
Nhân danh Nhóm các nhà Đàm phán Châu Phi (AGN), Tổng thống Ruto phát biểu: “Các nước châu Phi hầu như không góp phần thải phát khí ô nhiễm nhưng lại chịu tác động mạnh nhất từ cuộc khủng hoảng kéo dài này”, và ông gọi “những chiến thuật trì hoãn và lãng phí thời gian” trong việc đối phó biến đổi khí hậu là “tàn ác và bất công”.
Cùng lúc, ông khẳng định châu Phi “có thể giữ một vai trò không thể thiếu và tích cực trong tương lai biến đổi khí hậu của trái đất”, vì châu lục này có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, nhiều đất đai và nguồn nhân lực lao động trẻ và năng động.
Tổng thống Ruto tuyên bố kế hoạch trong năm 2023 sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh châu Phi, qua đó tập trung đối phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi tăng trưởng xanh và bền vững. Ông cũng công bố kế hoạch tăng độ bao phủ của cây xanh từ khoảng 12% lên 30% trong 10 năm tới.
Hiện nay, các nước châu Phi góp không quá 3% lượng khí thải CO2, trong khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Vương Quốc Anh tạo ra gần một nửa lượng khí thải.
Dù vậy, châu Phi lại bị tổn hại nhiều nhất từ những tàn phá đi đôi với sự nóng lên của trái đất. Nhiều vụ lở đất làm chết nhiều người đã xảy ra ở Uganda do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong khi hạn hán nghiêm trọng ở Kenya đã khiến hơn 90% nguồn nước bị khô cạn. Những mùa vụ thất bát và súc vật chết vì đói đồng nghĩa nhiều người sẽ không đủ ăn.
Tổng thống Ruto nói hạn hán đã “đến thăm sự khốn quẫn của hàng triệu người” và gây tổn thất kinh tế 1 tỷ USD.
Nước giàu gây ô nhiễm thì phải bồi thường
Theo báo Đức - Deutsche Welle, cho đến nay nhiều nước giàu chưa thực hiện lời hứa cung cấp 100 tỷ USD/năm từ năm 2020, để giúp các nước đang phát triển chi cho các kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu như chi chống lũ hoặc các loại giống nông sản kháng hạn.
Tổng thống Ruto nói việc chưa giữ lời hứa hồi năm 2009 đã tạo ra một sự “không tin cậy” dai dẳng.
Chính phủ Kenya đã phải chi nhiều tiền - lấy từ ngân sách y tế và giáo dục - để cung cấp lương thực hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng, và động thái này là một ví dụ về sự biến đổi khí hậu đã gây hại đến sự phát triển của các quốc gia bị tổn thương và gây hại cho tương lai của người dân các nước này, ông Ruto nói.
Các nước châu Phi cùng các quốc gia khác cũng bị tổn thất vì biến đổi khí hậu, đang đòi hỏi một cơ chế chính thức, trong đó những ai gây ô nhiễm mạnh thì phải chi tiền bồi thường cho những thiệt hại và mất mát nghiêm trọng do sự nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nước giàu đang sợ phải gánh chịu tất cả vì những sự cố thời tiết cực đoan. Đó là một điểm bất đồng chính trong những cuộc đàm phán về bồi thường thiệt hại và mất mát.
Dù vậy, Bỉ trong ngày 7/11 đã hứa chi 2,5 triệu euro để giúp Mozambique, trong khi Scotland và Đan Mạch cũng hứa giúp các nước đang phát triển đối phó những thiệt hại và mất mát không tránh được do biến đổi khí hậu.
Châu Phi dồi dào năng lượng xanh
Vương quốc Anh đã đồng ý tăng tốc tài trợ cho 6 dự án đầu tư xanh của Kenya, khi lãnh đạo hai nước gặp nhau tại COP 27.
Các quốc gia thường xuyên bị hạn hán như Tây Ban Nha và Senegal, đã tuyên bố một liên minh chia sẻ tri thức và công nghệ để giúp châu Phi điều hòa nguồn nước.
Trong 20 năm qua, chỉ có 2% nguồn đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo ở châu Phi, theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), một tổ chức khuyến khích sử dụng năng lượng xanh.
Nhưng châu Phi có tiềm năng khổng lồ về năng lượng tái tạo, theo nhà kinh tế học Nemat Shafik của trường London School of Economics.
Ông nói với lãnh đạo các nước dự COP 27: “Nhiều quốc gia châu Phi giàu nắng mặt trời, gió, sông và rừng. Với sự hỗ trợ, họ có thể loại bỏ các hệ thống năng lượng bẩn của quá khứ. Cuộc cách mạng công nghiệp xanh có thể là câu chuyện phát triển mới cho châu Phi”.
Kế hoạch xanh 6 điểm của Châu Phi
Giải quyết sự mất mát và thiệt hại là một phần trong kế hoạch hành động 6 điểm do AGN thỏa thuận, nhằm kêu gọi thực hiện những cam kết của các nước khi tham dự Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Kế hoạch này nêu rõ, biến đổi khí hậu là “một vấn đề toàn cầu, sẽ cần đến các giải pháp cấp toàn cầu”, nhưng lưu ý thêm rằng nguyên nhân và tác động thì không bằng nhau.
“Điều cần thiết là các nước phát triển tuân thủ lời hứa cung cấp tài chính cho các giải pháp thích ứng sự biến đổi khí hậu, quỹ đền bù tổn thất và mất mát cũng như tăng tốc thực hiện nỗ lực đạt mục tiêu phát thải ròng về 0”, theo chủ tịch AGN là Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Mamo Nemera Gebeyehu của Ethiopia đã viết trong bản kế hoạch.
AGN cũng kêu gọi tài trợ cho các giải pháp thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nhằm giúp châu Phi nhanh chóng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời. Sự hỗ trợ của các nước giàu còn gồm cung cấp công nghệ và đào tạo.