Chỉ trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt hơn 5,9 tỷ USD, giúp tổng kim ngạch trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 51,7 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng cũng khẳng định, mục tiêu 55 tỷ USD vào cuối năm nay là hoàn toàn khả thi, nhờ nỗ lực tái cơ cấu và mở rộng thị trường suốt nhiều năm qua.
Châu Á là thị trường xuất khẩu chủ lực
Các mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Châu Á, chiếm đến 48% thị phần. Thị trường châu Mỹ và châu Âu đứng thứ hai và ba, lần lượt chiếm 23,5% và 11,5%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là những đối tác lớn nhất. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 26%, Trung Quốc tăng hơn 11%, và Nhật Bản tăng gần 6%. Điều này cho thấy vị thế ngày càng cao của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Trong chuyến thăm UAE mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) với UAE – quốc gia Arab đầu tiên mà Việt Nam ký FTA. Việc ký kết CEPA giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Halal ở Trung Đông, vốn có nhu cầu lớn và yêu cầu tiêu chuẩn cao. Cùng với những Hiệp định Thương mại Tự do khác, CEPA mở rộng cánh cửa cho nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường mới.
Thặng dư thương mại nổi bật: gỗ, rau quả, cà phê và gạo
Năm nay, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại ấn tượng. Đặc biệt, gỗ và sản phẩm từ gỗ có thặng dư lớn nhất, đạt 10,91 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Hàng rau quả thặng dư 4,47 tỷ USD, tăng gần 40%; cà phê đạt 4,33 tỷ USD, tăng 38,5%; và gạo thặng dư 3,68 tỷ USD, tăng 13,1%. Tôm và cá tra cũng là hai mặt hàng chủ lực với thặng dư lần lượt đạt 2,92 tỷ USD và 1,54 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh những thành tựu, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong khâu chế biến sâu, cơ sở hạ tầng, và vấn đề môi trường. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng, mặc dù đã cải thiện đáng kể, lĩnh vực chế biến nông sản vẫn cần đầu tư nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, hạ tầng xử lý nước thải cần được nâng cấp để tránh gây ô nhiễm khi quy mô sản xuất ngày càng mở rộng.
Hỗ trợ nông sân sau bão
Sau các đợt bão Yagi và Trà Mi, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều hội nghị để hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất nông nghiệp. Bộ cũng chỉ đạo nhanh chóng cung cấp cây giống, vật tư và thức ăn cho các ngành trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi. Những nỗ lực này giúp ổn định sản xuất và đời sống cho bà con nông dân tại các vùng bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại.