, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/05/2018, 01:22

Để trái bơ thành...trái chủ lực

Hiện nay, tại Tây Nguyên, cây bơ đang được xem là một trong những loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc quy hoạch vùng trồng, đang là nỗi lo lắng của cả người trồng lẫn nhà quản lý. PV Tạp chí Nông thôn Việt ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam:

Mở rộng diện tích cây bơ phải theo quy hoạch

Hiện nay, tại Tây nguyên, bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai với tổng diện tích đạt 7.892ha và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Đặc biệt, cây bơ được trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu bước đầu cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Tuy nhiên, Cục Trồng trọt khuyến cáo, đối với việc mở rộng diện tích cây bơ, các tỉnh cần đánh giá và quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm ổn định giá cả và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tăng cường sản xuất có chứng nhận VietGAP.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Quốc Thích:

Cần có quy trình kỹ thuật trồng xen canh cây bơ

Đắk Lắk là vùng có diện tích trồng bơ lớn nhất nước với 4.308ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 2.036ha. Năm 2017, diện tích bơ tại Đắk Lắk tăng thêm 1.894ha, chủ yếu được chuyển đổi từ diện tích cây công nghiệp kém hiệu quả. Ngoài ra, diện tích bơ tăng do người dân trồng xen trong cà phê và các vườn cây công nghiệp khác. Tổng sản lượng bơ của tỉnh năm 2017 đạt 35.544 tấn, năng suấ 174,60 tạ/ha.

Qua kết quả đánh giá sơ bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, trong các mô hình xen canh cây dài ngày tại địa phương, loại hình cà phê trồng xen bơ có hiệu quả kinh tế cao nhất, thu nhập trung bình khoảng 400 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 3,25 lần so với trồng cà phê thuần. Cao nhất là tại huyện Krông Buk, đạt tới 871 triệu đồng/ha.

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Cục Trồng trọt sớm xây dựng và ban hành các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc đối với những vườn trồng xen canh, trong đó có trồng bơ xen với cà phê để áp dụng trong những năm tới.

Chọn giống bơ phù hợp với vùng trồng

Cây bơ là loại cây trồng thế mạnh ở vùng Tây nguyên, có giá trị kinh tế cao. Trong vài năm trở lại đây, cây bơ được phát triển rộng rãi ở quy mô hàng hóa. Trước thực trạng đó, Viện đề xuất: khi trồng các loại cây ăn quả, cần bố trí cơ cấu giống rải vụ để đảm bảo kéo dài thời gian cung cấp sản phẩm ra thị trường. Nên sử dụng các giống chất lượng tốt, có nguồn gốc, sạch sâu bệnh, có giá trị kinh tế và hàng hóa như Booth 7, Hass… Đồng thời lưu ý tính phù hợp với từng vùng sinh thái. Giống bơ Hass phù hợp với các vùng có khí hậu lạnh hơn so với giống bơ Booth. Hiện nay vấn đề sâu bệnh hại trên cây bơ cũng cần được quan tâm. Các loại sâu bệnh hại có thể gây hại trên cả cây và quả. Vì vậy, cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học và tuân thủ chặt chẽ quy trình sử dụng thuốc hóa học trong phòng trừ sâu bệnh hại để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

(Trích tham luận của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên – WASI)

TS. Phạm Văn Tấn – Phó Giám đốc Phân Viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch:

Ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả bảo quản, chế biến bơ

Hiện nay, nông dân đã sử dụng những giống bơ cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật để trồng bơ rải vụ, tuy nhiên khi đến thời điểm vụ chính, sản lượng bơ vẫn tập trung cao nhất. Nếu không tiêu thụ kịp thời, bơ rất dễ bị hư hỏng, gây tổn thất lớn. Chính vì vậy, công tác bảo quản, chế biến sau khi thu hoạch bơ giữ vai trò rất quan trọng. Ngay sau khi hái xuống, trái bơ cần được đưa vào quy trình xử lý. Những biện pháp như xử lý nhiệt, phủ màng bảo vệ… sẽ giúp trái bơ giảm tốc độ hô hấp, tránh bị thối ở phần cuống, kéo dài thời gian bảo quản đến 5 tuần.

Hiện nay, tại các nước khác đã có rất nhiều công nghệ chế biến bơ. Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng liền những công nghệ này đối với trái bơ Việt Nam. Mỗi giống bơ, mỗi loại bơ có những đặc điểm khác nhau. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh những công nghệ từ nước ngoài sao cho phù hợp với tính chất của các loại bơ ở Việt Nam.

Phân Viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cũng đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý, bảo quản trái bơ và quy trình công nghệ chế biến purê trái bơ. Theo đó, phần thịt bơ khi chín sẽ được xay nhỏ, cấp đông trong khoảng thời gian từ 8-20 tiếng rồi đem bảo quản ở môi trường nhiệt độ -18 độ C. Sau khi rã đông, sản phẩm có thể dùng để ăn ngay. Không chỉ giữ được hương vị tự nhiên của bơ, sản phẩm này có thời hạn sử dụng đến 6 tháng. Đây còn là bơ nguyên liệu cho những mặt hàng chế biến khác. Việc ứng dụng công nghệ vào bảo quản, chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng của trái bơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Phân Viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ chế biến purê trái bơ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến.

Ông Đỗ Việt Hà, Phó Giám đốc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM:

Mở đường xuất khẩu để cây bơ phát triển bền vững

Cây bơ đem lại nguồn thu lớn cho nông dân, trồng đến năm thứ 5 là có khả năng thu được 25-30 tấn quả/vụ/ha. Giá thấp nhất khoảng 30.000 đồng, cao điểm có thể lên đến 100.000/ký đối với các loại bơ ngon. Vì thế, diện tích trồng bơ có xu hướng ngày càng tăng. Điều đáng lo là việc trồng bơ chưa theo quy hoạch, chủ yếu là nông dân thấy có lợi nên tự mở rộng vườn trồng.

Chính vì vậy, cần phải có những định hướng đúng đắn cho ngành sản xuất bơ để tránh tình trạng phải “giải cứu” trái bơ trong tương lai. Một trong những phương án cần được chú trọng đó là mở đường xuất khẩu để duy trì sự phát triển bền vững cho cây bơ. Trái bơ giàu giá trị dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng tại các nước. Tuy nhiên, không phải ở đâu cây bơ cũng có thể sinh trưởng tốt và cho quả chất lượng. Hằng năm, Mỹ vẫn phải nhập một lượng lớn bơ từ Mexico và Nam Phi.

Vấn đề khó khăn nhất trong quy trình sản xuất bơ đó là khâu bảo quản. Bơ được cho là một loại trái cây “khó tính” vì không dễ bảo quản, hiện chủ yếu dùng để ăn tươi nhưng thường chỉ để được đến tối đa 5 ngày. Đặc tính chín đồng loạt, dễ dập nên rất khó có thể vận chuyển đến các tỉnh xa hay xuất khẩu. Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm chế biến nào từ bơ. Mặt khác bơ cũng là loại trái cây rất khó để chế biến, nếu chế biến không đúng cách, bơ rất dễ nhiễm vị đắng.

Được biết, sắp tới, một doanh nghiệp Việt Nam – Minh Hưng Group sẽ liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để đưa công nghệ High Pressure Processing (HPP) vào ứng dụng trong ngành chế biến bơ tại Việt Nam. Công nghệ mới này đã được triển khai thành công tại Mỹ, giúp các sản phẩm chế biến từ bơ giữ nguyên hương vị, chất dinh dưỡng, độ tươi ngon, đồng thời kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm.

Để có nguồn bơ chất lượng, cần xây dựng các trang trại trồng bơ theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đảm bảo đúng kỹ thuật trong tất cả các khâu từ chọn giống, trồng cây con, chăm sóc cây, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch… Chúng ta phải nghiên cứu kỹ thuật trồng sao cho mang lại hiệu quả cao hơn. Trái bơ dễ bị dập, mà cây bơ ở Việt Nam thường rất cao, trong lúc hái không thể tránh khỏi những va đập. Cần phải tính toán cắt tán, tỉa cành sao cho cây bơ không phát triển quá cao, như ở Nhật, cây bơ thường cao không quá 3m

Đặng Thùy ghi

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất