, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 05/02/2022, 08:00

Di sản làng nghề làm bánh dân gian

PHƯƠNG MINH
(tổng hợp)
Khắp mọi miền đất nước ta, đâu đâu cũng có những làng nghề làm bánh dân gian. Đến nay, nhiều làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và phát huy giá trị. Trong đó một vài làng nghề làm bánh truyền thống ở Nam bộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

Ở Giồng Trôm tỉnh Bến Tre, có hai làng nghề truyền thống tồn tại hơn 100 năm qua, đó là làng bánh tráng Mỹ Lồng (ấp Mỹ Lồng, xã Mỹ Thạnh) và làng bánh phồng Sơn Đốc (ấp Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng). Dù ở miền Tây Nam bộ, bánh tráng, bánh phồng là những loại bánh phổ biến làm từ gạo nếp, nhưng cứ bánh ngon là người miền Tây sẽ nói đến “Bánh tráng Mỹ Lồng, Bánh phồng Sơn Đốc”. Danh tiếng này đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Bánh phồng Sơn Đốc.

Bánh tráng Mỹ Lồng được làm từ gạo nếp xay thành bột, trộn với nước cốt dừa, có mè đen, tráng trên bếp và mang phơi. Bánh phồng Sơn Đốc cũng làm từ gạo nếp, trộn với nước cốt dừa và đường đen, nhưng được “quết” thành bột, rồi cán thành từng chiếc bánh nhỏ, sau đó mang phơi dưới nắng sớm. Cả hai loại bánh của xứ dừa đều mang mùi thơm từ gạo, vị ngọt của nước cốt dừa. Bánh có thể ăn sống, nhưng thơm ngon nhất vẫn là khi được nướng trên bếp rơm hoặc bếp than cho chiếc bánh giòn tan.

Ngày trước, bánh tráng và bánh phồng chỉ được làm vào mỗi khi Tết đến, nhưng nay thì hai làng nghề sản xuất quanh năm, mang lại nhiều giá trị kinh tế cho địa phương, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ và phát triển du lịch bản địa. Du khách đến đây khám phá và trải nghiệm nghề truyền thống độc đáo, tự tay nướng bánh, thưởng thức tại chỗ và nghe kể những câu chuyện về đời sống của bà con làng nghề.

Ngày nay, ngoài loại bánh truyền thống, bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc có thêm nhiều loại bánh phong phú về hương vị, kết hợp với những loại trái cây và thực phẩm khác của vùng: bánh tráng nem, bánh tráng dừa, bánh phồng sữa, phồng mì dán chuối...

Bánh Pía Vũng Thơm

Bánh Pía không chỉ là đặc sản mà còn là biểu tượng ẩm thực của Sóc Trăng, gắn liền với làng nghề làm bánh truyền thống. Đa phần các cơ sở sản xuất bánh Pía ở Sóc Trăng đều là gia đình người Hoa tập trung ở khu vực xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) - tên dân gian gọi là Vũng Thơm.

Bánh Pía Vũng Thơm.

Bánh Pía là một loại bánh ngọt, được người Minh Hương khi di cư vào Việt Nam từ thế kỷ thứ XVI truyền lại cho các thế hệ con cháu. Đây là loại bánh có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu. Từ “pía” đọc trại từ tiếng gốc “pi-é” tiếng Triều Châu có nghĩa là bánh. Vì vỏ bánh có cấu trúc nhiều lớp da xếp chồng lên nhau, có thể lột ra dễ dàng nên dân gian còn có tên gọi khác là “bánh lột da”.

Ngày trước, bánh pía có nhân làm bằng thịt vịt quay, chao cùng với mỡ heo, vỏ bánh làm bằng bột mì hoặc hạt kê, nướng dưới lửa than. Sau này, tận dụng sản vật của vùng Tây Nam bộ, người ta đã tạo ra những loại bánh có hương vị phù hợp hơn với người Việt. Nhiều loại nhân bánh khác nhau đã ra đời, cả bánh ngọt và bánh mặn như bánh nhân đậu xanh, nhân môn, nhân lá cải muối mặn…

Vốn là loại bánh truyền thống của người Hoa, lúc đầu bánh pía được bán ở các tiệm tạp hóa, các quán nước trong vùng. Về sau, khi buôn bán được mở rộng, có thương nhân mang bánh pía đến vùng Lái Thiêu - Bình Dương và Biên Hòa - Đồng Nai để bán. Thấy vùng này có nhiều sầu riêng nên đề xuất lò bánh Tạo Thành (một trong những lò bánh pía đầu tiên ở Vũng Thơm) làm thử bánh nhân sâu riêng. Từ đó, bánh pía nhân sầu riêng đậu xanh dần phổ biến và nổi tiếng đến nay. Dọc tuyến đường từ TP.HCM đi miền Tây, các quán ăn, cửa hàng không bao giờ thiếu bánh pía. Khách hàng mua bánh về dùng và làm quà biếu tặng như một loại đặc sản. Bánh pía Sóc Trăng đã đi đến cả Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc…

Làng nghề bánh pía ở Sóc Trăng đã không ngừng xây dựng thương hiệu, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu cho ra sản phẩm ngày càng tinh xảo và mang nét đặc trưng của vùng. Địa phương đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống này và tiến hành xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm bánh pía Sóc Trăng.

Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

ghề bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng tập trung tại khu phố Lộc Du, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Có nhiều câu chuyện khác nhau về sự xuất hiện của loại bánh này, nhưng có một giai thoại được tương truyền rộng rãi. Hơn 100 năm trước, có một gia đình từ miền Trung vào Trảng Bàng, Gia Định (nay thuộc Tây Ninh) khai hoang và sinh sống. Họ lấy nghề làm bánh tráng truyền thống và bánh tráng nướng để mưu sinh. Một hôm, cô con dâu vì mệt quá nên gom bánh mà để quên 2 vỉ bánh nướng ngoài sân. Sáng ra, bị mẹ mắng vì tiếc của. Người chồng thương vợ nên đã gỡ những chiếc bánh ấy và hái đọt rau xanh quanh nhà để ăn cùng. Không ngờ bánh lại có vị ngon và vô cùng thích thú. Từ đó mà bánh tráng phơi sương trở thành đặc sản của vùng Trảng Bàng.

Câu chuyện tương truyền chỉ đơn giản vậy, nhưng để làm ra được loại bánh tráng phơi sương chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ. Điều đặc biệt là bánh tráng phơi sương luôn được tráng đến 2 lớp, sau khi phơi, bánh được mang đi nướng rồi cuối cùng là đến phơi sương. Bí quyết làm bánh chỉ được truyền trong gia đình, nhiều thế hệ đã sinh ra, lớn lên và tiếp nối nghề truyền thống của ông bà cho đến nay. Bánh tráng phơi sương ngày nay trở thành món ăn đặc sản độc đáo của người Việt, gắn với địa danh Trảng Bàng, Tây Ninh. Quá trình phát triển của nghề làm bánh tráng phơi sương đã phần nào phản ánh sự sáng tạo của người dân địa phương.

Cứ 2 năm, “Lễ hội văn hóa, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng” lại được tổ chức nhằm bảo tổn và phát huy giá trị di sản phi vật thể này. Với quy mô khoảng 200 gian hàng, lễ hội là không gian giới thiệu hoạt động làng nghề, trải nghiệm quá trình làm bánh và thưởng thức tại chỗ. Ngoài việc giao lưu, xúc tiến thương mại, Lễ hội cũng là nơi tôn vinh các nghệ nhân đang cùng nhau giữ gìn và phát triển làng nghề.

Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đã công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với cả 2 làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc (cuối năm 2018), nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (năm 2016), nghề làm bánh pía ở xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (năm 2020).

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất