, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 02/03/2022, 08:00

Làm nông nghiệp độc đáo ở Bali

CHU MINH KHÔI
Trong khi ở Việt Nam máy gặt đập liên hợp đã vào khắp vùng nông thôn thì nông dân ở đảo Bali của Indonesia vẫn gặt lúa bằng liềm, đập lúa bằng tay… Trung thành với cách trồng lúa theo kiểu truyền thống và không cần sự trợ giúp của phân bón hay thuốc trừ sâu, nông nghiệp ở Bali vẫn phát triển.
Đền thờ tại Bali.

Ấn tượng nghề trồng lúa

Đảo Bali được mệnh danh là “Đảo thần”, là “Thiên đường nhiệt đới”. Sức hấp dẫn của Bali là những ngôi đền kỳ bí, những bãi biển dài miên man, những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, những ngọn núi lửa cao chót vót, những mặt hồ nguyên sơ trên miệng các dãy núi lửa đã tắt và những cánh rừng nhiệt đới đầy ắp cuộc sống hoang dã. 

Trên đảo Bali đâu cũng có đền, mỗi làng mạc có ít nhất 3 ngôi đền, mỗi hợp tác xã nông nghiệp một ngôi đền, mỗi xí nghiệp một ngôi đền... Hòn đảo này có tới 20.000 ngôi đền lớn nhỏ, cho thấy tầm quan trọng của thế giới tâm linh đối với người dân trên đảo.

Đảo Bali có tới 20.000 ngôi đền lớn nhỏ.

Khác với thủ đô Jakarta toàn bê tông, khắp Bali chỗ nào cũng tràn ngập màu xanh của vườn cây và những thửa ruộng xanh ngát. Đất đai tại Bali có sự ảnh hưởng của dòng nham thạch núi lửa, cung cấp cho đất nhiều khoáng chất. Chính điều này đã đưa Bali thành vùng trồng lúa màu mỡ nhất trong quần đảo Indonesia, mặc dù mật độ dân cư tại Bali rất cao. 

Chứng kiến nông dân Bali canh tác nông nghiệp, chúng tôi vô cùng bất ngờ. Nông dân vẫn gặt lúa bằng liềm, sau đó đập lúa bằng tay ngay tại ruộng. Họ cầm từng nắm lúa đập vào một tấm gỗ cho hạt thóc văng ra. Ðể chắc chắn lúa không bị sót, rơm tiếp tục được đem vò bằng chân một lần nữa. Họ vẫn rê thóc bằng cách bê thúng thóc giơ lên ngang đầu rồi nghiêng thúng cho thóc chảy chậm xuống, gió thổi những hạt thóc lép bay đi. 

Những hình ảnh này vốn quen thuộc với tôi thuở ấu thơ (cách đây 30 năm) nhưng ngày nay nông dân ở nước ta gần như không còn làm vì từ lâu đã có máy tuốt lúa, thậm chí máy tuốt lúa giờ cũng đã trở nên lỗi thời trước máy gặt đập liên hợp. Dụng cụ để cấy lúa ở Bali cũng rất thô sơ, chỉ là một vạt tre để căn luống mạ. Máy làm đất chỉ là chiếc máy cày cỡ nhỏ.

Nông dân đập lúa bằng tay ngay tại ruộng.

Tại các chợ bán nông sản trên đảo này, người bán hàng vẫn sử dụng loại cân thăng bằng hai đĩa kiểu xưa. Một bên đặt những nông sản mà khách hàng cần mua, bên kia thì đặt lần lượt từng quả cân với trọng lượng định sẵn cho đến khi 2 đĩa cân bằng sẽ tính được khối lượng của nông sản là bao nhiêu. 

Điều này với tôi khá lạ lẫm vì từ lâu ở Việt Nam những chiếc cân đồng hồ, cân điện tử đã thống soái hoạt động mua bán nên không còn nhìn thấy những chiếc cân thăng bằng như vậy nữa.

Tại các chợ bán nông sản trên đảo này, người bán hàng vẫn sử dụng loại cân thăng bằng hai đĩa kiểu xưa.

Trung tâm nông nghiệp Bali nằm gần hồ Beratan - hồ trên núi, tọa lạc ở độ cao 1.231m so với mực nước biển. Đây là hồ nước rộng thứ 2 sau hồ Batur nhưng lại là hồ nước chính cung cấp nước cho những thửa ruộng bậc thang ở Bali. 

Trung tâm có rất nhiều loại cây và giống động vật phong phú. Mọi loại cây trồng ở đây đều được canh tác theo kiểu hữu cơ, không bón phân hóa học và môi trường cũng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Độc đáo tín ngưỡng nông nghiệp

Ở Bali, chúng tôi ấn tượng mạnh mẽ bởi tín ngưỡng nông nghiệp được giữ gìn nghiêm mật. Trong đời sống tôn giáo của người dân bản địa trên đảo Bali, gạo là món quà của thượng đế. Trên mỗi cánh đồng nơi đây đều hiện hữu một đền thờ nhỏ bằng đá. Ở mỗi ruộng lúa, đều có những “bàn thờ” thần ruộng được làm bằng một cây tre cắm xuống đất.

“Bàn thờ” thần ruộng được làm bằng một cây tre cắm xuống đất.

Những nông dân ở đây cho biết, trước khi thu hoạch mùa màng họ đều phải thực hiện nghi lễ cúng thần ruộng và xin phép linh hồn những cây lúa cho họ được gặt chúng. Nông dân thực hiện nghi lễ bằng những vật cung tiến được sử dụng nguyên liệu từ cây cọ, lá tre và gạo nếp để nặn thành hình những bông hoa và chiếc lá.

Cùng với “món quà của Thượng đế”, hệ thống Subak là một phần của văn hóa thờ nước và văn hóa nông nghiệp tại Bali. Hệ thống này bao gồm nhiều thành tố, trong đó có rừng đầu nguồn, những khu ruộng bậc thang, các tổ chức tôn giáo và đền thờ gắn với tục thờ nước, hệ thống kinh rạch, làng xóm… Năm 2012, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận hệ thống canh tác Subak là Di sản thiên nhiên thế giới.

Theo tài liệu của Indonesia, Subak là một tổ chức xã hội và tôn giáo độc đáo của người dân Bali, được phát triển từ thế kỷ thứ 9, có vai trò quyết định việc sử dụng nước tưới (thủy lợi) trong canh tác lúa truyền thống. Từ tổ chức này và triết lý của nó mà hệ thống Subak ra đời (thế kỷ thứ 9), được quản lý chặt chẽ và trở thành tài sản chung gắn liền với văn hóa truyền thống và điều kiện sinh sống tự nhiên của người dân bản địa cho đến ngày nay.

Đường phố ở Bali.

Chính hệ thống canh tác nông nghiệp độc đáo cùng với hàng nghìn đền thờ và những bãi biển đẹp đã trở thành vốn quý thu hút khách du lịch thế giới đến với Bali.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất