, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 16/12/2021, 16:59

Làng trống Thanh Văn

TUYẾT TRINH
Không hình thành làng nghề đặc trưng, nhưng tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) có một làng nghề làm trống lâu đời nổi tiếng mà những người sành sỏi về trống thường rỉ tai nhau về đây đặt hàng. Đó là làng nghề trống xã Đại Đồng dọc dốc Rạng, trên đường Quốc lộ 46. Với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là của anh em nhà họ Phan nhưng hàng năm nơi đây vẫn tạo ra hàng trăm chiếc trống xứ “Nhút” ấn tượng mà tiếng vang của nó khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy rạo rực, phấn khích.

Hậu duệ đời thứ 9 và những bí kíp gia truyền độc đáo

Từ xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, tổ tiên dòng họ Phan đã mang nghề làm trống gia truyền nức tiếng thời đó về đặt những viên gạch đầu tiên mở ra nghề làm trống tại mảnh đất Thanh Văn (nay là xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương).

Chúng tôi tìm về xưởng sản xuất trống lớn và lâu đời nhất của ông Phan Văn Cư (sinh năm 1959). Trong cơ ngơi khang trang có đủ các loại trống từ trống chầu, trống lân, trống nhạc lễ, trống đại…đã hoàn thành chuẩn bị giao cho khách, ông Cư - người hậu duệ đời thứ 9 của làng trống Thanh Văn, say sưa giới thiệu và đánh thử trống cho khách hàng xem.

Theo ông Cư, việc lựa chọn nguyên liệu có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định tiếng vang và độ bền của một chiếc trống. Trong các loại gỗ thì gỗ mít là loại gỗ dẻo nhẹ, ít co giãn, “đánh ít vang nhiều”, đặc biệt gỗ càng già, âm thanh thu được càng vang vọng. Cũng vì thế, những chiếc trống truyền thống từ xưởng của ông sử dụng 100% gỗ mít để làm tang trống. Để tìm được nguồn gỗ mít chất lượng, hàng tháng ông và con trai đều lặn lội lên các huyện miền núi Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn... vào tận nhà dân để thu mua, đặt hàng.

Da làm mặt trống chủ yếu sử dụng da bò vì cho âm thanh tốt hơn, chỉ những loại trống cỡ đại mới sử dụng đến da trâu. Da của con vật càng già thì độ bền và âm thanh càng rền. Da tươi được thu mua từ các cơ sở giết mổ về sẽ được cạo bớt phần mỡ thừa để đạt đến một độ dày nhất định. Sau đó dùng nẹp căng ra phơi nắng, nếu trời mưa thì đốt lửa hong từ 15 đến 20 ngày, rồi lại đem vào sấy đến đủ độ để đảm bảo da khô không bị mục, mủn, mốc trong quá trình sử dụng.

Công đoạn phơi nắng da làm mặt tống

Gỗ được cưa máy thành những thanh đều rộng từ 5 - 10cm tùy thuộc vào từng loại trống. Sau khi phơi khô, chúng lại tiếp tục được xẻ thành những thanh dăm và bào để có độ cong, dày theo ý muốn. Từ các thanh dăm này, người thợ sẽ lắp ghép trong những thanh tre để tạo thành phần tang trống. Khi chuẩn bị bưng trống, người thợ sẽ đem tang trống ra bào chuốt cho tròn đều, cân đối, trơn tru.

Công đoạn bưng trống hay còn gọi là công đoạn néo da vào tang trống là khó nhất, yêu cầu kỹ thuật cao và kinh nghiệm dày dặn từ người làm. Người ta cho tang trống vào bệ néo cố định, dùng da trâu bò đã đạt chuẩn áp vào tang trống sao cho cân đối và néo lại bằng dây thừng. Để căng da trống, sau mỗi lần dẫm lên da trống, người thợ lại cho kích đẩy trống lên một chút, cứ như thế cho tới khi da trống căng và gõ vào tiếng vang như ý muốn. Sau khi bịt da trống xong người thợ phải khéo léo đục lỗ và chốt vào đó những dãy đinh tre đều đặn, đẹp mắt để cố định phần da và tang trống. Cuối cùng là trang trí trống như đóng đai, thêm họa tiết, sơn màu theo yêu cầu của khách hàng.

Mỗi công đoạn làm trống đều không hề đơn giản đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ, đôi tay khéo léo mới tạo ra được một chiếc trống đạt chuẩn. Bất kỳ một sai sót nhỏ nào đều có thể làm trống bị lỗi méo mó, tiếng kêu đục. Bên cạnh đó với mỗi loại trống như trống lễ hội, trống đám ma, trống nhà thờ, trống thiếu nhi... sẽ có một yêu cầu về âm thanh, độ vang, độ rền khác nhau, do đó người thợ cũng cần có năng khiếu thẩm âm tốt để tạo được chiếc trống đúng mục đích.

Hiện nay cơ sở sản xuất Cư Hồng của ông Phan Văn Cư là lớn nhất vùng. Ngoài xưởng tại nhà riêng, ông cũng mở rộng thêm 2 cơ sở tại huyện Anh Sơn và Đô Lương. Không website, fanpage hay thương mại điện tử rầm rộ, khách hàng đến với cơ sở Cư Hồng qua sự giới thiệu của người quen. Nhờ uy tín gần xa, hàng năm xưởng cũng sản xuất và bán ra thị trường khoảng 500 chiếc trống. Giá bán mỗi loại từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, máy móc... cũng mang về thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho gia đình. Nhờ đơn đặt hàng đều đặn, xưởng ông Cư cũng góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức chi trả 200.000 - 400.000 đồng/ngày tùy trình độ. Những dịp cận Tết, đơn hàng dồn dập, ông phải thuê thêm nhân công thời vụ.

Ngoài xưởng của ông Cư thì xưởng của ông Phan Văn Ngụ (em trai ông Cư) kế đó cũng làm không hết việc. Vì thế kinh tế ngày càng khá giả, nghề làm trống của anh em nhà ông Cư trở thành điểm sáng về mô hình phát triển kinh tế trong vùng.

Người trẻ không mặn mà với nghề?

Trước đây để hoàn thành một chiếc trống mất cả tháng trời. Ngày nay nhờ có máy móc công nghệ hỗ trợ, trống được làm nhanh gấp bội. Với những loại trống nhỏ chỉ mất một ngày là có thể làm xong. Tuy vậy vẫn có những công đoạn cần làm thủ công, tốn nhiều công sức của người thợ. Ông Cư, ông Ngụ là một trong số ít người “ăn nên làm ra” với cái nghề được đánh giá tỉ mỉ, kỳ công này. Còn lại rất ít người trụ được, đặc biệt là người trẻ.

Là truyền nhân kế cận và nắm giữ những bí quyết làm trống riêng độc đáo của dòng họ, anh Phan Văn Dũng, Phan Tuấn Văn (con ông Cư) là hai trong số những người trẻ tiếp nối nghiệp cha để duy trì và phát triển xưởng gia đình. “Kỹ thuật khó, học nghề lâu, thời gian, công sức dành cho một chiếc trống thực sự thách thức tính kiên nhẫn của nhiều người. Chỉ những người thật sự đam mê mới có thể trụ vững và theo đuổi nghề này”, anh Dũng cho hay.

Trống làm ra được bán cho các nhà thờ họ, đền, chùa... Tuổi thọ của một chiếc trống rất bền, có những cái lên đến 20 năm. Bên cạnh đó nguyên liệu gỗ mít ngày càng khan hiếm, đắt đỏ, trong khi trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm trống giá rẻ do được làm từ những loại gỗ không chất lượng. Tình trạng này đặt sản phẩm trống truyền thống của làng nghề Đại Đồng vào vị thế cạnh tranh gay gắt, đầu ra có nhưng không phải là dồi dào, chủ yếu là khách quen thân và những người thực sự sành sỏi về trống.

Trống Thanh Văn

Khó khăn chồng khó khăn khiến người trẻ ngày nay không mặn mà học nghề mà tìm hướng thoát ly hoặc làm nghề khác, dẫn đến nguy cơ mai một nghề làm trống là rất lớn. Thực tế này đã diễn ra ở nhiều làng trống nức tiếng một thời như Phúc Thành (Yên Thành) hay Nghi Đức (TP Vinh). Cảnh tấp nập người mua kẻ bán xưa kia nay chỉ còn là dĩ vãng. Ở đấy chỉ còn đôi ba hộ làm nghề, chủ yếu là nghệ nhân cao tuổi - những người vẫn trăn trở việc bảo tồn nghề như một nét văn hóa làng xã.

Nên chăng chính quyền cần có đề án phát triển làng nghề trống, tạo đầu ra cho sản phẩm để nhân rộng những cơ sở làm trống thành công như ông Cư, ông Ngụ? Bên cạnh đó, các cơ sở cần đẩy mạnh thương mại điện tử, lập website, fanpage... quảng bá để đưa sản phẩm trống truyền thống độc đáo của mình tới khách hàng trên khắp mọi miền Tổ quốc. Với những cách làm hay, hy vọng trong thời gian tới, tiếng trống Đại Đồng sẽ ngày càng phát triển và vang xa.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất