, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/03/2024, 00:22

Chuyện lạ ở làng nghề hơn 1.000 năm tuổi

BẢNG ANH - LAM HẠ
Nghe có vẻ ngược đời nhưng đó là sự thật diễn ra từ hàng ngàn năm nay ở làng chuyên may áo dài Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Hơn 1.000 năm giữ nghề may

Mới đây, dân làng làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vinh dự được Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch công nhận nghề may áo dài của làng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Làng Trạch Xá yên bình, xung quanh được bao bọc bởi những cánh đồng.

Theo lịch sử địa phương, làng Trạch Xá, tên Nôm là Trầm Che, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Trầm Lộng, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng; đầu thế kỷ XX thuộc tổng Trầm Lộng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông; nay là thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội. 

Trấn Sơn Nam Thượng khi xưa nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có nghề may và không ở đâu nhiều người khéo tay như ở làng Trạch Xá.

Khu vực đền thờ Tổ nghề may là bà Nguyễn Thị Sen.

Tổ nghề may của làng là bà Nguyễn Thị Sen. Gia đình bà có nghề tầm tang canh cửi. Vào tuổi trăng tròn, bà là người con gái xinh đẹp, nết na, giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân là lên làm vua, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, mở ra triều Đinh trong lịch sử đất nước. Vùng đất Sơn Nam Thượng nổi tiếng có nhiều người giỏi, Đinh Tiên Hoàng đã đến đây chiêu mộ hào kiệt.

Khi đó, bà Nguyễn Thị Sen đã lọt vào mắt vua Đinh Tiên Hoàng. Bà theo vua trở về kinh đô Hoa Lư, được vua phong là Tứ phi (năm 969).

 Hầu hết các hộ gia đình trong thôn đều đang còn làm nghề may áo dài.

Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã làm nên các mẫu quần áo của hoàng đế, cung phi, hoàng thân, quốc thích... Bà dạy các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung.

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễu bị sát hại. Tứ phi Nguyễn Thị Sen từ giã hoàng cung, đưa các con mình trở về Trạch Xá sinh sống. 

Bà truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng, để rồi nghề may được phát triển rộng rãi, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng. 

May áo dài truyền thống như ở Trạch Xá đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác vì vẫn làm thủ công nhiều bước.

Ngày 12 tháng Chạp hằng năm (ngày mất của Tứ phi Nguyễn Thị Sen) được dân làng lấy làm ngày giỗ tổ nghề nghề may Việt Nam. 

Trải qua hơn 1.000 năm, người dân làng Trạch Xá vẫn luôn giữ nghề và sống với nghề may áo dài. 

Chị Nguyễn Thị Dung – Phó trưởng thôn Trạch Xá cho hay, hiện nay ở trong thôn có khoảng trên 400 hộ trong tổng số hơn 500 hộ làm nghề may. Những con phố may mặc, bán áo dài ở phố cổ Hà Nội như Lương Văn Can, Cầu Gỗ… đều đang là những người dân Trạch Xá dựng lên.

Đàn ông khéo tay hơn phụ nữ là có thật

Chúng tôi đến Trạch Xá vào dịp khi làng vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Khác với vẻ ngoài nhộn nhịp, hối hả của làng nghề, Trạch Xá lại yên bình như bao ngôi làng khác. Không thấy lụa là, gấm vóc hay những cửa hàng áo dài nào bày bán trên các con đường làng. 

Các hộ gia đình chủ yếu may theo cá thể nhỏ lẻ nên số lượng sản phẩm sẽ không nhiều. Khi có đơn hàng to, các hộ sẽ phân chia theo số lượng hoặc theo công đoạn.

Chị Dung cho biết, đặc trưng của làng nghề Trạch Xá là thế, hầu hết nhà nào cũng làm nghề nhưng lại chỉ làm nhỏ lẻ, mỗi nhà một công đoạn chứ không có các xưởng may hay công ty nào.

Chị ví dụ, nhà ông A có đơn hàng 10 áo dài. Ông A sẽ nhận làm 5 chiếc, còn 5 chiếc sẽ chia cho các hộ khác làm. Hoặc ông A sẽ nhận phần cắt vải, các hộ khác sẽ nhận phần khâu tà áo, làm cổ…

Ngoài ra, còn tùy thuộc vào số lượng hàng và đơn hàng nhận trong vòng bao lâu trả hàng mà số lượng hộ làm sẽ nhiều hay ít.

“Để làm ra một chiếc áo dài truyền thống như ở Trạch Xá phải mất trên 20 tiếng. Do đó, một người thợ lành nghề mỗi ngày chỉ làm được 1 chiếc áo. Đơn hàng nhiều và thời gian gấp thì một gia đình không thể làm xuể”, chị Dung cho hay.

Ông Đỗ Minh Thường (tên thường gọi là Tám), người đã có hơn 40 năm làm nghề may áo dài ở Trạch Xá cho biết thêm, trước kia, nghề này không truyền cho người ngoài, cũng không truyền cho con gái vì sợ con gái đi lấy chồng xa sẽ mang nghề ra ngoài, chỉ những người đàn ông mới được truyền nghề.

“Ngày xưa, hành nghề may đo phải di chuyển đến nhiều vùng khác nhau, con trai có sức khỏe mới đi được. Vật dụng mang theo đơn giản chỉ là cái kim, sợi chỉ, cái thước kẻ và vài tấc vải, cứ một thầy một trò đi có khi nửa tháng đến cả tháng mới về.

Con gái đi như vậy sẽ bất tiện và cũng không ai lo việc nhà, do đó, con gái chủ yếu ở nhà lo việc đồng áng, con cái… Cũng vì thế, đàn ông Trạch Xá trước kia nổi tiếng khéo tay hơn phụ nữ trong việc kim chỉ, may vá là thế.

Suốt một thời gian dài, người ta nói “làng đàn ông may áo dài” là nhắc đến Trạch Xá chúng tôi”, ông Tám chia sẻ.

Hiện đại không thể thay thế truyền thống

Ngày nay, việc giữ nghề may ở Trạch Xá đã không còn như xưa. Tất cả mọi người từ trẻ đến già, từ nam đến nữ đều có thể học nghề. Bên cạnh đó, việc xuất hiện của máy may công nghiệp cũng làm tăng năng suất lao động lên, tuy nhiên vẫn chưa thể thay thế may thủ công truyền thống.

Ông Tám cho biết, để làm thành một chiếc áo dài truyền thống, máy may công nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% vẫn phải tự khâu tay. 

“Máy may công nghiệp điều khiển không linh hoạt như tay, có những vị trí và cách khâu của áo dài mà máy may không làm được. Ngoài ra, chỉ may công nghiệp khi là áo gặp nhiệt có thể sẽ biến dạng.

Chúng tôi khâu tay lấy chính sợi chỉ ở trong miếng vải làm áo để khâu, như thế đường khâu vừa mịn mà lại không bị lộ”, ông Tám nói.

Kỹ thuật khâu kim dọc chỉ có ở những người thợ may Trạch Xá.

Đặc biệt, những người thợ may Trạch Xá sở hữu kỹ thuật khâu mà không ở đâu có được, đó là khâu kim dọc. Cây kim để dọc theo tà áo và khi khâu thay vì cây kim di chuyển như bình thường thì thợ ở Tràng Xá di chuyển mảnh vải, còn kim đứng im.

Người thợ may dùng chính vải trong miếng vải may áo để làm chỉ khâu, khiến cho đường khâu mềm mại và không lộ chỉ.

“Người ta gọi đây là kỹ thuật “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”, nghĩa là lật bên trong không thấy xuất hiện dấu vết của đường kim mũi chỉ mà giống như kiểu dán hồ; bên ngoài thì mũi kim chỉ tròn nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đen cũng không nhìn thấy được”, ông Tám nói. 

Các chất liệu vải may áo dài ở Trạch Xá chủ yếu dùng là lụa tơ tằm, lụa Hà Đông, gấm... Mỗi chiếc áo dài truyền thống, khâu tay có giá trung bình 2 - 4 triệu đồng, còn lại tùy vào chất liệu vải tốt đến đâu mà giá có thể dao động từ vài chục triệu đến cả trăm triệu một chiếc áo cũng có.

Máy may công nghiệp xuất hiện nhưng vẫn không thể thay thế những đường may thủ công ở làng nghề Trạch Xá.
Nghề may ở Trạch Xá cũng không còn chỉ truyền cho con trai nữa, mà ngày nay nam nữ, dâu rể đều có thể theo nghề nếu muốn.
Những chiếc áo dài truyền thống may thủ công ở Trạch Xá vẫn luôn được ưa chuộng vì độ tỉ mỉ, tinh xảo và bền đẹp.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất