Tờ mờ sáng, khi tôi còn cuộn tròn trong chăn ấm, đã nghe ngoài cửa tiếng bước chân, tiếng cười nói lao xao, tiếng rủ nhau í ới và rành rọt nhất vẫn là cái giọng lảnh lót quen thuộc của mẹ già: “Bớ con gái, con mắt đã mở chưa? Hôm nay ngày tốt, ngày vui, nhanh cái chân theo mẹ đi lấy lá cây kpie, rễ cây anamih, củ riềng… làm đầy cho ché rượu”.
Tôi tung chăn nhảy xuống giường, quơ lấy chiếc gùi mẹ đã chuẩn bị sẵn từ đêm qua rồi nhanh chân chạy xuống. Mẹ cùng các chị trong làng đang thả vào sớm mai tiếng nói cười, hứa hẹn một ngày đi rừng thật vui.
Những phụ nữ vai mang gùi chứa đầy mấy trái bầu khô rỗng ruột dùng lấy nước, tay cầm thêm chiếc cuốc chim để dễ dàng bới đào tìm rễ cây anamih và những củ riềng đã đủ tháng đủ năm. Còn lũ trẻ con chúng tôi thì huỳnh huỵch đuổi nhau truy tìm dấu chân con mang vừa ghé sang “giọt nước”. Nhưng chỉ được một lát, khi đến cửa rừng, mặt trời sáng tỏ trên đầu, không ai bảo ai, lũ con gái bám tay nhau trở về xoay quanh gấu váy mẹ.
Chúng tôi mắt chăm chăm nhìn theo tay mẹ chỉ, nhìn kỹ từng chiếc lá, cây rừng; tai dỏng lên nuốt lấy từng lời của mẹ. Lá cây kpie cắt ngang người mình khi không còn muốn sống với mẹ cha. Khó lắm. Mắt nhìn phải kỹ, cái bụng sáng trong mới không “nhìn gà hóa cuốc”. Sai một chiếc lá, có thể lìa cả mạng người.
Từ lâu tôi vẫn thắc mắc, tại sao trong gia đình, chỉ phụ nữ mới biết làm rượu cần? Người đàn ông dù cùng tham gia vào cả quá trình làm rượu cần, họ không bao giờ có thể biết những thứ lá cây được dùng trong đấy, liều lượng rễ cây anamih, củ riềng như thế nào.
Phụ nữ Ê Đê chúng tôi, ai không biết ủ rượu cần, chẳng những không lấy được chồng mà cả buôn làng cười chê. Người phụ nữ lòng lành mới làm được ché rượu ngon - thứ nước được ủ từ hương của đất, men của rừng và trái tim của những người đàn bà hiền thục. Gọi là rượu nhưng không chỉ là rượu. Những lá cây làm men ủ ché rượu cần sống trong rừng kham khổ từ nhỏ. Chúng sinh ra và lớn lên trên đồi cao, trong thung sâu, hứng gió ăn sương mà nảy lộc đâm chồi. Chỉ những cái chân khỏe, cái tay nhanh, con mắt tinh mới nhìn ra những lá, những cây, những củ đã đủ tuổi, đủ cho những ché rượu cần chất lượng.
Tất thảy những thứ lá cây ấy cùng rễ cây anamih, mẹ mang đi nấu lấy nước; củ riềng giã xong sảy sàng lấy những hạt nhỏ. Trước đó, gạo đã được ngâm từ sáng đến chiều, vớt ra để ráo rồi giã thành bột, trộn đều, vo thành từng viên nhỏ. Các viên bột này, sau đó, được trải lên một cái nia lót trấu, rồi đậy bằng lá rừng trong 2 ngày. Đến khi cảm giác những viên bột đang thở thì ngay trong đêm, một nhóm nam thanh nữ tú đốt bó tranh hơ lửa xung quanh để đánh thức chúng dậy. Chúng như vẫn còn nấn ná hút thêm hơi thở thầm thì trong lời tự tình của các chàng trai cô gái, thẹn thùng mà se sắt lại, như thế mới xong giai đoạn lên men ban đầu.
Nếu màu đen là men ngọt thì màu trắng đích thị men chua. Dù ngọt hay chua cũng được người phụ nữ trong gia đình xâu tất cả lại, treo lên gian bếp nằm chờ.
Rượu cần là thứ nước uống tụ khí từ thiên nhiên. Thứ lá cây làm men ấy phải được hái vào sáng sớm, khi sương đêm còn long lanh trên cành lá, ché rượu mới đủ đầy cả thiên nhiên lẫn trong hơi thở của người. Rít một “kan” rượu là bạn đang ngậm núi, ngậm sông trong bụng mình. Rượu cần đó là thứ kết nối giữa người với các vị thần, giữa âm và dương. Nó cũng là thước đo sự giàu sang khi xếp hàng ngang dọc như lũ kiến càng lúc nhúc khắp sàn nhà. Trong nhà có bà vợ khéo tay ủ ché rượu cần nồng nàn mùi hương thơm ngát; ra ngoài được nhiều người thương, bạn quý là người giàu có nhất làng.
Trong gia đình Ê Đê chúng tôi, người bắt đầu cầm cần rượu bao giờ cũng là mẹ. Rồi cứ thế, người nối người, sau một tiếng rít kêu lên rất nhẹ, tay chuyền tay, mùi hương tỏa ra thơm ngát, ngọt lịm. Kan rượu cần không rời tay, không rơi xuống, sự sống sẽ được nối tiếp từ người này sang người khác, trọn nghĩa vẹn tình.