, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 17/06/2023, 06:49

Ninh Thuận: Doanh nghiệp hiến kế để nâng cao năng lực cung ứng trái cây xuất khẩu ở Ninh Sơn

TUẤN ANH
Chiều 16/6, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức Hội thảo tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng trái cây xuất khẩu huyện Ninh Sơn, một huyện có nhiều tiêm năng phát triển nông sản ở địa phương.
Các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Huyện Ninh Sơn nằm phía Tây tỉnh Ninh Thuận, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 36km. Đây là vùng đất đầy nắng, gió, khí hậu đặc trưng bán sơn địa. Tổng diện tích toàn huyện trên 77.000ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 23.000ha, chiếm gần 30% diện tích. Trong đó, diện tích đất gieo trồng ước đạt trên 25.000ha, sản lượng lương thực đạt 90.000 tấn. Diện tích cây ăn quả trên 2.600ha, sản lượng trái cây đạt trên 15.000 tấn.

Một vườn cây sinh thái ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, địa phương có 20 mô hình sản xuất nông nghiệp tốt, có 13 sản phẩm nông sản đạt tiềm năng OCOP 3 sao và 5 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao. Nhiều sản phẩm đặc hữu có tiềm năng xuất khẩu như: Nho móng tay đen không hạt, nho mẫu đơn, nho hồng nhật, xoài, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, vú sữa, bưởi da xanh… 

Ông Nguyễn Ngọc Thanh xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn cho biết nỗi lo của người làm vườn là giá cả và thị trường chưa ổn định.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Dương Đăng Minh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn cho biết, hầu hết các sản phẩm nông sản làm ra chưa tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Lý do là quy mô sản xuất nông nghiệp ở đây còn nhỏ lẻ, manh mún, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp và các HTX quy mô nhỏ. Việc hợp tác, liên kết sản xuất để ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường còn yếu nên sản phẩm nông sản làm ra chưa được tiêu thụ mạnh. Người dân vẫn đang loay hoay tìm đầu ra, nhiều HTX vẫn phải lao đao theo thời vụ, tìm mối bán lẻ ra thị trường với giá bán không ổn định.

Chị Đỗ Thị Loan, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn cho biết giá xoài tại vườn dao động từ 20.000 đến 30.000/kg. 

So với các huyện khác trong tỉnh, Ninh Sơn có nguồn nước mặt khá phong phú được cung cấp bởi hai con sông chính là sông Ông và sông Cái. Bên cạnh đó hệ thống thủy lợi hàng năm đảm bảo tưới cung cấp cho hơn 13 ngàn ha gieo trồng. Đạt tỷ lệ tưới chủ động 81%. Tuy có điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy, nhưng hiệu quả sử dụng đất vẫn còn thấp.

Ông Nguyễn Thanh Bình nêu ý kiến địa phương cần có kế hoạch dài hạn hướng đến xuất khẩu nông sản vào các thị trường lớn.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các vườn trồng ở đây có tỷ lệ vườn tạp cao, chưa được tổ chức sản xuất tốt, khiến việc kiểm soát chất lượng, đăng ký mã số vùng trồng, phòng chống dịch bệnh còn hạn chế. Để thay đổi, ngành nông nghiệp cần xây dựng được quy trình sản xuất chuẩn, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc toàn bộ chuỗi cung ứng và chuyển dần vào chế biến sâu thay vì chỉ xuất tươi và hướng đến xuất khẩu để gia tăng giá trị nông sản.

Ninh Sơn hiện có khoảng 74ha diện tích trồng nho, ngoài cho qủa tươi, đây còn là nguyên liệu để sản xuất rượu vang. 

Ông Kiều Tấn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn thông tin, địa phương có kế hoạch hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, theo Đề án vùng sản xuất tập trung huyện đến năm 2030 đã được UBND huyện phê duyệt với 15 vùng cây ăn quả, 43 vùng cây hàng năm và 26 vùng chăn nuôi tập trung, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Huyện đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực… tuy nhiên, địa phương vẫn đang thiếu các các giải pháp về tài chính, kỹ thuật, khoa học công nghệ và mở rộng thị trường. 

Ông Nguyễn Văn Đoan - Trưởng phòng phía Nam, Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT cho biết liên quan đến việc này Cục trồng trọt cũng đã phối hợp với Cục Thủy lợi, Viện cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức các đoàn khảo sát đánh giá hiện trạng hạ tầng, điều kiện thỗ nhưỡng, khí hậu, tư vấn cho địa phương lựa chọn các loại cây ăn quả phù hợp để quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.

Ông Trần Đức Dũng (thứ 2 từ trái qua) khẳng định các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông sản.

Ông Trần Đức Dũng - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh Nhân SIYB TP.HCM cũng cho rằng địa phương tổ chức lại sản xuất nên gắn với đánh giá lại nhu cầu và yêu cầu của thị trường. Từ đó xác định tiềm năng thế mạnh của từng vùng để ưu tiên phát triển các nhóm cây trồng phù hợp. Câu lạc bộ doanh nhân cũng sẽ làm cầu nối để các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu, xác định các mục tiêu và có chương trình hợp tác cụ thể với địa phương. 

Ông Phan Tấn Cảnh phát biểu tại Hội thảo.

Ông Phan Tấn Cảnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh việc hợp tác có trọng tâm, trọng điểm sẽ giúp chính quyền địa phương thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài và giúp người dân tiếp cận được vốn, khoa học, công nghệ… Mục tiêu trong thời gian tới sẽ xây dựng thành công các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ… tại địa phương. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất