, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/03/2022, 12:33

Quảng Bình đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng các bến cá vùng bãi ngang

TÂM PHÙNG - THANH NGA
(nongnghiep.vn)
Nhiều bến cá ven bãi ngang ở Quảng Bình thời gian qua được đầu tư, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy đẩy phát triển kinh tế, xã hội các các xã nghèo vùng biển.
Có bến cá, ngư dân vùng bãi ngang Quảng Bình thuận lợi khi tập kết vận chuyển hải sản đi tiêu thụ. Ảnh: Tâm Phùng.
Có bến cá, ngư dân vùng bãi ngang Quảng Bình thuận lợi khi tập kết vận chuyển hải sản đi tiêu thụ. Ảnh: Tâm Phùng.

Lợi ích kép

Quảng Bình có bờ biển dài hơn 116km và 6 địa phương ven biển có hoạt động nghề cá. Tỉnh có đội tàu gần 6.800 chiếc trực tiếp khai thác trên biển. Ngoài ra, còn khoảng 500 tàu cá ngoại tỉnh thường xuyên cập cảng bốc dỡ hàng hóa và dịch vụ. Đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình có 2 cảng cá đang hoạt động nhưng chỉ đáp ứng khoảng 30% số lượng tàu cá cập cảng.

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, còn 70% tàu thuyền phải cập ở các bến cá truyền thống để bốc dỡ nên làm tăng chi phí chuyến biển. Ngay tại các cảng cá, cầu cảng ngắn và hẹp, thiếu các trang bị thiết bị cơ giới phục vụ bốc dỡ hàng hóa. Mặt nước trong cảng cá thường xuyên bị bồi lắng cũng gây nhiều khó khăn cho các tàu xa bờ vỏ sắt mỗi khi cập vào.

Quảng Bình có 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với quy mô neo đậu khoảng 1.200 tàu thuyền. Mỗi khi bão lũ xảy ra, các khu neo đậu đặc kín tàu thuyền tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do bị va đập. Để phát triển hạ tầng nghề cá, Quảng Bình đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để xây dựng thêm các cảng, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão. Hiện, cảng cá nằm trong khu neo đậu tránh trú bão Nhật Lệ đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Khu neo đậu tránh trú bão chợ Gộ (huyện Quảng Ninh) và bắc sông Gianh đang xây dựng. Ngoài ra, Quảng Bình đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các bến dịch vụ hậu cần nghề cá để phục vụ bốc dỡ, chế biến hải sản.

Theo ông Lê Văn Lợi, việc đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão bao hàm cả chức năng khu dịch vụ hậu cần thủy sản. Trước hết là vị trí địa lý bảo đảm an toàn cho tàu cá neo đậu nhưng thuận lợi về đường giao thông để phục vụ hậu cần. Cùng với diện tích mặt nước để tàu thuyền neo đậu mặt bằng cũng đủ rộng để xây dựng các cơ sở dịch vụ như khô lạnh, sản xuất nước đá, nhiên liệu.

“Tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng các bến cá tại các xã vùng biển bãi ngang. Đó chính là điều kiện tốt cho ngư dân phát triển khai thác, chế biến thủy sản”. Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay.

Thương lái chạy ô tô về tận bến cá xã Hải Ninh để thu mua thủy sản nên rất thuận tiện cho ngư dân. Ảnh: Tâm Phùng.
Thương lái chạy ô tô về tận bến cá xã Hải Ninh để thu mua thủy sản nên rất thuận tiện cho ngư dân. Ảnh: Tâm Phùng.

Mở bến cá chính là mở hướng đi lên

Bắt đầu từ năm 2021, tỉnh Quảng Bình đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng các bến cá kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá ở các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Mỗi bến cá dài khoảng 120m, rộng 20m, có tường chắn cát bằng bê-tông cốt thép. Mặt sàn đổ bê-tông, lại có đường xuống tận bãi biển nên rất thuận lợi cho xe ôtô lên, xuống để vận chuyển hải sản.

Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay, tại các xã biển bãi ngang trong huyện đã được đầu tư xây dựng 15 bến cá và 23 tuyến đường với tổng chiều dài gần 10km nối từ các trục đường thôn ra tới bến cá ở hai xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc. “Tất cả các công tình đều đã được đưa vào sử dụng và phát huy tốt hiệu quả. Tạo đà cho ngư dân trong việc đánh bắt, chế biến và mua bán thủy sản”, ông Hán nói.

Chúng tôi về vùng biển xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), trong một ngày đầu năm mới. Con đường rộng nối tuyến đường liên xã với bến cá thôn Liêm Bắc đông người qua lại. Trên bến cá mới được đầu tư xây dựng, ngư dân đang chuyển cá từ thuyền lên bến.

Tranh thủ lúc nghỉ tay, ngư dân Ngô Văn Tình cho hay, từ trước đến nay, do bờ biển không có cửa lạch nên ngư dân ở bãi ngang chỉ dùng các thuyền nan nhỏ đánh bắt ở vùng biển gần bờ. Sau khi hải sản cập bờ, phụ nữ các làng biển phải gồng gánh băng qua vùng cát bỏng rát đến nơi tập kết để đưa đi tiêu thụ.

“Nhưng bữa nay thì khác rồi. Thuyền vừa cập bến là có ô tô đợi sẵn trên bến. Cá mực được đưa từ thuyền lên bến là bán luôn cho thương lái, đếm tiền ngay trên tay. Thật là thuận tiện cho ngư dân chúng tôi”- ông Tình hồ hởi nói thêm.

Vừa bán xong tạ ruốc tươi của chuyến biển lúc tối, ngư dân Ngô Đạt (xã Ngư Thủy Bắc) chia sẻ: “Từ trước đến nay, mỗi khi đưa cá vào bờ, bà con phải gánh trên vai quãng đường hơn ba trăm mét mới đến đường cái. Khi có gió bão thì phải nhờ hàng chục người khiêng thuyền lên bờ tránh gió. Bây giờ có bến cá, ngư dân cập thuyền vào bãi là bốc cá mực lên xe chở đi tiêu thụ luôn. Mưa bão cũng chỉ cần ba người dùng xe đẩy theo đường xuống bến rồi kéo thuyền lên, rất nhẹ nhàng”.

Những ngày đầu năm mới, ngư dân xã Hải Ninh cũng đã có vụ cá trích. Bến cá thôn Hiển Trung (xã Hải Ninh - huyện Quảng Ninh) cũng đông người đến. Người nhà đợi thuyền về bến. Thương lái đợi cá đưa lên bờ.

Thuyền ông Ngô Toản về bến đầu tiên trong ngày. Mấy người trên bờ vác đòn xuống cùng phụ xoay, khiêng thuyền lên bờ cao. Người trong nhà kéo tấm bạt rộng trãi dưới cát, sát con thuyền. Mấy người đứng vòng tròn cùng rũ lưới. Cá lẹp vảy trắng mắc lưới ngời lên dưới sánh mặt trời buổi sáng.

Bến cá mới đã thuận lợi cho việc tiêu thụ tôm cá cho ngư dân các xã biển bãi ngang ở Quảng Bình. Ảnh: Tâm Phùng.
Bến cá mới đã thuận lợi cho việc tiêu thụ tôm cá cho ngư dân các xã biển bãi ngang ở Quảng Bình. Ảnh: Tâm Phùng.

Chừng tiếng đồng hồ thì lưới được rũ xong. Mấy chị phụ nữ gom cá thành đống rồi bốc vào rá nhựa vuông khiêng lên bờ, nơi có xe ôtô thương lái đợi sẵn. Thuyền ông Toản được gần tạ cá, thu về gần 3 triệu đồng. Trừ chi phí còn lại 3 người chia nhau mỗi người được 800 ngàn đồng. “Chúng tôi xuất bến lúc 5 giờ sáng và về lại bờ lúc 10 giờ. Nay có bến cá thì quá thuận lợi. Ngư dân xuống biển, bán cá, tu sửa thuyền bè gì cũng không còn vất vả như trước. Nhờ vậy mà thu nhập cũng khá lên.” Ông Toản cho biết thêm.

Phía trên bến đã được mở rộng, con đường chạy ngang qua trên bến được kè chân móng để chống sạt lỡ cũng tạo nên nét đẹp cho bờ biển của vùng quê. Trên đường, ôtô của anh Nguyễn Tuấn (một thương lái) đã dừng chờ sẵn. Mấy chị em phụ nữ đưa cá từ thuyền lên bến cũng gần nên rất nhanh. Cứ thùng cá nào đưa lên là anh Tuấn cùng mọi người cân đong rồi đưa lên thùng lạnh ô tô.

Anh Tuấn hồ hởi bảo, bữa nay chúng em không còn vất vả nữa mà bà con cũng thuận tiện vô cùng. Ôtô về tận bến, sản lượng cá mực có bao nhiêu cũng mua được hết. Ô tô chở được 3 tấn mà. Vì thuận tiện nên giá mua thủy sản cho bà con cũng được tăng lên so với trước đây.

Trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vừa qua, lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý, việc đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá để phát triển thủy sản là hết sức cần thiết nhưng phải chú ý đến công năng của công trình, tránh lãng phí. Khi xây dựng khu neo đậu tàu cá phải tính đến công năng dịch vụ hậu cần thủy sản chứ chỉ sử dụng tránh, trú trong thời ngắn của mùa bão lũ là chưa được. Các địa phương phải hết sức chú ý đến việc khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả hạ tầng nghề cá.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất