, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 03/12/2022, 18:00

“Sản phẩm xanh” xuất khẩu gặp khó

MỸ HUYỀN - NGUYỄN CẨM
(phunuonline.com.vn)
Việc tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường (sản phẩm xanh) trở nên khó hơn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do lạm phát. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn cố gắng duy trì và tìm cơ hội phát triển dòng sản phẩm này.

Ông Đặng Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi - cho biết, công  ty đã xuất khẩu sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên sang châu Âu từ hơn 10 năm nay nhưng hiện nay, các đối tác không đặt hàng nữa. Cuộc chiến ở Ukraine kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của châu Âu, khiến người dân giảm mua các mặt hàng không thiết yếu. Các đối tác Nhật Bản cũng tạm dừng đơn hàng mới từ đầu tháng Mười. Hiện số đơn hàng mà Kim Bôi có chỉ bằng 50% so với năm ngoái.

Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất và phát triển “sản phẩm xanh” bởi đây là xu hướng tiêu dùng bền vững (trong ảnh: Khách tham quan các sản phẩm thân thiện với môi trường ở Tuần lễ triển lãm dệt may, da giày TP.HCM hôm 29/11) - Ảnh: N.C.

Dù vậy, theo ông Đặng Quốc Hùng, công ty vẫn không cho nhân công nghỉ việc bởi lo không có thợ lành nghề làm việc khi có đơn hàng đột xuất. Công ty đành cho công nhân luân phiên nhau làm các đơn hàng nhỏ lẻ trong nước.

Công ty Green Joy - chuyên sản xuất ống hút cỏ và đồ dùng có thể phân hủy sinh học cung cấp cho thị trường châu Âu - cũng không có đơn đặt hàng mới do người dân các nước giảm mua các mặt hàng không thiết yếu. Chị Võ Quốc Thảo Nguyên - người sáng lập Green Joy - cho hay, năm ngoái, doanh thu của công ty đạt 800.000 USD nhưng năm nay, công nhân chỉ sản xuất cầm chừng và sắp tới có thể không có việc để làm.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định tiêu dùng "sản phẩm xanh" là xu hướng bền vững của thế giới. Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) - cho hay, những năm gần đây, các đối tác nhập khẩu hàng dệt may liên tục đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất với các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt hơn. Gần đây nhất, các đối tác đưa ra các tiêu chuẩn dự theo “Chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn” với tầm nhìn đến năm 2030 do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất. 

“Dù khó khăn, EU vẫn thúc đẩy xu hướng xanh hóa sản phẩm dệt may. Trong 2-3 năm tới, nếu doanh nghiệp (DN) Việt Nam không đi theo hướng phát triển bền vững thì rất khó thâm nhập thị trường EU, Mỹ, Nhật và cả các thị trường khác trên thế giới. Nếu sản xuất theo kiểu truyền thống, ngành dệt may của Việt Nam rất khó cạnh tranh với các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan... DN các nước này ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, dẹp bỏ các công nghệ không còn phù hợp. DN Việt Nam chưa làm được điều này” - ông Trần Phú Lữ nói.

Theo ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean - các thị trường nhập khẩu lớn như EU liên tục cập nhật các tiêu chuẩn đối với hàng dệt may với yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm, người lao động, khách hàng, trách nhiệm xã hội của DN. Họ khuyến khích sử dụng nguyên liệu đầu vào tự nhiên, kéo dài tuổi thọ sản phẩm để không sản xuất hàng nhanh như trước nữa, đồng thời yêu cầu ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao môi trường làm việc, cải thiện đời sống công nhân, không gây ô nhiễm môi trường. Họ yêu cầu cao về thiết kế, nghiên cứu thị trường. Trong khi đó, DN Việt Nam còn yếu ở khâu nghiên cứu thị trường, đầu tư thiết kế.

Để có thể ứng phó với tình hình hiện nay, theo ông Keith Meadowcroft - Giám đốc điều hành Công ty Song Pacific Partners - các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể nhắm vào các đơn hàng lẻ để tiếp cận các khách hàng ủng hộ sản phẩm thân thiện với môi trường trước, đồng thời  tiếp thị sản phẩm nhiều hơn nữa.

Ông Đặng Quốc Hùng cho biết, DN dệt may Việt Nam đang nhắm đến các thị trường có sức mua yếu hơn, như các nước ở Nam Á, châu Phi hay Nam Mỹ để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 

Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân - Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối thời trang Faslink - chi phí để sản xuất bền vững, tiêu dùng xanh khá cao nên cần sự thay đổi tư duy tiêu dùng trong nước để có đầu ra cho thị trường nội địa. Với việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường và kinh tế Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, xu hướng tất yếu trong nước là phát triển bền vững, tiêu dùng sản phẩm xanh. 

Mới đây, dự triển lãm kinh tế xanh (Green Economy Forum & Exhibition - GEFE) 2022 do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, việc tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát triển xanh là rất quan trọng đối với Việt Nam. Vì vậy, DN cần đề cao việc phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu và các tổ chức tài chính của liên minh này hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất