Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... với tổng sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn.
Thời điểm tháng 2 - 3, các vựa hành bước vào giai đoạn thu hoạch, do đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm, trong khi năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn đủ phục nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo số liệu từ Hải quan, xuất khẩu củ hành 2 tháng đầu năm 2023 mới đạt 240 tấn, đây là một con số rất nhỏ so với sản lượng hành 200.000 tấn/năm.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó đa phần là đi các thị trường châu Á, chiếm hơn 90%, sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Úc. Tính riêng các quốc gia, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17 triệu USD, chưa kể kim ngạch của Đài Loan thêm 6,6 triệu USD nữa. Các thị trường xếp sau đó là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Lào, Nhật Bản, Myanmar…
Nguồn: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT)
Tại diễn đàn, ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng. Tổng diện tích xuống giống hành tím hằng năm 6.500ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng trên 90 nghìn tấn.
Hành tím Vĩnh Châu của Sóc Trăng được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Indonesia, Malaysia… đem về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Tuy nhiên, hành tím Vĩnh Châu trong thời gian qua đã và đang gặp phải những khó khăn ở khâu sản xuất và tiêu thụ do thời vụ bố trí chưa hợp lý tại một thời điểm xuống giống tập trung với một diện tích lớn nên sản lượng tại một thời điểm tương đối cao.
Theo ông Khiêm, đây là thời điểm hành bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, Sóc Trăng mong muốn được phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm với tất cả các địa phương, doanh nghiệp, siêu thị... trên cả nước. Địa phương sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hành phát triển các chuỗi liên kết để khai thác hết tiềm năng của sản phẩm hành tím. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm hành, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
Bà Phạm Thị Đào - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cũng cho biết diện tích hành, tỏi của tỉnh Hải Dương hằng năm đạt trên 6.600ha, trong đó, hành củ khoảng 5.800ha, hành lá 350ha, tỏi củ 470ha. Hiện nay sản xuất tiêu thụ hành của Hải Dương vẫn gặp nhiều khó khăn ở khâu chế biến và bảo quản. Hình thức bảo quản chủ yếu là thủ công, chưa có hệ thống kho bảo quản hiện đại nên tỷ lệ hao hụt cao.
Do đó, bà Phạm Thị Đào đề nghị Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan, quan tâm, hỗ trợ Hải Dương đầu tư xây dựng hệ thống sấy và bảo quản hành sau thu hoạch, giảm áp lực cho tiêu thụ tươi. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị để sản phẩm hành của Hải Dương thuận lợi đi vào thị trường nhiều hơn. Bên cạnh đó, hỗ trợ tỉnh tìm kiếm các thị trường xuất khẩu để mở rộng tiêu thụ.
Theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản xuất hành hiện nay vẫn ở quy mô manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động, diện tích sản xuất có chứng nhận hạn chế, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; thiếu quy trình bảo quản, dẫn đến một số thời điểm thu hoạch rộ, bán hàng tươi số lượng lớn, dẫn đến giá xuống thấp; thiếu kênh liên kết tiêu thụ, và vấn đề sâu bệnh.
Trước những khó khăn trong tiêu thụ hành tím, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần có những vùng sản xuất tập trung, định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường với những quy trình an toàn, chất lượng. Nhà sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu thị hiếu, quy định của thị trường nhập khẩu để định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng cần lưu ý đến chế biến để tăng giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để xây dựng các chuỗi giá trị cho ngành hàng.