, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 11/02/2024, 06:00

Tâm sự "rút ruột" của nông dân đất Chín Rồng

PHAN CHÁNH DƯỠNG
“Bìm bịp kêu con nước lớn anh ơi - bán buôn không lời, chèo chống mỏi mê”. Tưởng qua rồi, mà qua thật rồi thuở ca dao như bao mùa gió thổi những con đò đi ngược, thổi rách cả áo cơm, nhưng ngó lại chỉ thời gian là trôi, còn bóng những nông dân miền Tây trần ai chống chọi với thiệt thòi vẫn đó. Như một nghịch lý, dẫu còn bơ vơ, họ vẫn miệt mài với nắng mưa tìm mọi con đường để đi, tạo ra những cú “big bang” trên ruộng đồng ngợp trong tiếng reo hò.

Năm con Rồng, ngó lại Đất Chín Rồng, cùng nhau nhắc lại những điều đã cũ bên chén rượu nhạt cuối năm, hoài mong: Đồng bằng sông Cửu long sẽ được thêm một cái chìa tay trợ lực để mạnh hơn, tự tin hơn trong bước đi của mình. Nếu được như thế thì hạt lúa, con tôm trên cánh đồng bất tận sẽ có những cú nhảy thần kỳ…

Đồng bằng sông Cửu Long trong báo cáo Kinh tế thường niên của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Đại học Fulbright năm 2023:

- Phát triển kinh tế - xã hội của 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều hạng mục bị tụt hậu tương đối so với cả nước, trong đó số lượng dân ở một số tỉnh có xu thế giảm, cuộc sống có khó khăn nên đã tìm đến các vùng khác sinh sống.

- ĐBSCL có nhiều cái thấp: lao động có đào tạo thấp nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người cũng vậy. Tỷ lệ đầu tư của nhà nước vào ĐBSCL thấp nhất nước, tỷ lệ thu hút đầu tư FDI cũng thấp nhất cả nước - lý do là hạ tầng cơ sở và khoa học kỹ thuật còn kém.

- Trong khi đó thì xuất khẩu nông nghiệp của ĐBSCL là thế mạnh, đóng góp xuất siêu cho Việt Nam 10 tỷ USD, chiếm 94% trên cả nước!

Điều bất thường này đã kéo dài bao năm nay. Dù Nhà nước cũng có hình thành ban chỉ đạo cho vùng ĐBSCL, nhưng những điểm nghẽn vẫn chưa được tháo gỡ đúng chỗ, đủ tầm.

Lâu nay nói đến vùng ĐBSCL chúng ta thường nghe nhắc đến chính sách “Tam Nông” - đó là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Về nông nghiệp đã từng tổ chức hợp tác xã nông nghiệp nhưng chỉ bằng hình thức, chẳng khác gì tập hợp 10 lu nước riêng lẻ từng nhà lại một chỗ, nhưng không chú ý nâng cấp về bản chất công năng của cái lu dẫn đến năng suất sử dụng kém, cuối cùng dẫn đến thất bại.

Chúng ta cũng có chính sách xây dựng Nông thôn mới. Nhà nước tập trung nhân lực - vật lực xây dựng vùng nông thôn mẫu mực bằng nguồn lực bao cấp ở mỗi huyện làm mẫu cho các thôn ấp học tập, nhưng không tạo được động lực mới để kéo theo các vùng nông thôn khác vươn lên. Vì thế khi nguồn bao cấp không còn thì hình thức Nông thôn mới cũng không thể tồn tại.

Thế phần còn lại trong chính sách Tam Nông là vai trò của nông dân thì sao? Điều thấy rõ là chúng ta thiếu đầu tư đào tạo kiến thức cho nông dân, để mặc cho họ tự xoay sở, chịu đựng với mưa nắng và thời tiết bất thường, làm sao nông dân có thể thành công như Israel trồng lúa trên sa mạc hay những nông trường lớn ở sa mạc Tân Cương (Trung Quốc) tất cả đều được cơ giới hóa, tự động hóa.

Nhiều nhà lãnh đạo, kể cả một số nhà trí thức của chúng ta thường cho rằng làm nông nghiệp không thể giàu được, vậy là chúng ta hướng đến và tập trung toàn lực vào công nghiệp, từ đó ít quan tâm vào lãnh vực nông nghiệp. Công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước có hiệu quả là đưa kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại đầu tư vào mọi lãnh vực sản xuất, trong đó bao gồm thủ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… cụ thể như ngành thủ công nghiệp gồm các nghề dệt, may, đồ mộc, nghề đóng ghe thuyền, xây nhà, xây cầu... bằng những kỹ thuật mới, đưa máy móc vào thay thế lao động tay chân, thay công cụ giản đơn như cây cưa, cây đục, cây kim, khung cửi bằng máy móc hiện đại…

Công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiểu theo nghĩa này là nối dài cánh tay cho người nông dân làm giàu. Ngày nay công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã bước vào thế hệ 4.0, tức đã nâng cấp qua 4 thời kỳ rồi, mà nền nông nghiệp của chúng ta đa số vẫn ở tình trạng lao động giản đơn, thậm chí có những công đoạn còn lạc hậu như cả trăm năm trước!

Chúng ta bỏ mặc nông dân rồi cho là nông nghiệp khó làm giàu, thật sự rất oan ức cho người nông dân ĐBSCL. Họ chưa hưởng được chút gì từ hiện đại hóa thời đại 4.0. Tuy chỉ dùng lao động tay chân trồng cây ăn quả, nhưng họ cũng đóng góp cho đất nước hàng tỷ USD thặng dư mậu dịch hàng năm. Nếu người nông dân được hướng dẫn bài bản, giống cây nào trồng vùng nào, cải tạo gen ra sao để có năng suất - chất lượng phù hợp thị trường, ngành nông nghiệp được công nghệ sinh học đỡ đầu đến nơi đến chốn… thì người làm nông nghiệp có mãi nghèo như hiện nay hay không?

Trong mấy chục năm qua, chúng ta đã vươn cao ngọn cờ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhiều ngành công nghệ mũi nhọn, nhưng nay hình như nó đã trở thành “gai trái mít” rồi nên cũng không ai màng tổng kết rút kinh nghiệm nữa.

Như trong nông nghiệp, mặt hàng xuất khẩu cá ba sa hằng năm đã đóng góp doanh số xuất khẩu của nước ta không kém gì con tôm con mực thì đúng ra ai là người đã tạo nên mặt hàng này xứng đáng được phong anh hùng. Mặt hàng này không do Viện nghiên cứu nào - với chi phí hoạt động lên đến hàng tỷ đồng, đề ra. Ngày xưa nó có tên là cá tra được nuôi trong giếng nước ao tù bằng phân, là loài cá ăn tạp làm nhiệm vụ tẩy rửa môi trường (thường bị chê bai là xấu). Chính những anh nông dân phát hiện đây là loài cá ăn tạp dễ nuôi nên đã có sáng kiến nuôi đại trà bằng thực phẩm công nghiệp. Thế là chúng lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Và thông qua sự nhạy bén của doanh nhân, chế biến thành thịt cá phi lê không da để đông lạnh, thêm một chút phụ gia để thịt cá dai hơn rồi đổi tên thành cá ba sa và xuất khẩu sang thị trường Âu Mỹ. Các khách hàng Mỹ đến tham quan nơi nuôi trồng và qui trình chế biến đã đóng góp thêm ý kiến cải tiến chất lượng sản phẩm. Từ đó mặt hàng cá ba sa đã góp phần cho doanh số xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam hàng năm lên đến trên 2 tỷ USD.

Tương tự như vậy, Kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả của gạo ST25 từng được vinh danh là loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Lúa gạo Quốc tế tổ chức ở Philippines năm 2019. Thành quả ấy không do Viện nghiên cứu nào tạo nên mà do cha đẻ của giống lúa này là nông dân Hồ Quang Cua bỏ bao nhiêu công sức tìm tòi và lai tạo. Vậy tác giả có làm giàu được không, hay công trình của ông đã và đang bị nhiều người lợi dụng, cướp công?! Nhưng nông dân thứ thiệt không sợ cỏ, ngày 5/12, ông Jeremy Zwinger - Giám đốc Điều hành The Rice Trader - đã gửi mail cho báo Tuổi Trẻ kèm thông cáo báo chí, chính thức tuyên bố gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải nhất Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023.

Một vấn đề khác cần được đề cập để mọi người tham khảo và chia sẻ nỗi khổ của nông dân. Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa vừa qua, nước ta không những bỏ rơi ngành nông nghiệp mà còn giao ngành này nhiệm vụ tập trung cung cấp lương thực cho toàn bộ dân số đất nước, xuất khẩu nông sản tạo ngoại tệ để mua trang thiết bị cho ngành công nghiệp được vươn lên. Đồng thời lại giành đất, giành lao động nông nghiệp, thậm chí còn tạo chất thải làm ô nhiễm môi trường nông thôn.

Người nông dân nghèo khó thấp cổ bé miệng - làm sao minh oan được.

Đây chỉ là đôi điều tâm sự của một nông dân chính gốc ĐBSCL.

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.


Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm



Bọn trẻ quê chúng tôi ngày ấy, nửa buổi đến trường, nửa buổi còn lại rủ nhau đem rổ, đem thau ra đồng nhặt ốc mang về.

Sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước tại bán đảo Sơn Trà đang là một trong những rào cản đối với công tác triển khai các dự án bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu tại đây

Ngày 6/8, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Lạt phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt bắt quả tang ông Nguyễn Đình Hùng (53 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) đã cưa hạ 13 cây thông 3 lá cao khoảng 15 mét.

Hình ảnh rừng cây phi lao phòng hộ dọc ven biển miền Trung là khá phổ biến. Thế nhưng, rừng phi lao phòng hộ hàng trăm năm tuổi, phần thân cổ thụ phải mấy người ôm mới xuể...
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất