, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 29/03/2022, 13:54

Thanh minh trong tiết tháng ba...

MAI HỒNG LÂM
Cuối tháng Hai, đầu tháng Ba âm lịch hằng năm, khi tiết xuân còn phảng phất, bầu trời trở nên trong xanh và hoa cỏ tươi tắn khoe sắc dưới ánh mặt trời ấm áp... thì cũng là lúc người dân xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) tưng bừng khai hội Thanh minh.
Lễ hội rộn ràng cùng làng khắp xóm.

Lễ hội đủ đầy

Thanh minh trong tiết tháng Ba / Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…

Nói đến Tết Thanh minh thì bao giờ người ta cũng nghĩ đến lễ tảo mộ và hội đạp thanh. Trước đây, hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ), nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân. Tuy nhiên, không riêng gì ở Điện Quang mà ở khắp các địa phương trong cả nước, lễ hội này có lẽ không còn. Ngày nay, vào dịp này, con cháu trong xã đi làm ăn xa sẽ tranh thủ sắp xếp công việc cũng về tham dự lễ hội, tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. 

Không chỉ tập trung vào phần lễ, năm nào cũng vậy, lãnh đạo xã còn chú trọng đầu tư phần hội rất chu đáo. Chính quyền cùng người dân tổ chức khu vui chơi, ẩm thực tại khu đất bên nghĩa trang liệt sĩ với những trò chơi dân gian rất thu hút khách thập phương như hô hát bài chòi, hô lô-tô… Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức đua thuyền truyền thống trên sông Thu Bồn giữa 11 làng (*) trong xã.

Đặc biệt, những năm chưa có dịch, lễ hội thường tổ chức khu chợ quê rất thu hút thực khách. Những món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê nhà như mít trộn, bún mắm mít, bánh xèo, mì quảng, bánh kẹp, ốc hút… luôn làm  ấm dạ những người con xa xứ trở về.

Một đoàn rước linh vị.

Độc đáo nét lễ xưa

Nét chính và độc đáo nhất của lễ hội Thanh Minh là chương trình rước linh vị Tổ tiên (của 11 làng) từ đình làng về khu đất trại – nơi diễn ra lễ tế Tổ tiên 97 tộc, họ trong xã. Đêm trước ngày rước linh vị, các vị cao niên, chư tộc, con cháu và ban cán sự thôn tập trung về đình làng làm lễ tế Tổ tiên, tộc họ của làng mình. Lúc này mọi người cũng sẽ chọn những người uy tín của làng để chiều hôm sau tham gia rước linh vị Tổ tiên về trung tâm hành chính xã làm lễ tế chính thức Tổ tiên các làng. 

Lần lượt 10 đoàn rước linh vị Tổ tiên của 11 làng đi bộ diễu qua trục đường chính dẫn về trung tâm hành chính xã. Hai bên đường cờ Tổ quốc, cờ phướn, cờ hội bay rợp trời. Con cháu các chư tộc họ, khách thập phương hồ hởi đứng đón các đoàn rước linh vị Tổ tiên đi qua. Họ chờ đón để tham gia theo đám rước, để chiêm ngưỡng, để hò reo cổ vũ... 

Linh vị của một trong những làng tham gia Lễ hội.

Những người tham gia vào lễ rước linh vị Tổ tiên đều ăn mặc chỉnh tề, cờ kiệu được xếp tôn nghiêm với một thái độ kính cẩn. Đi đầu đám rước là đại diện Ban cán sự của thôn (Bí thư chi bộ thôn hoặc thôn trưởng), tiếp đến là người cầm cờ Tổ quốc và đội cầm cờ hội. Sau đội cờ là hai cô gái áo dài khăn đóng bưng hoặc đội lễ vật cúng (như hoa quả, trầu cau, trà rượu...), rồi đến kiệu linh vị Tổ tiên của làng với lọng che rất trang trọng. 

Phía sau kiệu là đội trống chiêng và ban nhạc lễ. Tiếp đến là các vị bô lão, các vị trưởng các chư tộc phái trong trang phục áo dài khăn đóng và trang phục áo rộng. Sau cùng là đại diện phụ nữ của làng trong trang phục áo dài truyền thống. 

Những người khiêng linh vị Tổ tiên, cầm cờ xí và đội trống chiêng trong trang phục áo quần kẹp nẹp, đầu đội nón chóp như binh lính ngày xưa. Các đoàn rước linh vị Tổ tiên đi đến đâu cờ xí ngợp trời đến đó, trống chiêng trước sau vang lên rộn rã, nhạc kèn nổi lên rất vui tai...

Mặc dù có làng phải đi bộ một quãng đường khá xa để rước kiệu, nhưng dân làng đều hồ hởi, phấn chấn chờ đợi giây phút khai mạc lễ hội. Ai nấy đều chờ đợi tên làng mình được xướng lên, được đại diện cho làng rước linh vị Tổ tiên đặt trên lễ đài để làm lễ tế...

Khi trời vừa tối thì cũng là lúc các đoàn rước đã tề tựu đông đủ tại khu vực tế lễ chính thức. Và lễ hội được trang trọng khai mạc trong tiếng trống hội giục giã của vị đại diện chính quyền xã. 

Các làng lần lượt rước linh vị của làng mình diễu qua lễ đài và đặt tại nơi tế lễ, đồng thời cử một vị đại diện của làng đứng hầu bên kiệu để thực hiện các thao tác lên đèn, dâng hương, dâng rượu... Một bài tế được xướng lên, ca ngợi công đức của các bậc Tổ tiên, tiền nhân có công khai khẩn lập nên làng xã trù phú, ca ngợi những người con ưu tú của đất Điện Quang - Gò Nổi có công trong quá trình phát triển của quê hương, đất nước… 

Sau đó, các làng lần lược làm lễ rước kiệu linh vị Tổ tiên từ lễ đài về lại đình làng của mình. Cũng như lúc rước đến, đoàn rước kiệu linh vị về đến đâu cờ xí ngợp trời đến đó, kèn nhạc, trống chiêng vang lên rộn rã. 

Mọi người đều phấn khởi tham gia đoàn rước linh vị của làng mình.

Gìn giữ tục hay

Năm nào cũng vậy, lễ hội Thanh minh luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp với các quan khách, bà con nhân dân trong xã cũng như với những người xa quê đi làm ăn xa trở về. Lễ hội đã thể hiện rõ truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của con cháu hôm nay đối với các bậc tiền nhân, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của những làng quê Việt. 

Hội Thanh minh cũng là dịp cháu con nội ngoại, những người con lập nghiệp xa quê có cơ hội tụ họp, thăm lại mồ mả Tổ tiên, gặp gỡ họ hàng thân thích, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, chia sẻ trách nhiệm, củng cố nghĩa tình thân tộc... Một phong tục có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như vậy, mong sao được gìn giữ trường tồn…

(*) Gồm làng Vân Ly, làng Phú Tây, làng Phú Đông, làng Na Kham, làng Thành Mỹ, làng Bến Đền Đông, làng Bến Đền Tây, làng Xuân Đài, làng Kỳ Lam, làng Bảo An Tây và làng Bảo An Đông rước chung một kiệu) 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất