, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/04/2024, 10:08

Tiếp tục lấy ý kiến người dân về tên xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu sau sáp nhập

TRỊNH AN
Không chỉ gặp khó về việc sắp xếp cán bộ, xử lý trụ sở dư thừa, nhiều xã còn “đau đầu” tìm tên mới sau khi sáp nhập xã. Điều này thu hút sự quan tâm của cả cư dân địa phương lẫn trí thức ở khắp nơi.

Tiếc nuối tên Quỳnh Đôi

UBND huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) có văn bản gửi Thường trực tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An về việc “điều chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp lại”.

Theo kế hoạch, huyện Quỳnh Lưu có 15 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập, thành 7 đơn vị hành chính cấp xã mới. Trong đó, 2 đơn vị hành chính mới sau sáp nhập sẽ có tên mới, 5 đơn vị hành chính còn lại được ghép từ 2 tên của các xã cũ.

Đường vào xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: P.N.

Một số tên xã mới sau sáp nhập có tên nghe khá lạ như xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ sẽ thành xã Hoa Mỹ. Xã sáp nhập từ Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu sẽ có tên mới là xã Đôi Hậu. Chuyện đặt tên xã mới này được nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội, tạo tranh luận với các ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng cái tên xã Đôi Hậu nghe quá lạ. Đặc biệt, dư luận tiếc nuối vì địa danh Quỳnh Đôi vốn rất nổi tiếng về học hành, khoa bảng, lại bị xóa bỏ.

Quỳnh Đôi được biết đến là vùng đất khoa bảng của Nghệ An. Theo ghi chép, từ năm 1378 đến năm 1918, khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, làng Quỳnh Đôi có 734 người đỗ tú tài và cử nhân, 4 người đỗ Phó bảng, 7 người đỗ Tiến sĩ, 2 người đỗ Hoàng Giáp và 1 người đỗ Thám hoa. Đây cũng chính là quê hương của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Giữ tên xã này thì xã kia… "kiện"

Một số người dân địa phương cho rằng, việc chọn tên mới cho xã sau khi sáp nhập rất phức tạp. Tuy nhiên, nếu người dân 2 xã có thể đồng thuận sử dụng chung tên một xã cũ thì có thể giữ được yếu tố lịch sử, văn hoá truyền thống, và thuận lợi trong việc thay đổi các thông tin về nhân thân của công dân.

Ông Hồ Quang Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi cho biết, phương án ban đầu được đưa ra là giữ tên xã Quỳnh Đôi song xã Quỳnh Hậu không đồng ý. Xã này mong muốn khi đặt tên mới phải có chữ Hậu trong đó nên chỉ có thể đưa ra hai phương án Hậu Đôi hoặc Đôi Hậu.

“Quỳnh Đôi có truyền thống, bản sắc từ xưa đến nay. Nhắc đến Quỳnh Đôi thì người dân khắp nơi trên cả nước đều biết đến nên không chỉ người dân xã Quỳnh Đôi mà người dân nhiều nơi cũng không đồng tình với tên gọi mới theo dự kiến” - ông Tuấn nói.

Lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, việc đặt tên xã sau sáp nhập sẽ tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi của người dân trong thời gian tới. Nếu vẫn còn có ý kiến trái chiều thì tiếp tục xem xét và làm lại quy trình. Sau ý kiến của cử tri, HĐND xã sẽ họp, sau đó HĐND huyện và HĐND tỉnh họp để thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính rồi mới chính thức để trình Trung ương xem xét, quyết định.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất