, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 11/10/2023, 06:00

Trồng lúa ở Long An: Ứng dụng công nghệ cao để cho giá trị cao

ĐẶNG THÙY
Vẫn là trồng lúa, thế nhưng, cách làm của nông dân thời nay đã khác.

Trồng lúa thời công nghệ cao

Phát huy thế mạnh chủ lực của cây lúa, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa tại huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) liên tục được mở rộng. Tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng 41.000ha, trong đó, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao trên 3.216ha. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, huyện đã hình thành nhiều mô hình mang lại hiệu quả như “1 phải, 5 giảm”; Ứng dụng máy cấy; sạ cụm; Ứng dụng thiết bị bay rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sản xuất.

Anh Dương Tấn Biên (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Hiện tôi canh tác trên 10ha lúa. Các công việc rải phân bón, xịt thuốc, cấy lúa đều được cơ giới hóa, góp phần giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động. Trước đây, tôi thường sạ dày với 150kg lúa giống/ha. Từ khi sạ cụm (sử dụng máy sạ cụm), giảm được 2 lần phun thuốc, và 50% lượng phân bón, đồng thời hạn chế tình trạng lúa bị ngã”.

Ông Nguyễn Văn Trạng (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) cũng cho biết từ khi tham gia các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, ông được hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, giới thiệu bao tiêu sản phẩm, từ đó, lợi nhuận tăng so với sản xuất thông thường từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha. Còn ông Lê Tấn Nghĩa (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) bộc bạch: “Nhờ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật, năng suất lúa cao hơn từ 500 - 700kg/ha so với sản xuất truyền thống. Cùng với đó, lượng giống giảm khoảng 15%, giảm 2 lần phun thuốc nên lợi nhuận cao hơn từ 1 - 2 triệu đồng/ha. Năm 2023, do giá lúa ở mức cao so với các năm trước nên lợi nhuận trong mô hình cao hơn bên ngoài từ 2 - 3 triệu đồng/ha”.

Thuộc vùng Đồng Tháp Mười, huyện Vĩnh Hưng cũng là một trong những huyện có thế mạnh về sản xuất lúa của tỉnh Long An. Để phát triển những vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hình thành tư duy sản xuất hiện đại cho nông dân gắn với phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng, trong 7 năm triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa (từ năm 2016), diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao lũy kế đến nay là hơn 9.500ha. Khi tham gia thực hiện các mô hình, 100% nông dân được tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình IPM, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”; 85% diện tích ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật canh tác lúa theo hướng bền vững, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng cũng được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhờ đó, thất thoát trước, trong và sau thu hoạch giảm còn 7,26%.

Còn tại huyện Tân Thạnh, năm nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã triển khai, thực hiện 99 mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, trong đó, có 50 mô hình mới nhân rộng và 49 mô hình duy trì. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, nông dân giảm được lượng lớn giống, chi phí phân bón, công lao động; nâng cao lợi nhuận so với diện tích lúa đối chứng khoảng 2 triệu đồng/ha.

Chú trọng xây dựng thương hiệu

Huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) có diện tích sản xuất nông nghiệp trên 19.500ha, trong đó, diện tích lúa nếp (giống IR4625 và OM84) chiếm trên 97% diện tích sản xuất nông nghiệp. Nếp Thủ Thừa nổi tiếng thơm ngon. Nắm bắt cơ hội, huyện Thủ Thừa phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Nếp Thủ Thừa.

Ông Phan Văn Tới - Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa chia sẻ: “Thời gian qua, huyện đã phối hợp các Sở, ngành của tỉnh xây dựng quy trình, triển khai dự án sản xuất gạo nếp sạch. Bên cạnh đó, kết nối với các doanh nghiệp xay xát lúa gạo trên địa bàn thực hiện tốt chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị cho loại gạo đặc sản của địa phương”. Đại diện Công ty TNHH Dương Vũ (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) cho biết, Công ty chuyên thu mua, xay xát và xuất khẩu gạo, chủ yếu là gạo nếp, giống IR4625. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu Nếp Thủ Thừa đã giúp nâng cao uy tín và vị thế của sản phẩm này, việc tiêu thụ cũng trở nên thuận lợi hơn. Trung bình mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo.

Có thể thấy, từ khi được sản xuất theo các quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, giá trị của gạo nếp Thủ Thừa ngày càng được nâng cao. Trang bị thêm chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP... loại gạo đặc sản này còn có cơ hội vươn ra những thị trường lớn trên thế giới.

Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã tích cực hỗ trợ nông dân trồng lúa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa, gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu. Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Long An, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 47.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh. Các quy trình kỹ thuật canh tác hiện đại, sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ được nông dân áp dụng rộng rãi. Từ đó, giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho rằng, sự ra đời của những mô hình nông nghiệp sạch, hữu cơ trên địa bàn tỉnh Long An đã chứng minh sự phát triển của nền nông nghiệp tại địa phương. Sự phát triển này là quy luật tất yếu để nông nghiệp địa phương bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường. “Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và mở rộng các diện tích sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn được chứng nhận góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản và quan trọng hơn là mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững” - ông Nguyễn Chí Thiện nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Thiện, ngành nông nghiệp tỉnh Long An sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy hoạch chung và quy hoạch đất trồng lúa, xây dựng chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa, gạo; đầu tư phát triển hạ tầng và khoa học - công nghệ; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp; phát triển hợp tác xã, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị nhằm đẩy mạnh phát triển ngành lúa - gạo ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị cho nông sản thế mạnh của tỉnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất