Mật dừa nước “lên hương”
Sinh ra và lớn lên tại H.Cần Giờ, TPHCM, gắn bó với cây dừa nước mọc hoang quanh nhà, ông Phan Minh Tiến thấy người dân chỉ thu hoạch cơm từ trái dừa nước và bán với giá rất thấp. Lớn lên, ông Tiến theo học ngành công nghệ hóa và nhận thấy nông dân nhiều nước khai thác mật dừa nước, thu lợi cao nên ông tìm cách khai thác nguồn nguyên liệu quý giá này. Lúc đó, thị trường trong nước cũng chưa có sản phẩm mật dừa nước.
Vận dụng kiến thức, kỹ thuật từ trường lớp và tham khảo mô hình từ các nước, ông Tiến đã nắm được kỹ thuật “mát xa” để cuống dừa nước cho ra mật. Mỗi cây dừa nước có thể cho ra 1 lít mật tinh chất mỗi ngày và có thể thu hoạch mật dừa nước liên tục trong 30 ngày. Mật dừa nước có vị ngọt dịu, thanh và vị mặn muối khoáng đặc trưng của vùng Cần Giờ. Sản phẩm có thể dùng thay thế đường tinh luyện, ăn kiêng. Những người từng dùng mật dừa nước đều ưa chuộng.
Ông Phan Minh Tiến lập Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam. Ngoài mật dừa tinh chất, ông sản xuất thêm mật dừa cô đặc và đường mật dừa nước, đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP). Các sản phẩm của công ty được phân phối khắp nước. Nhu cầu thị trường ngày càng lớn hơn, đòi hỏi vùng dừa nước nguyên liệu phải lớn hơn. Công ty của ông Tiến liên kết với nông dân H.Cần Giờ để mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 5ha. Người dân trong vùng có thêm thu nhập từ loài cây vốn bị cho là có giá trị kinh tế thấp.
Mật dừa nước chỉ thực sự trở thành đặc sản, có mặt ở khắp các trạm dừng xe khi đạt chứng nhận OCOP từ chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm”. Hiện mật dừa nước là một trong 27 sản phẩm OCOP của TPHCM có mặt ở mọi sự kiện liên quan đến các chương trình OCOP trong nước.
Du khách tìm mua
Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Xuân Nguyên đang sở hữu sản phẩm mật ong rừng, sữa ong chúa và hà thủ ô được công nhận OCOP của TPHCM. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc công ty - cho rằng mô hình “mỗi xã một sản phẩm” được nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan triển khai dưới nhiều tên gọi khác nhau và khá thành công. Đây là mô hình tổ chức sản xuất quy mô tập trung, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giúp các sản vật địa phương gia tăng giá trị.
Để được chứng nhận đạt OCOP, sản phẩm phải qua nhiều hội đồng đánh giá từ hồ sơ đến thực tế. Doanh nghiệp có thể khai thác những ưu điểm, lợi thế của sản phẩm OCOP để quảng bá, bán hàng. Ở TPHCM, chương trình “mỗi xã một sản phẩm” được triển khai đồng loạt ở các quận, huyện; hệ thống siêu thị được khuyến khích tiếp nhận, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Vũ Đình Tứ (H.Bình Chánh, TPHCM), cho biết sau khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ bưởi Năm Roi trong khu vườn 6ha của gia đình ông dễ dàng và được giá hơn. Giống bưởi này vốn là thế mạnh của các tỉnh miền Tây Nam bộ nhưng khi trồng ở TPHCM thì có hương vị riêng. Khi sản phẩm được xem là đặc sản địa phương, giá trị sẽ được gia tăng do du khách trong nước và quốc tế tìm mua nhiều hơn.
Theo ông Tứ, để phát huy thế mạnh, nguồn lợi của các sản phẩm OCOP, rất cần các chính sách hỗ trợ về quỹ đất canh tác, vốn vay để đầu tư, nâng cấp thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế, có những cơ sở sản xuất sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương, được khách du lịch ưa chuộng nhưng quy trình sản xuất lại chưa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TPHCM, toàn thành phố hiện có 27 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong năm 2022, sở sẽ đánh giá, công nhận cho OCOP cho 41 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (22 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 19 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao).
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TPHCM - cho biết từ chỗ tập trung vào 5 huyện ngoại thành, việc phát triển các sản phẩm OCOP sẽ được mở rộng ra toàn thành phố: “Các doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng quan tâm hơn và tham gia câu lạc bộ OCOP. Hạn chế lớn nhất hiện nay là các sản phẩm OCOP chưa thể hiện được thế mạnh sản xuất nông nghiệp của TPHCM, nhất là nhóm hoa lan, cá cảnh. Sở mong muốn gia tăng số sản phẩm được công nhận OCOP và đạt các chuẩn quy trình sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP, đồng thời qua chế biến thay vì bán thô”.
Hiện Sở NNPTNT TPHCM đang phối hợp với các sở, ngành để tham mưu UBND TPHCM ban hành chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, trong đó có kích cầu đầu tư để phát triển sản phẩm OCOP. Một trong những chính sách đó là hỗ trợ lãi vay.
OCOP góp phần phát triển kinh tế nông thôn
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Mục tiêu của OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.