, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 05/12/2021, 20:47

Các nhà khoa học tìm kiếm nguồn gốc các biến thể mới của COVID-19

ANH VŨ
(laodong.vn)
Một số người đã xem xét vai trò của những cá nhân có hệ thống miễn dịch bị tổn hại trong việc thúc đẩy các đột biến tạo ra các biến thể mới của virus.
Các nhà khoa học tìm kiếm nguồn gốc các biến thể mới của COVID-19. Ảnh: AFP

Theo France24, khi các biến thể của virus COVID-19 xuất hiện, các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu cách chúng hình thành. Một số người đã xem xét vai trò của những cá nhân có hệ thống miễn dịch bị tổn hại trong việc thúc đẩy các đột biến tạo ra các biến thể mới của virus.

Được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, biến thể B.1.1.529 (biến thể Omicron) đã gây lo ngại ngay lập tức trong cộng đồng quốc tế. Số lượng đột biến chưa từng có của Omicron đưa ra hai mối đe dọa tiềm tàng: Đặc biệt dễ lây lan và có thể có khả năng kháng các loại vaccine hiện có.

Trong khi các chính phủ trên khắp thế giới đặt ra các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của Omicron, các nhà khoa học đã bắt đầu truy tìm nguồn gốc của biến thể "siêu đột biến" để hiểu cách nó ra đời.

Trong số các giả thuyết được đưa ra, một số nhà khoa học đang nghiên cứu cách các đột biến xuất hiện ở bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Trong vài tháng, họ đã nghiên cứu ảnh hưởng của mối liên hệ giữa sự xuất hiện của các biến thể được quan tâm nhiều nhất và hệ thống miễn dịch bị suy yếu ở những bệnh nhân mắc bệnh ung thư, đang chờ ghép nội tạng hoặc nhiễm HIV mà không được điều trị.

Morgane Bomsel, nhà virus học tại CNRS và Viện Cochin ở Paris, cho biết: “Khi một bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, virus sẽ tồn tại trong hệ thống của họ trong một thời gian rất dài, đôi khi vài tháng, so với chỉ vài ngày ở người bình thường. Hệ thống miễn dịch của họ quá yếu và không thể tự đào thải được virus".

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên tạp chí Nature Communications, một người đàn ông 58 tuổi có tiền sử bệnh thận và đang điều trị ức chế miễn dịch sau khi cấy ghép đã cho kết quả dương tính với COVID-19 trong hơn 6 tháng.

Vào tháng 12.2020, các bác sĩ ở Mỹ đã công bố một trường hợp tương tự, một bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch đã chết sau một đợt dương tính với COVID-19 kéo dài tới 154 ngày. Bomsel giải thích: “Trong suốt thời gian đó virus có thể tích lũy một loạt đột biến và tạo ra một biến thể mới”.

Về phần mình, Nam Phi có thể là mảnh đất màu mỡ cho loại quá trình tạo ra các biến thể do đại dịch AIDS gây ra. Bảy triệu người đang sống chung với bệnh AIDS trong cả nước, chiếm 12% tổng dân số, hay 19% người ở độ tuổi từ 15 đến 45.

Hơn nữa, tỉ lệ những người này thực sự được điều trị vẫn rất thấp, chỉ 57% vào năm 2017. "Vì vậy, có một tỉ lệ cao những người bị suy giảm hệ miễn dịch ở một quốc gia có mức độ bao phủ vaccine thấp và virus đang phát tán nặng nề tạo điều kiện cho các biến thể xuất hiện".

Đây không phải là lần đầu tiên Nam Phi phát hiện một biến thể COVID-19 mới trước bất kỳ nơi nào khác. Trước biến thể Omicron, 2 biến thể khác đã được mệnh danh là biến thể "Nam Phi" trước khi được đổi tên, gồm biến thể Beta và sau đó là C.1.2.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất