, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 14/05/2022, 06:02

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo

MINH HUY
Với sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ ngân hàng hiện đại, tội phạm công nghệ cao cũng ngày càng có nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi…
Hình minh họa.

Từ giả danh ngân hàng… 

Các chiêu thức mà tội phạm hay dùng thời gian gần đây là mạo danh ngân hàng để gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn SMS có hiển thị tên các ngân hàng (ACB, Vietcombank, Sacombank…) đến thuê bao di động của người dùng để cảnh báo tài khoản đang có vấn đề về bảo mật; đồng thời gửi một đường link mạo danh có tên miền gần giống với trang web của ngân hàng để yêu cầu người dùng truy cập và tra soát giao dịch, xác nhận thông tin... từ đó dẫn dụ nạn nhân cung cấp tên truy cập, mật khẩu, mật khẩu giao dịch một lần (mã OTP) rồi chiếm đoạt tài khoản ngân hàng trực tuyến và nhanh chóng chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản đến tài khoản khác để rút ra chỉ trong tích tắc khiến nạn nhân không kịp trở tay.

Việc tin nhắn hiển thị đúng tên, đúng logo các ngân hàng là do kẻ gian sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao thực hiện, khiến nạn nhân tin tưởng làm theo, dẫn đến mất tiền. 

Một phương thức phổ biến nữa là kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc công ty tài chính gọi điện mời chào các gói vay vốn, thậm chí còn lập fanpage, website và các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo có logo ngân hàng để giới thiệu các gói vay lãi suất hấp dẫn, giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản. Sau khi đồng ý vay, đối tượng yêu cầu khách hàng nộp một khoản phí từ 500.000 đến 1 triệu đồng vào tài khoản (do đối tượng cung cấp) để được hưởng ưu đãi rồi chiếm đoạt số tiền này. Một số khác còn yêu cầu nạn nhân đóng phí 5 - 10 triệu đồng để được giải ngân các khoản vay lớn hơn hạn mức cho phép rồi chiếm đoạt toàn bộ. 

Chị Hồng Liên (TP.HCM) cho biết, tháng 02/2022, chị nhận được tin nhắn dưới tên ngân hàng V. với nội dung chị đang thực hiện một khoản vay tiêu dùng 50 triệu với lãi suất 18%/năm. Hiện số tiền đang bị treo và yêu cầu chị đăng nhập vào đường link kèm theo để nhận tiền. Sau khi nhận được tin nhắn, chị Liên nhận tiếp một cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng này đồng thời đọc rõ tên họ, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của chị và yêu cầu chị truy cập vào đường link để nhận tiền ngay hoặc từ chối khoản vay nếu không có nhu cầu, nếu không sẽ bị trả lãi suất rất cao. “Sau khi bấm vào đường link, tôi nhập tên tài khoản, mật khẩu đăng nhập, nhập mã OTP vào thì ngay lập tức 230 triệu trong tài khoản của tôi bị rút sạch. Tôi vội báo ngân hàng thì được biết đây là chiêu lừa đảo của hacker”, chị Liên buồn bã cho hay.

Mới đây, VPBank gửi cảnh báo đến khách hàng về thủ đoạn “chuyển tiền nhầm” vào tài khoản rồi giả nhân viên ngân hàng hoặc công ty tài chính yêu cầu hỗ trợ chuyển lại tiền. Chiêu thức là khách hàng bỗng dưng nhận được một khoản tiền không rõ người gửi với nội dung cho vay trong 40 ngày. Ngay sau đó, một tài khoản Zalo liên hệ và thông báo đây là khoản vay và yêu cầu thanh toán số tiền vay kia theo lãi suất cao, còn nếu nhận tiền nhầm thì phải truy cập vào đường link (thực tế là link giả mạo có giao diện giống với website của ngân hàng) để khai báo và chuyển trả tiền. Nhiều nạn nhân làm theo hướng dẫn, nhập tài khoản, mật khẩu và mã OTP vào đường link và hậu quả là mất quyền sở hữu tài khoản, đồng nghĩa với việc mất hết tiền có trong tài khoản đó. 

“Khách hàng cần liên hệ với ngân hàng để xác minh khi có nghi ngờ lừa đảo. Tuyệt đối không sử dụng số tiền chuyển nhầm vào chi tiêu cá nhân hoặc chuyển hoàn vào một tài khoản khác khi chưa có kết quả xác minh của ngân hàng hay cơ quan chức năng”, đại diện VPBank đưa khuyến cáo. 

Mới đây, đối tượng lừa đảo còn mạo danh Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) với tên gần giống là CYC yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để nhận gói vay ưu đãi với điều kiện phải thanh toán tiền bảo hiểm hồ sơ vay qua đường bưu điện nhưng sau khi thanh toán xong, tiền mất mà không hề nhận được khoản vay nào.

…đến giả danh nhà mạng 

Không chỉ mạo danh nhân viên ngân hàng hay công ty tài chính, kẻ lừa đảo còn giả mạo nhân viên các mạng viễn thông như Mobifone, Vinafone… gọi đến để hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM điện thoại từ 4G lên 5G. Khi người sử dụng gửi tin nhắn theo cú pháp do kẻ gian hướng dẫn thì lập tức điện thoại bị mất tín hiệu, không sử dụng được nữa. Cùng với đó là tiền trong ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng cũng “bốc hơi”. Theo cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, đây là chiêu lừa đảo bằng cách chuyển hướng cuộc gọi, chiếm quyền sử dụng SIM của nạn nhân. 

Để không bị “sập bẫy” của kẻ gian, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân không thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn thông qua tin nhắn mà chưa kiểm chứng, không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai cũng như không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã OTP. Đồng thời, luôn tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện. 

Các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng cần xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ khi nhận được điện thoại của người tự xưng là nhân viên ngân hàng hoặc công ty viễn thông. Theo khẳng định của đại diện các ngân hàng, nhân viên ngân hàng không bao giờ gọi cho khách hàng để yêu cầu cung cấp mật khẩu và mã OTP với bất kỳ nguyên nhân nào. Khi có nhu cầu vay tiêu dùng, khách hàng cần liên hệ trực tiếp với các chi nhánh ngân hàng và tuyệt đối không làm thủ tục vay với người tự xưng là nhân viên ngân hàng thông qua fanpage, website, Zalo, facebook… Khi nhận tin nhắn có gắn tên hoặc logo ngân hàng, khách hàng nên gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác minh nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản của mình. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất