, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 30/09/2021, 14:26

Canh tác lúa rải vụ, mô hình nhiều lợi ích

NGÔ CHUẨN
(Báo An Giang)
Sản xuất rải vụ giúp giảm áp lực thu hoạch lúa cùng lúc, giảm chi phí, tăng chất lượng lúa và giá bán cao hơn. Canh tác rải vụ khắc phục được nỗi lo thiếu phương tiện, nhân lực, quá tải hệ thống sấy, kho chứa so với thu hoạch rộ.

Lợi nhuận tốt hơn

Vụ hè thu 2021, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) triển khai thí điểm liên kết trồng lúa rải vụ với Tập đoàn Lộc Trời (mô hình LT123) trên diện tích 50ha. Khi mà nhiều nơi, tiêu thụ lúa gặp khó khăn do giãn cách xã hội, nông dân tham gia mô hình LT123 phấn khởi khi Tập đoàn Lộc Trời vẫn tuân thủ cam kết “3 bao” (bao sâu bệnh, bao sản phẩm, bao lợi nhuận). Tính ra, nông dân vừa bán được hết lúa, vừa có lợi nhuận ổn định hơn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp An Bình Trịnh Công Minh cho biết, thấy được hiệu quả thực tế này, vụ thu đông 2021, các thành viên HTX đăng ký tham gia mô hình LT123 tăng lên 170ha; các vụ tới có thể sẽ còn tăng thêm. Lợi ích của liên kết sản xuất rải vụ là nông dân được Tập đoàn Lộc Trời đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật, đội phun thuốc bằng máy bay không người lái (drone), được thu mua hết sản phẩm và cam kết lợi nhuận.

Vụ lúa hè thu 2021, Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai thí điểm mô hình trồng lúa rải vụ tại một số HTX nông nghiệp ở huyện Thoại Sơn. Sơ bộ cho thấy, mô hình giúp nông dân giảm giá thành đầu tư khoảng 15% so với canh tác thông thường. Theo tính toán của Tập đoàn Lộc Trời, nếu tiến hành sản xuất rải vụ trên toàn bộ 36.000ha lúa của huyện Thoại Sơn, sẽ tăng thêm lợi nhuận cho bà con nông dân tối thiểu 1.000 tỷ đồng/năm.

Từ hiệu quả mô hình, Tập đoàn Lộc Trời đã xin chủ trương Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh An Giang cho thí điểm thực hiện mô hình sản xuất rải vụ. Với mô hình này, lúa vẫn sản xuất 3 vụ/năm nhưng không xuống giống tập trung cùng một thời điểm. Mỗi vụ sẽ có 100 ngày xuống giống và thu hoạch, 23 ngày làm đất và cho đất nghỉ giữa các vụ.

“Khi xuống giống rải vụ, mình biết chắc chắn 100 ngày sau sẽ thu hoạch giống gì, sản lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật thế nào. Khi ký hợp đồng cung ứng với đối tác, họ cũng tin tưởng khi biết đến thời điểm nào sẽ có hàng giao. Canh tác rải vụ giúp xoay tua đội gieo cấy, phun thuốc, thu hoạch lúa, đội ghe chuyên chở; hệ thống nhà máy, kho chứa của doanh nghiệp cũng không bị quá tải so với thu hoạch rộ, sản lượng quá lớn trong cùng thời điểm” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận phân tích.

Tuyên truyền nhân rộng

Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng kế hoạch thí điểm sản xuất lúa rải vụ. Mô hình này được thực hiện trên 4 vùng sinh thái ở các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Chợ Mới và Châu Phú với tổng diện tích 40.000ha (trên cơ sở thống nhất với Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT).

Mô hình sản xuất lúa rải vụ giúp chất lượng lúa tăng lên, thời gian sản xuất lúa và thu hoạch lúa được rút ngắn. Do thu hoạch nhiều thời điểm trong năm nên giá bán lúa trung bình ước tăng từ 300-500 đồng/kg so với thu hoạch rộ. Ông Nguyễn Duy Thuận cho rằng, lợi ích của mô hình là diện tích canh tác của HTX được gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp chế biến và đối tác xuất khẩu ngay trước khi xuống giống.

“Đa số các nhà xuất khẩu đều mong muốn nông dân, HTX có kế hoạch sản xuất trước từ 3-6 tháng. Do đó, việc triển khai sản xuất rải vụ sẽ giúp người mua có được đơn hàng trước khi xuống giống, đó là sự an toàn nhất cho cả nông dân, người mua lẫn nhà xuất khẩu” - ông Thuận đánh giá.

Theo ông Thuận, ngoài mô hình trồng lúa rải vụ, Lộc Trời đang liên kết với nông dân, HTX vùng ĐBSCL sản xuất lúa phục vụ cho thị trường Châu Âu. Lộc Trời có hơn 1.300 kỹ sư nông nghiệp (đội ngũ “3 cùng”), trực tiếp với bà con nông dân để hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa. Bên cạnh đó, còn có hàng chục nhà máy và hơn 30 doanh nghiệp đối tác, nhiều ngân hàng đứng ra đồng hành thực hiện chương trình hợp tác sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp với Tập đoàn Lộc Trời nhằm phát triển HTX nông nghiệp, mở rộng diện tích liên kết “Cánh đồng lớn”. Tập đoàn Lộc Trời sẽ liên kết, phát triển mới 200 HTX nông nghiệp giai đoạn 2020-2025. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới được 24 HTX gắn với vùng nguyên liệu “Cánh đồng lớn” 50.000ha của Tập đoàn Lộc Trời.

Vụ thu đông 2021, Tập đoàn Lộc Trời có nhu cầu liên kết và thu mua với diện tích 46.806ha, gồm các mô hình: LT123 là 3.778ha, mô hình bao tiêu truyền thống 3.028ha và mô hình tiêu thụ (liên kết đối tác) 40.000ha. Năm 2022, diện tích liên kết của Tập đoàn Lộc Trời dự kiến tăng lên 109.960ha, trong đó mô hình LT123 (rải vụ) nâng lên 43.250ha, mô hình truyền thống giảm xuống 12.860ha và mô hình tiêu thụ (liên kết đối tác) duy trì 60.000ha. Ngay trong vụ đông xuân 2021-2022, sẽ có 12.450ha thực hiện liên kết sản xuất rải vụ…

“ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước, nhưng bài toán đặt ra là làm sao chúng ta luôn đảm bảo có lúa quanh năm và đảm bảo thu hoạch, sản lượng, chất lượng để cung cấp theo thị trường trong nước và xuất khẩu. Mô hình trồng lúa rải vụ ở An Giang sẽ giúp không xảy ra tình trạng ùn tắc khi vào thu hoạch chính vụ, áp lực về nguồn nhân lực lao động, thiết bị máy móc, nhất là máy gặt, lò sấy và thương lái thu mua” - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường nhận định.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất